Thật ra đây không phải lần đầu xuất hiện một đề nghị như thế này. Trên thế giới một số học giả đã từng đưa ra danh mục những kiệt tác văn học nhằm giới thiệu cho độc giả cùng đọc. Ở nước ta, trong nhà trường, một số đơn vị đào tạo cũng nêu tên những tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài mà sinh viên cần phải đọc. Tuy nhiên, sáng kiến xuất phát từ Nga lần này có những điểm mới. Một, đây không chỉ là sáng tác văn học mà còn có cả sách khảo cứu về văn hóa, lịch sử, chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức về đất nước Nga. Hai, đây không phải là danh mục sách tham khảo phục vụ chương trình đào tạo mà là sách đọc ngoài chương trình dành riêng cho học sinh phổ thông. Ba, đây là đề nghị từ người đứng đầu Nhà nước nên gây ra hiệu ứng và được hồi đáp nhanh chóng để biến thành dự án.
Nga là đất nước có nền văn học vĩ đại và văn hóa đọc phát triển rất sâu rộng. Ai từng đến thăm và tìm hiểu nước Nga thì đều biết rằng trước đây, mức tiêu thụấn bản sách của người Nga rất cao, trong xe điện ngầm hầu hết hành khách đều cầm trên tay cuốn sách. Tình hình ngày nay không còn được như trước: do những biến động về xã hội, những khó khăn về kinh tế và tác động của các phương tiện nghe nhìn, số lượng người mua sách và đọc sách văn học, nhất là trong giới trẻ, ngày càng sút giảm. Sáng kiến trên đây có lẽ xuất phát từ việc nhận thức thực tế đáng buồn ấy.
Thực trạng văn hóa đọc ở nước ta, như nhiều người báo động, có lẽ cũng không khác gì nước Nga. Tuổi trẻ học đường hầu như chỉ đọc những gì phục vụ trực tiếp cho việc thi cử. Ngay những người trẻ có ý hướng tìm tòi cũng không được những người có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc đọc sách. Vì vậy, sáng kiến trên đây là một gợi ý quý báu để chúng ta áp dụng cho đất nước mình. Thiết nghĩ, những cơ quan của chính phủ như Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể dùng kinh phí “đặt hàng” cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thậm chí cho một nhóm chuyên gia có uy tín, thực hiện cuộc thăm dò ý kiến của công chúng, tập trung ở giới nhà giáo, nhà văn, học giả, các bậc phụ huynh, sau đó tổng hợp lại và trao đổi, thảo luận để thống nhất một danh mục sách được đồng thuận của xã hội. Tính riêng sách văn học, lịch sử, văn hóa do người Việt và người nước ngoài viết về Việt Nam, con số 100 cũng là phù hợp. Khi đã chọn ra được danh mục sách rồi, Nhà nước cần có chính sách để tác động đến việc đọc sách của học sinh. Chẳng hạn, chính phủ tài trợ việc tái bản các đầu sách được đề nghị, nhằm giảm giá thành để vừa túi tiền của học sinh. Các thư viện địa phương và các trường học ưu tiên dùng kinh phí mua những đầu sách này với số lượng lớn để có thể cho được nhiều học sinh mượn đọc miễn phí. Các trường học, hội phụ huynh học sinh ưu tiên mua những sách đó làm phần thưởng cho học sinh giỏi cuối năm. Các nhà văn hóa, câu lạc bộ tổ chức nói chuyện, thuyết trình về những cuốn sách đó nhằm phổ biến sâu rộng hơn giá trị tư tưởng và nghệ thuật của nó.
Huỳnh Như Phương