Thời gian gần đây, các tỉnh Nam bộ đã bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô nên hay có các đợt nắng nóng, đặc biệt là khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Buổi trưa, nhiệt độ trung bình thường ở mức 37 – 38oC, còn ngoài đường nhiệt độ có thể vượt quá 40oC do sự hấp thu và tỏa nhiệt của bê tông, nhựa đường, động cơ xe…
Thời tiết nắng nóng làm thức ăn dễ bị thiu, môi trường ô nhiễm rất dễ phát tán mầm bệnh tiêu chảy và có thể gây những biến chứng nghiêm trọng đối với bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường.
Nắng nóng làm bệnh có sẵn trở nên nghiêm trọng hơn
Nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mầm bệnh, nhất là các vi khuẩn đường ruột gây bệnh tiêu chảy.
Triệu chứng của bệnh tiêu chảy do vi khuẩn xảy ra rất nhanh, người bệnh bị mất nhiều nước và chất điện giải trong một thời gian rất ngắn. Bệnh có thể diễn biến lan rộng tạo thành dịch tiêu chảy, trẻ em thường bị hơn người lớn.
Cứ mỗi đợt nắng nóng kéo dài, các bệnh viện Nhi đồng lại tiếp nhận một lượng lớn trẻ có triệu chứng tiêu chảy.
Tiêu chảy do vi khuẩn chủ yếu lây theo đường ăn uống, gây triệu chứng rối loạn tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là máu bị nhiễm khuẩn, nếu không phát hiện sớm và cấp cứu không kịp thời thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thời tiết nóng nực không chỉ làm cơ thể mất nước và rối loạn điện giải mà còn làm nhịp tim tăng nhanh nên huyết áp cũng tăng theo, điều này rất nguy hiểm đối với người có sẵn bệnh tăng huyết áp và làm nặng thêm tình trạng suy tim…
Mất nước do nắng nóng làm máu bị cô đặc, người bị bệnh tim mạch càng dễ hình thành cục máu đông nên hay bị tai biến, đột quỵ hơn.
Riêng với bệnh mạch vành, nắng nóng làm cho thể tích tuần hoàn giảm nên dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc hơn, làm cho bệnh càng thêm nặng nề, dễ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
Trong mùa nắng nóng, bệnh nhân đái tháo đường rất cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, tránh hiện tượng hạ đường huyết do ăn uống không đầy đủ trong khi vẫn dùng các thuốc điều trị đái tháo đường.
Vì hạ đường huyết là một trong những yếu tố thuận lợi dẫn đến nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường có suy mạch vành.
Người bệnh đái tháo đường là một trong những cơ địa dễ bị biến chứng huyết khối, tắc mạch nhiều hơn nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước trong mùa nắng nóng.
Bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thận mà chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, uống ít nước sẽ làm cho tình trạng suy thận gia tăng hoặc tình trạng suy thận nặng hơn khi đang dùng kèm theo thuốc lợi tiểu.
Trong mùa nóng, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp dễ xảy ra như: viêm mũi họng đến viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi…
Bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản mãn tính, hen suyễn dễ bị lên các cơn kịch phát do nhiễm trùng hô hấp.
Vì khí hậu nóng làm khô và tổn thương niêm mạc đường hô hấp, bụi bẩn càng dễ kích ứng đường hô hấp, gây co thắt phế quản làm lên các cơn khó thở.
Thông thường, vùng mũi họng sẽ có một chất nhầy giúp làm sạch không khí khi hít thở. Còn trong khí hậu khô nóng, cơ thể mất nước, niêm mạc vùng hầu họng khô lại và khi sử dụng máy lạnh, quạt máy liên tục sẽ khiến niêm mạc mũi họng càng bị khô, trầy xước nên vi trùng dễ xâm nhập và gây bệnh.
Phòng bệnh mùa nắng nóng
Muốn phòng bệnh tiêu chảy mùa hè, chúng ta cần chú ý về vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt. Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn đã bị ôi thiu, các thức ăn bán lề đường thiếu che đậy, vệ sinh.
Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Những người “bụng yếu” không nên ăn rau sống, không ăn các thực phẩm chưa được nấu chín như tiết canh, nem chua, các loại gỏi sống.
Dùng khẩu trang sạch khi ra đường hoặc đến những nơi nhiều mầm bệnh như bệnh viện, bãi rác… để phòng bệnh đường hô hấp. Có thể dùng thêm dung dịch nước muối loãng để vệ sinh mũi một, hai lần mỗi ngày.
Chúng ta cần uống đủ nước, ăn nhiều trái cây tươi chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải đồng thời tăng sức đề kháng của cơ thể.
Bệnh nhân cao huyết áp nên được đo huyết áp thường xuyên hơn. Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những cơn tăng huyết áp kịch phát không phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng như tai biến mạch máu não.
Những bệnh nhân đang được điều trị thuốc hạ huyết áp bằng các thuốc lợi tiểu cũng lưu ý nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến rối loạn nước và điện giải.
Bệnh nhân tim mạch, tiểu đường cần chú ý nhiều hơn đến tình trạng sức khỏe của mình để khi có những biểu hiện bất thường thì được thăm khám và điều trị kịp thời.
Người lớn tuổi cần uống nước nhiều lần trong ngày không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng nóng.
Lưu ý là không nên thay đổi môi trường chênh lệch nhiệt độ đột ngột, chẳng hạn như từ môi trường có điều hòa nhiệt độ ra ngoài hay tắm bằng nước lạnh.