Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong bốn tháng đầu năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua mốc 1 triệu tỉ đồng (đạt 1.060 ngàn tỉ đồng), tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh quy mô thị trường ngày càng lớn, tính chất thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang có nhiều thay đổi.
Trong một hội thảo diễn ra vào tháng 8-2017, bộ phận Nghiên cứu thị trường của Công ty Nielsen Việt Nam từng cho biết nhu cầu kết nối của người tiêu dùng với doanh nghiệp đang tăng mạnh. Do smartphone ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng cũng thích chia sẻ các trải nghiệm khi mua sắm, sử dụng dịch vụ… qua internet. Theo Nielsen, số lượng người tiêu dùng kết nối internet tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ khoảng 23 triệu người vào giữa năm 2017 lên 40 triệu người vào năm 2025. Nhóm người tiêu dùng này luôn sẵn sàng chi tiêu ở mức cao, thường xuyên tìm kiếm các chương trình khuyến mãi.
Thực tế trên đã khiến mô hình O2O (Online To Offline) tại Việt Nam trở nên rất hứa hẹn, đặc biệt trong bối cảnh 95% giao dịch bán lẻ tại Việt Nam là giao dịch trực tiếp. O2O là mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức online và offline dựa trên các công nghệ số mà chủ yếu là nền tảng Mobile. Đây là mô hình mà doanh nghiệp sẽ sử dụng các công cụ trực tuyến kết nối tìm kiếm khách hàng trên mạng với việc chăm sóc khách hàng ngoài đời thực, từ đó tác động vào hành vi mua sắm của khách hàng để tăng trưởng doanh thu.
O2O mang lại giá trị cho người mua bằng sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và tận dụng những lợi ích từ việc giảm giá, tích điểm hoặc khuyến mãi tại cửa hàng thực. Khách hàng trải nghiệm sản phẩm trên kênh online, sau đó đến tận cửa hàng để xem hàng hóa một cách trực tiếp. Các mô hình kinh doanh O2O hàng đầu trên thế giới hiện nay có thể kể đến: Dianping (Trung Quốc) được định giá 60 tỉ USD, Ele.me (Trung Quốc) được định giá 9,5 tỉ USD, Yelp (Mỹ) 3,5 tỉ USD.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Clingme – ứng dụng đang được kỳ vọng sẽ dẫn đầu cho xu thế O2O ở Việt Nam hiện đã có khoảng 500.000 người sử dụng, hơn 3.000 cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ tham gia kết nối. Được bắt đầu xây dựng từ tháng 7-2013, đến này Clingme đã huy động được số vốn trên 3 triệu USD từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Clingme ký hợp đồng với nhà bán lẻ để giới thiệu khách hàng tới mua sắm. Khách hàng do Clingme giới thiệu nhận được ưu đãi thông qua % tiền mặt được hoàn lại nhất định (cashback).
Nhà bán lẻ sẽ trả cho Clingme tiền cashback và phí hoa hồng theo doanh số Clingme giúp tạo ra. Người dùng Clingme có thể tìm các cửa hàng có ưu đãi cashback gần mình nhất khi mua sắm. Clingme cũng chủ động đưa các gợi ý về địa điểm khách hàng nên tới theo sở thích, thói quen tiêu dùng, mức chi tiêu của mỗi người, và đặc biệt dựa trên hoàn cảnh cụ thể (ví dụ giờ ăn trưa, thời tiết, dịp quan trọng của chính cá nhân người dùng…).
Điểm khác biệt của ứng dụng này là Clingme cá nhân hóa được màn hình điện thoại cho từng nhóm người dùng. Theo đó, ở cùng một địa điểm, các nhóm người dùng sẽ nhận được các gợi ý mua sắm khác nhau, đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tiện lợi và thông minh nhất. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, Clingme xây dựng các công cụ phân tích hành vi mua sắm dựa trên dữ liệu của khách hàng. Từ đó, giúp doanh nghiệp bán lẻ có cách thức tiếp cận đúng khách hàng có nhu cầu và xây dựng một đội ngũ bán hàng số thông minh, tiết kiệm được chi phí vận hành và tăng doanh thu.