Thật khó mà hình dung ra, vì sao mà phải 16 người Việt Nam (có lúc nói 35 người) mới có năng suất làm việc bằng được một người Singapore? Chẳng hiểu họ tính toán kiểu gì mà ra như vậy?
Nghe giải thích “rất lằng nhằng”, lúc thì dựa vào GDP và thu nhập, lúc lại nói rằng tính giá trị gia tăng, chất lượng lao động nào tạo ra sản phẩm cao chứ không phải cứ làm nông nghiệp, những việc “ít giá trị”.
Hay là tại dân ta… lười làm việc hơn? Họ nói không phải nhìn đánh giá kiểu trực quan như vậy.
Nhưng mà xét “giá trị” thì tại sao ở nước ta tiến sĩ, thạc sĩ học hành dùi mài, danh tiếng như vậy lại hưởng lương… thua cô ôsin? Ở những nhà con cái khá giả nuôi ôsin chăm cha mẹ già chẳng hạn, giá trị cô ôsin lớn lắm. Có khi trả một núi tiền mà khi đi vắng, ôsin quát tháo (có lúc còn đánh đập) những ông bà già khó ở, khó tính hay đơn giản vì không chịu ăn.
- Xem thêm: Có theo nổi… cô ôsin?
“Hội đi bộ thể dục” các khu nhà, ôsin tham gia rất đông, kể xấu nhà chủ vanh vách. Mà chủ vẫn phải chiều chuộng các cô.
Thế tức là dù các cô có bạc ác, xấu xa, chăm sóc cẩu thả, các cô vẫn… có giá trị. Giá trị phải hiểu như vậy. Có lớp người thành phố bận kiếm tiền không thể làm việc nhà, hay là chăm cha mẹ con cái. Tết đến là lo cuống lên, nhiều nhà giữ ôsin làm tết, trả lương khủng.
Đố ai đến Việt Nam mà đo các giá trị cho đúng được! Cũng chẳng có cơ quan nào dự báo cho biết yêu cầu các ngành nghề gì cần bao nhiêu. Cứ lần mò kiểu năm nay cây này được giá thì chặt bỏ hàng loạt những cây năm trước. Rồi ùn ùn nhiều quá, rớt giá, lại chặt. Cứ đi trong “mù lòa” như vậy.
Nhu cầu cung ứng lao động cũng thế. Học cho rành một nghề là tốn thời gian công sức lắm, nhưng sẵn sàng nhảy cóc như điên đến nỗi nhiều bậc cha mẹ chẳng biết con đang làm việc gì.
Nghe họ tính toán mới sợ, chẳng hiểu dựa trên tiêu chí nào chọn việc làm. Ai cũng mơ lương cao, sao mà trách được?
Vậy nên có người “đùa dai”, giả vờ “đăng tin việc làm” như sau:
“Những việc lương trăm triệu”: 100 triệu – sáng bê rùa đá ở bảo tàng ra phơi, tối bê vào; 200 triệu – làm việc ở “công ty bia”: Đứng làm bia cho tập bắn đạn thật; 300 triệu làm ở sở thú, sáng đánh răng cho sư tử, tối tắm hổ… Rồi lương 1 tỉ: Cưa bom lấy urani, ngày chỉ… một quả, xong sớm nghỉ sớm…
Và cái việc lương cao nhất lên đến 2 tỉ, chỉ… nội trợ như sau: Sáng nghe vợ chì chiết, trưa nghe vợ mắng, chiều nghe vợ khóc lóc, tối nằm ngủ cho vợ vắt chân lên cổ…
Mới thấy, lương cao chót vót đâu có dễ ăn. Câu chuyện “tiếu lâm cay đắng” thật.
Mà hễ nói đến giải pháp một cái là y như rất… trừu tượng. Thí dụ, phải thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng trưởng này nọ…, nghe toàn vĩ mô.
Ngày xưa mới có chuyện yêu nghề, sống chết với nó hoặc cha truyền con nối. Bây giờ làm thế là… lạc hậu. Là vì, bố mẹ bác sĩ nói, không cho con theo nghề nữa, bạc bẽo, vất vả lắm. Cứ đứng núi này trông núi nọ như vậy, nghề nào cũng dặn con đừng theo.
- Xem thêm: Nhận vinh quang dưới một… trận mưa mắng
Chắc phải tặng họ câu này, người Pháp nói: “Mười nghề thì có… 11 nỗi khốn nạn”. Sao không nói “Mười nghề mười nỗi” mà nói 11 làm gì? Là vì, cách nói cho thấy số lượng của gian nan khốn khó bao giờ cũng nhiều hơn số nghề.
Tính đi tính lại, chẳng có nghề nào “tự nhiên” lương lại cao chót vót. Không có tổ chức nền kinh tế cao, trình độ lao động cao để đưa nền kinh tế phát triển thì lấy đâu mà ra lương cao?