Khi đề cập về các bức tường phân chia biên giới các nước, chúng ta thường sẽ nghĩ về những bức tường được nhiều người biết đến, cụ thể là bức tường Berlin, bức tường phân chia Hàn Quốc và Triều Tiên hay bức tường mà Tổng thống Donald Trump đang muốn xây dựng dọc theo biên giới Hoa Kỳ với Mexico. Mặc dù bức tường mà ông Trump đề nghị xây dựng đã gây nhiều tranh cãi và phản đối, dường như có ít người nhận ra rằng các bức tường phân chia biên giới tại một số nước thực ra đã tồn tại từ lâu.
1. Bức tường Maroc
Bức tường Maroc (còn có tên là “Berm Wall”) là một bức tường dài 2.600km chạy ngang qua phía Tây sa mạc Sahara. Bức tường này được làm từ cát sa mạc, cao đến 3m và được bảo vệ bằng hàng rào điện, radar, dây thép gai, lính Maroc và khoảng 7 triệu quả mìn được chôn dưới đất. Điều này làm cho nó trở thành bãi mìn được chôn lâu nhất thế giới và là một trong những biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới.
Bức tường được chính phủ Maroc xây dựng từ năm 1980 do khu vực phía Tây Sahara là lãnh thổ tranh chấp. Trong khi hầu hết xem nơi đây là miền Nam Maroc thì người dân địa phương nói rằng chúng là một phần (không được công nhận rộng rãi) của Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi. Mặt trận Polisario, đang chiến đấu cho việc công nhận nền độc lập của Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi, kiểm soát một nửa còn lại của phần sa mạc phía Tây Sahara (phần bên ngoài bức tường).
Tuy nhiên, bức tường cũng không ngăn cản được Mặt trận Polisario sẵn sàng vượt qua biên giới tấn công quân đội Maroc. Các binh sĩ của Mặt trận Polisario sẵn sàng đào xuống bên dưới đường biên giới để vượt qua bức tường. Nhưng người thua cuộc lớn nhất trong cuộc xung đột giữa Morocco và Mặt trận Polisario lại là những cư dân của Tây Sahara, bị bắt giữ ở cả hai bên bức tường. Nhiều người trong số họ đã bị giết bởi các quả mìn chôn dưới đất.
2. Bức tường Baghdad
Bức tường Baghdad là một hàng rào bê tông dài 4 km ngăn cách phía Hồi giáo dòng Sunni của Baghdad (thủ đô Iraq) với phía người Hồi giáo dòng Shiite. Trước khi có bức tường, dân quân Sunni thường tổ chức các cuộc tấn công vào dân thường Shiite, quân đội Iraq (đa số là người Shiite) và quân đội Mỹ. Lực lượng dân quân Shiite cũng tung ra các cuộc tấn công trả đũa vào người dân Sunni trong khu vực.
Quân đội Mỹ sau đó đã xây dựng một bức tường bao quanh biên giới phía Nam dải Ghazaliya, nơi dân quân Sunni có một đồn lũy. Trong khi bức tường làm giảm số lượng vụ tấn công và số người chết, nó lại gây ra sự bất an cho người Hồi giáo dòng Sunni, với nỗi e ngại rằng họ đang bị cắt đứt khỏi thủ đô Baghdad. Những người khác thì nghĩ rằng bức tường không phải là để bảo vệ họ, mà là giữ chân họ ở tại vịnh và cho phép dân quân Shiite đối phó với những người Hồi giáo Sunni bên ngoài bức tường.
Một số doanh nghiệp và cơ sở phục vụ cộng đồng Sunni nằm ở bên ngoài bức tường cũng liên tục phản kháng, làm cho sự việc trở nên phức tạp hơn. Những người nổi dậy của phía Sunni đã cố gắng phá hủy bức tường bằng bom ngay sau khi nó được dựng lên. Song họ đã thất bại và chỉ làm hỏng một phần nhỏ bức tường mà đã được sửa chữa ngay sau đó.
3. Hàng rào điện tại biên giới Botswana-Zimbabwe
Zimbabwe và Botswana được ngăn cách bởi một hàng rào điện cao 2m, dài 500km do phía Botswana xây dựng. Chính quyền Botswana cho biết hàng rào này là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh lở mồm long móng do gia súc nhập lậu từ Zimbabwe.
Nếu điều này là chính xác thì dễ hiểu tại sao Botswana lại quan tâm đến căn bệnh này. Vào thời điểm bức tường được khởi công vào năm 2003, Botswana đang phải đối mặt với dịch bệnh lở mồm long móng khiến nông dân phải giết chết hàng ngàn con gia súc. Điều này đặt ra một mối đe dọa cho nền kinh tế Botswana vì chăn nuôi gia súc là nguồn thu nhập chính thứ hai của đất nước này.
Phía Zimbabwe lại cho rằng hàng rào không liên quan gì đến căn bệnh này. Thay vào đó, họ giải thích Botswana muốn hạn chế tình trạng người Zimbabwe nhập cư trái phép. Đất nước Zimbabwe đã trải qua tình trạng lạm phát và thất nghiệp nghiêm trọng vào thời điểm hàng rào được xây dựng, khiến nhiều người Zimbabwe phải vượt biên trái phép đến nước láng giềng Botswana. Điều kỳ lạ là Botswana lại không bao giờ bật công tắc hàng rào điện và cũng không tuần tra để ngăn chặn người hoặc gia súc vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp.
4. Hàng rào điện tại biên giới Nam Phi – Mozambique
Nam Phi có một hàng rào điện xây dựng dọc biên giới với Zimbabwe và Mozambique. Năm 1990, phần hàng rào giáp với Mozambique, mà dân địa phương gọi là “Rắn lửa”, đã giết chết hàng trăm thường dân muốn chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Mozambique. Hàng rào này có điện thế lên đến 3.500 volt, gây ra cú sốc điện có thể giết chết bất cứ ai chạm vào nó.
Văn phòng Công giáo Nam Phi về người tị nạn tuyên bố rằng hàng rào này đã giết chết hơn 200 thường dân mỗi năm. Trong khi đó, lực lượng phòng vệ Nam Phi nói rằng chỉ có 89 người chết trong 3 năm. Cho dù ai đúng thì hàng rào điện nói trên cũng giết chết nhiều người hơn “Bức tường Berlin” trong suốt 28 năm tồn tại của nó.
Một lựa chọn khác là đi bộ qua khu vực không có hàng rào dẫn thẳng vào vườn quốc gia Kruger Nam Phi, nơi nổi tiếng về các đàn sư tử. Một hành trình phổ biến là đi xuyên qua vườn quốc gia để vào Nam Phi mất 24 giờ, thời gian đủ để các con sư tử đói săn mồi và ăn thịt. Những người lính canh gác công viên thường báo cáo đã thấy các phần còn lại của những người bị sư tử ăn thịt.
Một số sư tử thậm chí đã trở nên thèm khát thịt người, từ bỏ việc săn mồi bình thường của chúng để đi săn… người. Chúng trở nên táo bạo đến nỗi bắt đầu tấn công và giết chết những người bảo vệ để ăn thịt. Hàng rào vẫn tồn tại ngày hôm nay, nhưng nó không còn nạp điện hoặc bảo vệ nữa. Nó đã bị cắt ở nhiều nơi và hư hỏng phần lớn.
5. Bức tường Hòa bình ở Bắc Ireland
Bức tường Hòa bình không phải là một hàng rào duy nhất mà là một loạt hơn 60 bức tường khác nhau phân chia thành phố Belfast, thủ phủ Bắc Ireland. Ở một số nơi, các bức tường không có gì ngoài hàng rào bằng gỗ thấp và ở những nơi khác, chúng là những bức tường bê tông cao. Các hàng rào này đã được dựng lên trong cuộc xung đột vũ trang tại Bắc Irealand (gọi là The Trouble) để giữ cho những người theo chủ nghĩa hợp nhất (Anh và Bắc Ireland) và người theo chủ nghĩa dân tộc không xung đột vì sự khác biệt về tôn giáo và chính trị.
Trước khi có các bức tường, mọi người từ cả hai bên đã phát động các cuộc tấn công lẫn nhau. Các bức tường bắt đầu xuất hiện xung quanh khu dân cư dễ xảy ra bạo lực này. Vào thời điểm đó, các bức tường khiến người dân cảm thấy an toàn hơn.
Thật lạ là hầu hết các bức tường lại được dựng lên sau khi cuộc xung đột vũ trang Bắc Ireland kết thúc. Chúng đang dần bị phá hủy và dự kiến sẽ phá hủy hoàn toàn vào năm 2023.
6. Dự án Bức tường Ukraine
Dự án Bức tường Ukraine là một hàng rào biên giới dài 2.000km với hệ thống hào ngăn cách Ukraine khỏi nước Nga. Nó được xây dựng bởi chính quyền Ukraine với ý định ngăn chặn một cuộc xâm lược khác của Nga. Ukraine bắt đầu dựng hàng rào sau khi Nga sáp nhập thành công Crimea. Hàng rào vẫn đang được xây dựng và có thể sẽ không bao giờ hoàn thành nếu xem xét các sự kiện hiện tại.
Ukraine không có đủ tiền để hoàn thành hàng rào, và một phần tiền mà nó đã chi ra đang bị đánh cắp bởi các nhà thầu tham nhũng và các nhân viên biên phòng. Hầu hết các phần đã xây rào tại biên giới cũng bị xâm nhập và không được xây dựng theo tiêu chuẩn. Cho đến nay, Ukraine đã chỉ mới đào được 273km hào và xây dựng được 83 km hàng rào biên giới.
Một số nhà phân tích quốc phòng hoài nghi về hiệu quả của hàng rào và hào. Hàng rào không được bảo vệ, và hào không thể cản bước xe tăng Nga. Ukraine đã thay đổi thời gian dự kiến hoàn thành từ năm 2018 đến năm 2021. Chính quyền Kiev nói rằng họ không đủ tiền để xây dựng hàng rào một mình và sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ các quốc gia châu Âu khác. Về phía Nga cũng đang xây dựng một hàng rào để tách Crimea khỏi Ukraine.
7. Trường thành (Great Wall) của Ả Rập Saudi
Trường Thành của Ả Rập Saudi là một hệ thống hàng rào và hào rãnh chạy dài 966km theo đường biên giới phân cách Ả Rập Xê Út và Iraq. Ả Rập Xê Út lần đầu tiên cân nhắc quyết định xây dựng hàng rào vào năm 2006 vì lo ngại rằng các phe đối địch trong cuộc nội chiến ở Iraq có thể tấn công lấn qua biên giới vào lãnh thổ nước họ.
Năm 2014, Ả Rập Saudi bắt đầu xây dựng Trường Thành khi thấy rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS (ISIS) đã chiếm một phần lớn lãnh thổ Iraq gần ngay biên giới. Ả Rập Saudi sợ rằng ISIS đã sẵn sàng tung ra một cuộc xâm lược vào lãnh thổ của họ.
Bức tường được bảo vệ bởi 5 hàng rào song song, các tháp canh, thiết bị giám sát và hơn 30.000 binh sĩ. Trong khi hàng rào vẫn đang được xây dựng vào năm 2015, ISIS đã tấn công một đoạn đường biên giới để ngăn chặn Ả Rập Xê Út hoàn thành dự án. Ba người lính biên phòng đã bị giết trong vụ tấn công này. Trong số đó có một người là tướng Oudah al-Belawi, chỉ huy các hoạt động biên giới ở phía bắc Ả Rập Saudi.
Ngoài bức tường phân chia biên giới với Iraq, Ả Rập Saudi cũng đang xây dựng một bức tường dài 1.600 km dọc theo biên giới với Yemen.
8. Những hàng rào ngăn cách tại thành phố Ceuta và Melilla
Ceuta và Melilla là hai thành phố nằm ở Bắc Phi. Cả hai đều thuộc chủ quyền của Tây Ban Nha mặc dù chúng chia sẻ biên giới với Ma-rốc. Có dịch vụ phà thường xuyên đi lại giữa các thành phố này và đất nước Tây Ban Nha.
Điều này dẫn đến việc người di cư châu Phi tìm đến các thành phố này để lẻn lên phà đi Tây Ban Nha. Kết quả là Tây Ban Nha đã dựng lên hàng rào dọc theo biên giới, phần mà cả hai thành phố chia sẻ với Maroc để ngăn chặn dòng người di cư tìm đến.
Liên minh châu Âu cũng đã chi hàng triệu euro cho Tây Ban Nha và Maroc để ngăn chặn những người di cư lén lút vào các thành phố này và sau đó lẻn vào châu Âu qua đất nước Tây Ban Nha. Hàng rào ở Melilla dài 11km. Nó bao gồm ba hàng rào song song, hoàn chỉnh với dây kẽm gai, còi báo động và hơi cay. Hiện tại hệ thống phun hơi cay đã bị ngừng hoạt động.
9. Bức tường ngăn cách Ai Cập và Dải Gaza
Không giống như những bức tường đã đề cập ở trên, bức tường ngăn cách biên giới Ai Cập và Dải Gaza là một bức tường ngầm. Nó được xây dựng để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí vào dải Gaza thông qua các đường hầm dưới lòng đất từ phía Ai Cập. Israel có một sự phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ những gì có thể và không thể nhập khẩu vào dải Gaza. Điều này đã gây khó dễ cho những người muốn nhập khẩu các mặt hàng như thực phẩm.
Để vượt qua biên giới, họ đã đưa vật phẩm nhập lậu thông qua các đường hầm đào từ phía Ai Cập. Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát những đường hầm này. Nó cung cấp ánh sáng và thu thuế trên các sản phẩm nhập lậu. Hamas cũng có đường hầm bí mật riêng chỉ dùng để vận chuyển vũ khí. Mặc dù bức tường được xây dựng là để nhắm vào những đường hầm bí mật này, nó cũng ảnh hưởng đến các đường hầm được sử dụng để vận chuyển thực phẩm và những vật dụng quan trọng tương tự. Ai Cập nói rằng bức tường ngầm dài 10km và không thể bị cắt hoặc đốt cháy. Nó được xây dựng với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
Bản thân Israel cũng đang xây dựng một bức tường ngầm ở bên trên và dưới mặt đất dọc theo đường biên giới dài 64km của nó với Dải Gaza. Bức tường ngầm nhằm ngăn chặn các đường hầm được Hamas sử dụng để tổ chức các cuộc tấn công vào Israel. Phía Israel không tiết lộ chiều sâu của bức tường nhưng nói rằng nó sẽ được hoàn thành vào năm 2019.
10. Hàng rào phân chia Ấn Độ và Bangladesh
Có đến 70% đường biên giới dài 4.100km của Ấn Độ với Bangladesh đã được rào lại. Hàng rào cao 2,4m này có dây thép gai và ở một số nơi là hàng rào điện. Chúng được xây dựng vào những năm 1980, sau khi tình trạng bạo lực nổ ra tại bang Assam của Ấn Độ đối với những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp vào bang này. Tuy nhiên, việc xây lên hàng rào đã không đạt được mục đích của nó vì những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp và ngay cả những kẻ khủng bố vẫn có thể vượt qua biên giới.
Các binh sĩ bảo vệ biên giới biến chất nhận tiền hối lộ từ những người Bangladesh và cho phép họ nhập cư bất hợp pháp vào Ấn Độ. Một số người nhập cư bất hợp pháp cũng sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh. Những người khác thì bơi qua các con sông ở biên giới – khu vực rõ ràng là không có rào chắn và chiếm đến 1.116 km chiều dài biên giới.
Ấn Độ cũng bị chỉ trích một cách nặng nề về cách mà nó đối phó với những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp. Cảnh sát biên giới Ấn Độ đã bắn chết 900 người Bangladesh trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2010.
Một số thậm chí không phải là người nhập cư bất hợp pháp. Họ chỉ tình cờ là nông dân Bangladesh canh tác tại các trang trại gần biên giới. Những người khác bị giết trong khi quay về Bangladesh sau khi băng qua biên giới bất hợp pháp để thăm thân nhân ở phía Ấn Độ.