Thời gian gần đây có rất nhiều bạn trẻ phải nhập viện điều trị do dùng điện thoại vào Facebook suốt đêm không ngủ, khi không có điện thoại mắc chứng la hét, kích động…
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội), nghiện mạng xã hội là một trong những chứng nghiện được xếp vào nhóm nghiện thói quen, nguy hiểm không kém và có những khía cạnh còn nguy hiểm hơn cả nghiện chất. Nghiện thói quen thể hiện ở các tình trạng như nghiện game online, nghiện cờ bạc, gần đây là nghiện mạng xã hội Facebook… Các bác sĩ một số bệnh viện tâm thần báo động tình trạng nghiện điện thoại thông minh và Facebook.
Bệnh “nghiện thói quen”
Một trong những bệnh nhân mắc chứng bệnh này mới vào điều trị tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương là một nữ sinh lớp 10. Nữ sinh có biểu hiện trầm cảm nặng, từ chối cả ăn uống, nhiều lần toan tự tử.
Khảo sát các bệnh nhân nghiện Facebook cho thấy họ là những người tâm lý không vững, có ít bạn bè, bố mẹ ít có thời gian quan tâm động viên, bản thân bệnh nhân ít có những tương tác tốt, bệnh nhân thường là người nhút nhát, ít va chạm, ngại tiếp xúc và rất dễ nổi nóng, gây gổ.
Theo bác sĩ Dũng, khi mới lên lớp 10 bệnh nhân bắt đầu tham gia mạng xã hội và bắt gặp một số bình luận ác ý. Từ đó nữ sinh cảm thấy chán nản, mất tự tin và thường xuyên quay trở lại mạng xã hội để xem những bình luận về mình. Khi thấy có thêm những bình luận ác ý thì người bệnh càng chán và biểu hiện gần nhất là từ chối cả ăn lẫn uống.
Vòng luẩn quẩn đó kéo dài, gần đây biểu hiện của bệnh nhân ngày càng nặng hơn, các bác sĩ phải đề nghị gia đình cưỡng chế bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị.
Mới đây, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần T.Ư 1 cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân 17 tuổi có những biểu hiện nặng như chán học, sút cân, chán ăn, không tiếp xúc với người thân… Qua theo dõi từ hơn một tháng trước, gia đình cho hay bệnh nhân này thường đóng cửa phòng và vào Facebook suốt đêm. Khi bị gia đình thu giữ điện thoại để cách ly với Facebook thì bệnh nhân đã đập phá đồ đạc, la hét.
Bác sĩ Tô Thanh Phương, phó giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần T.Ư 1, cho biết sau hơn một tháng điều trị, tình trạng kích động của bệnh nhân có giảm nhưng vẫn tiếp tục phải theo dõi.
Theo bác sĩ Dũng, đây là một trong những biểu hiện của chứng bệnh nghiện thói quen, muốn “cắt cơn” nghiện thói quen cần phải thay đổi cả về sinh hoạt, phản xạ, nhịp sinh học của cơ thể…
Khi nào bị coi là “nghiện Face”?
Những người suốt ngày lên mạng xã hội, mỗi ngày up cả chục status, cả chục bức ảnh đã bị coi là “nghiện Face” hay “ngáo Face” hay chưa?
Các bác sĩ đánh giá những yếu tố sau là những yếu tố khác thường và từ đó chẩn đoán mức độ lệ thuộc với mạng xã hội:
- Không kiểm soát được thời gian sử dụng.
- Việc sử dụng mạng xã hội đã ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc của người dùng, người chơi.
- Biết tác hại nhưng không ngừng được.
- Mất hứng thú với các thói quen khác, có khi mất hứng thú cả với vợ/chồng/con hoặc ăn uống mà chỉ nghĩ đến thói quen đang gây “nghiện” như Facebook…
Cha mẹ mới giúp được con
Bác sĩ Dũng cho hay có rất nhiều bạn trẻ thường vào mạng xã hội từ thời điểm 20h đêm đến 4h sáng. Trong khi đó là thời gian nghỉ ngơi của não, đặc biệt là từ 23h đêm đến 2h sáng. “Cứ thức để vào mạng trong đêm lâu dần não sẽ mất cơ chế điều hòa mà bị suy nhược, ảnh hưởng giấc ngủ, rối loạn về trí nhớ và tư duy”- bác sĩ Dũng nói.
Các bác sĩ cho hay ngày nay bạn trẻ rất thiếu sân chơi, thiếu nơi để các bạn “xả” năng lượng tích tụ, nhóm tuổi thiếu niên và bé hơn nữa thì cha mẹ rất ngại cho trẻ ra khỏi nhà vì sợ mất an toàn. Do đó trẻ không có gì để giải trí và nhiều cháu mới lớn tìm được niềm vui trên mạng xã hội.
Các bác sĩ khuyến cáo lúc đó cha mẹ cần phải tinh tế để hiểu điều các con cần, như các con cần người trò chuyện, cần người định hướng, cần chơi thể thao hay tham gia các câu lạc bộ sở thích…