Đến hẹn lại lên, từ đầu tháng 7 Âm lịch, trên các tuyến đường ngoại thành TP. Hồ Chí Minh đã mọc lên hàng trăm kiosque bán bánh trung thu Kinh Đô, Đồng Khánh, Như Lan… Bánh trung thu tại các kiosque này rất đa dạng về giá cả, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng một cái. Năm nào cũng vậy, đến những ngày cận rằm, bánh sẽ được bán “đại hạ giá” từ 20 – 60%, hoặc khuyến mãi mua hai tặng một, mua một tặng một, thậm chí có nơi mua một tặng hai. Thị trường bánh trung thu cung lớn hơn cầu và tình trạng “bán đổ bán tháo” vào những ngày cuối không chỉ gây lãng phí lớn mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu.
Vấn đề về uy tín thương hiệu
Dọc theo đường Lê Văn Khương, quận 12 có đến 16 điểm bán bánh trung thu, trong đó có không ít kiosque dựng lên một cách tạm bợ, nhếch nhác. Nhân viên bán một cơ sở bánh trung thu Như Lan trên đường này khẳng định: “Mình bán bánh của Như Lan thì mình đăng bảng hiệu Như Lan thôi! Khách vào cửa hàng, tôi sẽ giới thiệu nhiều loại bánh khác nhau để người ta chọn”. Trong khi đó, nhân viên bán hàng của Như Lan (đường Hàm Nghi, quận 1) cho biết: “Ngoài hai địa điểm Như Lan tại đường Hàm Nghi và đường Hai Bà Trưng vừa là cơ sở sản xuất vừa là cửa hàng bán bánh trung thu thì chúng tôi không còn cửa hàng nào khác bán bánh trung thu trên cả nước. Mấy chỗ đăng bảng chắc là bánh giả!”.
Dạo quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp và trên các quốc lộ, ngoài các cửa hàng bán bánh còn có các loại xe tải nhỏ chở bánh trung thu bán treo bảng hiệu Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica thu hút rất nhiều người mua, đa số là công nhân và người lao động có thu nhập thấp.
Tại một kiosque bánh trung thu để bảng hiệu Kinh Đô trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, cô bán hàng cho biết chủ kiosque thuê thương hiệu để kinh doanh, giá thuê thì cô không thể tiết lộ. Cô nói: “Năm ngoái, tôi bán được khá nhiều vào những ngày giảm giá cuối. Công nhân các khu công nghiệp mua rất nhiều. Mấy chục cái còn lại sau lễ tôi đem về cho gà ăn”. Chúng tôi liên lạc với Kinh Đô thì không nhận được câu trả lời. Trước đây, Kinh Đô cũng từng giữ “im lặng” khi báo chí đưa tin bánh trung thu thương hiệu này sử dụng nguyên liệu bẩn.
Liệu đây có phải là bánh do Kinh Đô phân phối hay không? Theo ThS Đặng Thanh Vân, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn xây dựng thương hiệu Thanhs, trả lời báo Infonet thì việc im lặng của Kinh Đô trong thời gian “nước rút” của mùa bánh trung thu là một nước cờ trong chiến lược kinh doanh. Nhưng về mặt nhận thức thương hiệu, Kinh Đô đã ghi được những dấu ấn trong khách hàng nhờ những sáng tạo dẫn đầu trong việc sản xuất bánh trung thu và các loại bánh tươi khác.
Trong quan điểm về chiến lược định vị thương hiệu, một khi thương hiệu đã “bám rễ” vào tâm trí khách hàng thì sẽ gặt hái được thành công và được tin cậy. Sự việc xảy ra với Kinh Đô chắc chắn sẽ làm phương hại đến hình ảnh và cảm nhận của một bộ phận khách hàng, nhưng nếu thương hiệu ứng xử tốt trong khủng hoảng, sẽ gia tăng được niềm tin.
Sự lãng phí lớn từ thị trường bánh trung thu
Nhiều người bán bánh trung thu cho rằng, sở dĩ sức tiêu thụ kém là do tình kinh tế khó khăn nên người dân ngày càng thắt chặt “hầu bao” trong ăn uống. Nhưng thực tế loại bánh này được mua để tặng, biếu hơn là mua để ăn. Vì vậy, việc các nhà sản xuất đầu tư quá mức vào mẫu mã, bao bì để tăng giá bánh cũng khiến cho cầu khó chạm đến cung.
Có thông tin cho rằng mỗi năm, chúng ta vứt đi hàng triệu chiếc bánh trung thu, không hề “kém cạnh” so với những nước tiêu thụ bánh trung thu lớn là Hongkong và Trung Quốc. Mỗi năm, Trung Quốc cho ra hơn 280.000 tấn bánh trung thu từ hơn 10.000 nhà sản xuất và 32% chi phí dành cho bao bì mà hầu hết sau đó bị vứt bỏ một cách lãng phí, theo ChinaFile tiết lộ.
Năm 2010, Trung Quốc đã tạo ra 40 triệu tấn rác thải từ bao bì bánh trung thu, chiếm 1/3 tổng trọng lượng rác thải cứng toàn quốc và tốn tới hơn 318 triệu USD để sản xuất rồi vứt đi đống rác thải này. Riêng người Hongkong đã vứt bỏ 2 triệu bánh trung thu mỗi năm, theo tổ chức Green Power đưa ra năm 2013. Nếu nghiên cứu tương tự được thực hiện ở thị trường Việt Nam thì con số lãng phí chắc chắn cũng không nhỏ.
Bánh trung thu năm nào cũng còn tồn kho khá nhiều nhưng việc xử lý sau đó hầu như không được các thương hiệu nhắc đến. Thông tin từ các thương hiệu cho biết rằng việc sản xuất có kế hoạch theo nhu cầu của thị trường nên số lượng bánh tồn không nhiều và sau rằm tháng Tám, công tác thu hồi bánh được tiến hành khẩn trương. Sản lượng bánh tiêu thụ trong mùa Trung thu 2014 là 2.800 tấn. Bánh tồn sau khi thu về sẽ được phát miễn phí cho cán bộ, công nhân viên của công ty.
Ngoài những cách bán hàng thanh lý cho nhân viên, số lượng bánh còn lại không hề có thông tin nào về cách xử lý. Tuy nhiên, cũng chưa thấy nhà sản xuất nào công bố việc tiêu hủy bánh rầm rộ vì họ không dễ gì tự tay hủy đi tiền bạc, tài sản của mình. Theo nhân viên cửa hàng bánh trung thu gần cầu Trường Đai (Q. Gò Vấp) thì bánh bán “đại hạ giá” mà không hết hàng và bánh đã quá hạn sử dụng thì một số cơ sở sẽ bán cho các đầu lậu thu mua bánh quá hạn về tái chế thành hàng trăm tấn bánh kẹo rẻ tiền cho các vùng nông thôn, miền núi vùng cao.
Hiện nay tại các chợ bán buôn cũng như các hàng bán lẻ tại các chợ nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn tràn lan các loại bánh kẹo không nhãn mác, không có công bố thành phần nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm. Đó chính là kẽ hở cho việc tiêu thụ các hàng ế, hàng quá hạn, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.