Hiện nay, theo một nghiên cứu gần đây, hơn 3 tỷ người đăng nhập mạng xã hội và một số người có nhiều hơn một tài khoản. Chúng ta đang dành trung bình khoảng 2 tiếng mỗi ngày để “chia sẻ”, “thích”, viết tweet và cập nhật thông tin trên các trang mạng.
Xu hướng này đang dẫn đến một số tác động đáng lo ngại và các nhà nghiên cứu đang quan tâm đến ảnh hưởng của nó tới các khía cạnh của sức khỏe. Với việc mạng xã hội có một có vai trò quan trọng với cuộc sống như vậy, liệu chúng ta có nên đánh đổi nó để lấy sức khỏe tinh thần, hạnh phúc và thời gian không?
Stress và tâm trạng lo âu
Mọi người dùng coi mạng xã hội là nơi giãi bày mọi thứ, từ chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tới chính trị, nhưng mặt trái của nó là những nội dung tin đến với chúng ta lại chứa đầy rẫy những thông tin gây stress. Năm 2015, các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Pew, Washington D.C., đã nỗ lực để nghiên cứu liệu mạng xã hội có gây ra nhiều stress thay vì giải tỏa stress hay không.
Những phụ nữ trong số 1.800 người được khảo sát cho biết họ bị stress nhiều hơn nam giới. Twitter được coi là mạng xã hội “góp phần chính” vì nó làm tăng nhận thức của mọi người về vấn đề gây stress của người khác. Tuy nhiên, Twitter cũng đóng vai trò như một cơ chế giải tỏa stress – càng dùng cơ chế này nhiều thì phụ nữ sẽ càng cảm thấy giảm stress. Tác động này không được thấy ở nam giới, những người mà theo các nhà nghiên cứu là ít dùng mạng xã hội so với phụ nữ.
- Xem thêm: Phây… nhạt
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng mạng xã hội dẫn đến giảm stress, nhưng không đáng kể. Năm 2014, các nhà nghiên cứu ở Áo phát hiện ra rằng những người tham gia nghiên cứu có tâm trạng kém hơn sau khi dùng Facebook khoảng 20 phút so với những người chỉ vừa lướt mạng Internet. Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng mọi người cảm thấy tâm trạng kém đi vì họ cho rằng họ vừa làm một công việc vô bổ.
Tâm trạng tốt hay xấu có thể cũng lan tỏa trên mạng xã hội, theo các nhà nghiên cứu từ Đại học California, những người phân tích nội dung cảm xúc của hơn một tỷ trạng thái (status) được đăng bởi hơn 100 triệu người dùng Facebook từ năm 2009 đến năm 2012. Thời tiết xấu làm tăng lượng post tiêu cực khoảng 1% và các nhà nghiên cứu phát hiện rằng một post tiêu cực cập nhật bởi một người ở một thành phố đang mưa tác động tới 1,3 post tiêu cực của bạn bè họ ở một thành phố khô ráo.
Điều đáng mừng là các post tích cực có tác động mạnh mẽ hơn, mỗi post tác động tới 1,75 post tích cực khác. Tuy nhiên, việc các post tích cực thực sự có thể khuếch đại tâm trạng vẫn chưa được xác thực. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu trạng thái lo âu nói chung cũng như sự bất an và lo lắng, vấn đề về giấc ngủ và sự tập trung gây ra do mạng xã hội. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Computers and Human Behaviour phát hiện rằng những người sử dụng từ 7 mạng xã hội trở lên dễ có nguy cơ mắc các triệu chứng lo âu cao gấp 3 lần so với những người chỉ dùng từ 0-2 mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc mạng xã hội gây ra lo âu hay không và như thế nào vẫn còn chưa được làm rõ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Babes-Bolyai ở Romania điểm lại các nghiên cứu về mối liên quan giữa mạng xã hội và sự lo âu vào năm 2006 và từ đó cho biết các kết quả đều không rõ ràng và cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn.
Trầm cảm
Trong khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm và việc sử dụng mạng xã hội, có một nhánh nghiên cứu đang đào sâu về tác động tích cực của mạng xã hội. Hai nghiên cứu với sự tham gia của hơn 700 học sinh phát hiện ra các dấu hiệu của trầm cảm – ví dụ như tâm trạng đi xuống, cảm thấy vô giá trị, mất hy vọng – có mối quan hệ với sự tương tác trên mạng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng các triệu chứng trầm cảm có nhiều hơn ở những người có nhiều tương tác tiêu cực.
Một nghiên cứu tương tự với sự tham gia của 1.700 người cho biết nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng tăng lên gấp 3 lần với những người sử dụng mạng xã hội. Các lý do đưa ra là: bị bắt nạt trên mạng, có cái nhìn sai lệch về cuộc sống của mọi người và cảm thấy thời gian cho mạng xã hội là vô bổ. Các nhà nghiên cứu của Microsoft đã tiến hành khảo sát 476 người và phân tích thông tin trên Twitter của họ về ngôn ngữ trầm cảm, cách dùng ngôn ngữ, cách tương tác và cảm xúc.
Từ đó, họ phát triển một bộ phân loại có thể dự đoán chính xác 7/10 người trầm cảm trước khi họ có dấu hiệu thực sự. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard và Vermont đã phân tích ảnh Instagram của 166 người và tạo ra công cụ tương tự với tỷ lệ thành công tương đương. Từ khi mạng xã hội phát triển nhanh chóng, Brian Primack – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Truyền thông, Công nghệ và Sức khỏe Đại học Pittsburgh – bắt đầu quan tâm đến ảnh hưởng của nó tới xã hội.
Cùng với giáo sư Jessica Levenson của Đại học Pittsburgh, Primack xem xét mối quan hệ giữa công nghệ và sức khỏe tinh thần, phân tích mặt tốt và xấu. Khi phân tích mối liên hệ giữa mạng xã hội và trầm cảm, họ kỳ vọng sẽ có mối quan hệ hai chiều – mạng xã hội có lúc làm giảm trầm cảm, có lúc làm tăng trầm cảm. Kết quả này được biểu diễn dưới dạng đồ thị chữ U. Tuy nhiên, một khảo sát được thực hiện với gần 2.000 người đã đưa ra những phát hiện bất ngờ. Không có bất kỳ đường cong nào hết, là một đường thẳng – và theo hướng không được mong đợi.
Nói theo một cách khác, việc tăng sử dụng mạng xã hội sẽ làm tăng khả năng trầm cảm, tuyệt vọng và cô độc. “Ở một góc nhìn khách quan, bạn có thể nói: Người đó đang tương tác với bạn bè… Bạn có thể nói: người đó có nhiều quan hệ xã hội và họ rất tích cực. Nhưng chúng tôi phát hiện những người đó có nhiều dấu hiệu của sự cách ly xã hội”, Primack nói. Điều chưa rõ là quan hệ nhân quả: trầm cảm làm tăng việc sử dụng mạng xã hội hay mạng xã hội làm tăng trầm cảm? Ông cho rằng có thể là cả hai, và điều này khiến vấn đề phức tạp hơn. Một người càng trầm cảm thì càng sử dụng nhiều mạng xã hội, điều này làm sức khỏe tinh thần của họ tồi tệ hơn.
Giấc ngủ
Loài người đã từng sống trong bóng tối vào buổi tối, nhưng bây giờ chúng ta sống trong môi trường có ánh sáng nhân tạo cả ngày và đêm. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều này có thể cản trở cơ thể sản xuất hormone gọi là melatonin giúp hỗ trợ giấc ngủ. Ngoài ra, ánh sáng xanh – phát ra bởi điện thoại thông minh và màn hình máy tính – được cho là tác nhân nguy hiểm nhất. Nói theo cách khác, nếu bạn ở trên giường và sử dụng Facebook hay Twitter vào ban đêm, bạn sẽ rất khó để đi vào giấc ngủ.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu Đại học Pittsburgh hỏi 1.700 người trong độ tuổi 18-30 về mạng xã hội và thói quen đi ngủ; kết luận được đưa ra sau đó là ánh sáng xanh chính là một trong những tác nhân cản trở giấc ngủ. Tần suất họ đăng nhập chứ không phải thời gian dùng mạng xã hội, được dùng như một thước đo độ “nghiện”, các nhà nghiên cứu nói. Họ cho rằng điều này là do ánh sáng của thiết bị điện tử làm cản trở chu kỳ sinh học của cơ thể xảy ra trước lúc ngủ.
Nhưng họ không làm rõ được liệu mạng xã hội có làm gián đoạn giấc ngủ không, hay liệu những người bị gián đoạn giấc ngủ có dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội không. Nếu việc sử dụng mạng xã hội làm tăng lo âu và trầm cảm, có thể nó sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bạn đi ngủ, nhưng trong tâm trí lại đang so sánh chính mình với những người đăng những hashtag như mãn nguyện, cuộc sống hoàn hảo tới những bức ảnh du lịch, bạn có thể tin là cuộc đời mình thật ảm đạm, điều này khiến bạn thấy tồi tệ và khó ngủ hơn.
Thiếu ngủ có những ảnh hưởng phụ khác: nó có quan hệ với tăng khả năng bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, năng lực học tập, phản ứng chậm khi lái xe, hành động liều lĩnh… Điều tồi tệ hơn là mất ngủ ảnh hưởng tới người trẻ nhiều nhất, trong lúc vị thành niên thường là độ tuổi thay đổi sinh lý và xã hội có vai trò quan trọng tới sự phát triển.
Nghiện
Dẫu cho có một số nhà khoa học tranh luận rằng thói quen sử dụng Twitter là việc còn khó cưỡng hơn cả thuốc lá và rượu, nhưng tình trạng nghiện mạng xã hội vẫn không thuộc danh sách các dấu hiệu rối loạn sức khỏe tâm thần. Điều này cho thấy mạng xã hội đang thay đổi nhanh hơn khả năng bắt kịp của các nhà khoa học. Bởi vậy, nhiều nhóm nghiên đang cố gắng quan sát các hành vi không kiểm soát được liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, ví dụ các nhà khoa học từ Hà Lan đã tạo ra thước đo riêng để nhận ra các loại nghiện có thể xảy ra.
Nếu bệnh nghiện mạng xã hội là có tồn tại thì nó sẽ nằm trong nhóm các loại nghiện liên quan đến Internet – vốn là một chứng rối loạn. Năm 2011, Daria Kuss và Mark Griffiths Đại học Nottingham Trent ở Anh đã phân tích 43 nghiên cứu trước đó về vấn đề này và kết luận rằng nghiện mạng xã hội là một vấn đề tinh thần “có thể” cần phải được điều trị chuyên nghiệp.
Họ chỉ ra rằng việc sử dụng quá mức mạng xã hội có liên quan đến tình trạng gặp trắc trở trong các mối quan hệ, đạt kết quả học tập không tốt và việc ít tham gia các hoạt động cộng đồng trong đời thật. Thêm nữa, những người dễ bị nghiện mạng xã hội bao gồm những người phụ thuộc vào rượu, quá hướng ngoại và những người dùng mạng xã hội để bù đắp cho việc họ có ít các mối quan hệ ngoài đời thực.
Lòng tự trọng
Các tạp chí phụ nữ và việc sử dụng người mẫu gầy cùng hình ảnh đã được chỉnh sửa bằng photoshop trên đó từ lâu đã được cho là động chạm tới lòng tự tôn của phụ nữ. Nhưng giờ đây, mạng xã hội cùng với các chức năng sửa hình của nó cũng được coi là mối quan tâm chính của các nhà hoạt động và các tổ chức từ thiện. Mạng xã hội khiến quá nửa người dùng thấy tự ti – theo khảo sát được thực hiện trên hơn 1.500 người do Scope, một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp người tàn tật thực hiện.
Có một nửa trong số những người độ tuổi từ 18-34 nói rằng mạng xã hội khiến họ thấy bản thân mình kém hấp dẫn. Một nghiên cứu năm 2016 bởi Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng việc một người nhìn các bức ảnh selfie của người khác sẽ khiến lòng tự tôn của người nhìn giảm xuống vì họ sẽ so sánh chính mình với các bức ảnh hạnh phúc của người khác. Nghiên cứu từ Đại học Strathclyde (Mỹ) cũng phát hiện ra rằng phụ nữ so sánh một cách tiêu cực chính mình với những người phụ nữ khác. Không chỉ những bức ảnh selfie là có khả năng làm giảm lòng tự tôn, một nghiên cứu được thực hiện trên 1.000 người dùng Facebook ở Thụy Điển cho thấy những người phụ nữ dành nhiều thời gian trên Facebook cảm thấy ít hạnh phúc và tự ti hơn.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Khi người dùng Facebook so sánh cuộc sống của họ với những người có vẻ thành công và hạnh phúc hơn, họ sẽ cảm thấy cuộc sống của mình ít thành công hơn”. Nhưng một nghiên cứu nhỏ lại cho rằng việc nhìn vào chính mình chứ không phải người khác sẽ làm tăng cái tôi. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cornell tại NewYork chia 63 học sinh thành các nhóm khác nhau. Một số nhóm ngồi trước gương với một màn hình máy tính đặt đối diện, các nhóm còn lại ngồi trước hồ sơ Facebook cá nhân của mình.
Facebook có tác động tích cực tới lòng tự tôn hơn so với các hoạt động làm tăng nhận thức khác. Gương và ảnh, các nhà nghiên cứu giải thích, khiến chúng ta so sánh chính mình với chuẩn mực xã hội, hồ sơ cá nhân Facebook làm tăng tự tôn cá nhân vì chúng ta có thể kiểm soát việc chúng ta thể hiện mình trước mọi người.
Hạnh phúc
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhắn tin cho 79 người tham gia 5 lần một ngày trong 14 ngày và hỏi họ cảm thấy như thế nào và họ dành thời gian bao nhiêu cho Facebook từ tin nhắn cuối cùng. Kết quả là thời gian họ dành trên Facebook càng nhiều, họ càng cảm thấy tồi tệ và ít hài lòng về cuộc sống hơn. Nhưng một nghiên cứu khác lại phát hiện ra rằng với một số người, mạng xã hội làm tăng hạnh phúc.
Hai nhà nghiên cứu thị trường Jonah Berger và Eva Buechel cho rằng những người bất ổn về cảm xúc có khuynh hướng đăng nhiều bài về cảm xúc, điều này giúp họ nhận được hỗ trợ của mọi người và có thể phục hồi nhanh sau những trải nghiệm tiêu cực. Nhìn chung, ảnh hưởng của mạng xã hội tới hạnh phúc còn chưa rõ ràng, theo nghiên cứu vào năm 2018 của các nhà nghiên cứu Hà Lan. Tuy nhiên, họ cho rằng có bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của mạng xã hội tới một nhóm người: mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực tới hạnh phúc của những người có lối sống cách biệt đám đông.
Mối quan hệ
Nếu bạn từng nói chuyện với một người bạn và họ lôi điện thoại ra để lướt Instagram, có thể bạn đang tự hỏi mạng xã hội đang làm gì với các mối quan hệ của chúng ta. Theo một nghiên cứu nhỏ, chỉ việc xuất hiện của điện thoại không thôi cũng làm gián đoạn sự tương tác, đặc biệt là khi đang nói về những chuyện quan trọng. Các nhà nghiên cứu của Tạp chí Social and Personal Relationships đã cho 34 cặp những người không quen biết nói chuyện với nhau trong 10 phút về các sự kiện thú vị đã xảy ra với họ gần đây.
Mỗi cặp ngồi trong một phòng riêng và một nửa có điện thoại đặt trên bàn. Những người có điện thoại trên bàn ít tích cực hơn khi nhớ lại cuộc hội thoại của mình sau đó và cuộc nói chuyện cũng ít thú vị cũng như gần gũi với người đối diện hơn so với những người không có điện thoại trên bàn. Các mối quan hệ lãng mạn cũng không tránh khỏi thực trạng trên. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Guelph của Canada khảo sát 300 người ở độ tuổi 17 -24 về sự ghen tuông của họ trên Facebook.
- Xem thêm: Chữa la hét khi không có… Facebook
Họ được hỏi các câu hỏi như: “Bạn có thường thấy ghen khi người yêu của mình thêm một người lạ, khác giới vào danh sách bạn bè không?”. Phụ nữ dành nhiều thời gian cho Facebook hơn đàn ông và có cảm giác ghen tuông nhiều hơn khi người yêu mình làm vậy. Các nhà nghiên cứu kết luận, họ “thấy môi trường Facebook tạo ra những cảm nhận đó và làm tăng sự lo ngại về chất lượng các mối quan hệ”.
Ganh tị và cô đơn
Trong một nghiên cứu có 600 người trưởng thành tham gia, gần 1/3 nói rằng mạng xã hội khiến họ cảm thấy tiêu cực – chủ yếu là thất vọng – và sự ganh tị là nguyên nhân chủ yếu. Điều này bắt nguồn từ việc so sánh cuộc sống của mình với người khác và thủ phạm lớn nhất là các bức ảnh du lịch của mọi người. Việc cảm thấy gahn tị tạo một “vòng tròn luẩn quẩn”, khi mọi người phản ứng lại với sự ganh tị bằng cách thêm các nội dụng tương tự vào tường cá nhân của mình.
Tuy nhiên, ganh tị không chỉ là một cảm giác tiệu cực vì nó còn khiến mọi người làm việc chăm chỉ hơn – theo một nghiên cứu từ Đại học Michigan và Wisconsin-Milwaukee. Họ cho 380 học sinh nhìn vào các bức ảnh dễ gây ganh tị từ Facebook và Twitter như việc mua các món hàng đắt tiền, du lịch và đính hôn. Nhưng cảm giác ganh tị mà các nhà nghiên cứu tìm thấy là “ ganh tị tích cực” vì nó làm mọi người làm việc chăm chỉ hơn. Một nghiên cứu công bố hồi năm 2018 đăng trên Tạp chí Mỹ Preventive Medicine dựa trên khảo sát 7.000 người trong độ tuổi 19 -32 phát hiện rằng những người dành phần lớn thời gian trên Facebook cảm thấy bị tách khỏi xã hội cao gấp đôi những người khác.
Những người dành nhiều thời gian vào mạng xã hội thường tránh các cuộc gặp mặt trực tiếp và khiến họ cảm thấy bị cho ra rìa, các nhà nghiên cứu nói. Tiếp xúc với những hình ảnh lý tưởng về cuộc sống có thể tạo cảm giác ganh tị; bên cạnh đó, niềm tin của chúng ta cũng bị bóp méo rằng người khác sống hạnh phúc và thành công hơn, điều này có thể làm tăng sự cô độc xã hội.