Những số liệu không lạc quan
Trong nhiều năm, đây là lần đầu tiên mà mức tăng trưởng công nghiệp của nền kinh tế nước ta lại thấp hơn tăng trưởng GDP. Sản lượng nông nghiệp cũng chỉ tăng 2,48%, so với mức kỷ lục 4,1% cùng kỳ năm 2011, nguyên nhân giảm được cho là do ảnh hưởng của lũ lụt và dịch bệnh động vật. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 17,3% nhưng giảm gần 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2011 là 22,8%. Khu vực kinh tế đối ngoại là khu vực duy nhất còn có những sắc hồng. Trong chín tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,8 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu từ khu vực nội địa đạt 31,3 tỉ USD, giảm 0,6%, xuất khẩu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 52,5 tỉ USD, tăng 34,6%. Kim ngạch nhập khẩu chín tháng đạt 83,7 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó nhập khẩu cho khu vực nội địa (chủ yếu là tập đoàn kinh tế nhà nước) đạt 39,8 tỉ USD, giảm mạnh đến 8,2%; nhập khẩu cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,9 tỉ USD, tăng 24,8%. Chín tháng đầu năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm xuất siêu 30 triệu USD. Số dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận tính đến 20-9-2012 nhiều hơn 100 dự án so với cùng kỳ 2011 tuy nhiên số vốn đăng ký lại thấp hơn 2,1 tỉ USD.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8-2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,37% so với cuối năm 2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 11,23%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trong chín tháng chỉ tăng 2,35% so với cuối năm 2011. Riêng trong tháng 9, tín dụng tăng gần 1%. Trong toàn hệ thống ngân hàng, kể từ giữa năm 2012, lãi suất huy động đã giảm nhanh, và kéo theo nó – chậm hơn – là lãi suất cho vay, với tổng mức giảm từ 5 – 8%/năm. Cán cân thanh toán quốc tế chín tháng ước thặng dư ở mức khoảng 8 tỉ USD, tỷ giá đồng Việt Nam được giữ ở mức dưới 21.000 VND cho 1 USD.
Trên lĩnh vực giá cả, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 9 đã tăng đến 2,2% so với tháng trước đó, cao nhất kể từ tháng 6-2011. Nhận xét với báo chí về chỉ số CPI trong tháng 9-2012, ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết: “Nếu CPI cả nước tăng thêm 2% nữa thì rất đáng lo vì chưa năm nào cao như thế cả”.
Còn theo Matt L Hildebrandt, chuyên gia phân tích kinh tế của JP Morgan Chase, tuy mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2012 của Việt Nam là cao hơn dự kiến (trong tám tháng trước đó, CPI chỉ tăng bình quân mỗi tháng 0,2%) nhưng lạm phát của Việt Nam sẽ không tăng mạnh trong thời gian còn lại của năm 2012. Báo cáo của JP Morgan Chase cũng chỉ rõ rằng, nguyên nhân khiến CPI tháng 9 tăng mạnh nằm ở bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm y tế, giáo dục, giao thông và lương thực – thực phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, báo cáo của JP Morgan Chase không cho là CPI của Việt Nam sẽ tăng vọt vào cuối năm nay như thường xảy ra trong mấy năm gần đây mà dự đoán rằng lạm phát sẽ có thể hướng tới ngưỡng 9% trong thời gian còn lại của năm. Mức lạm phát dưới 10%, mặc dù giá xăng dầu và giá điện được điều chỉnh tăng mạnh trong năm 2012 cũng là dự báo của các chuyên gia kinh tế trong nước. Trao đổi với báo
Wall Street Journal, ông Lê Thẩm Dương thuộc Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhận định, năm học mới bắt đầu vào tháng 9 và giá xăng tăng đã đẩy giá cả ở các nhóm giáo dục và giao thông tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng mức tăng CPI năm nay sẽ được duy trì ở một con số, khoảng 8 – 9%.