Tăng trưởng tại nền kinh tế Hàn Quốc đang khựng lại sau khi Tổng thống Park Geun Hye bị truất phế. Mô hình phát triển dựa trên sự cấu kết giữa nhà nước và các tập đoàn lớn (Chaebol) bị khủng hoảng. Tiêu thụ nội địa bị tê liệt, hàng xuất khẩu bị Nhật Bản và Trung Quốc cạnh tranh, Hiệp định tự do mậu dịch song phương với Mỹ có nguy cơ bị xét lại. Đó là những thách thức lớn chờ đợi chính quyền sắp tới ở Seoul.
Bà Park Geun Hye mất ghế tổng thống kéo theo nhiều tập đoàn tên tuổi cột trụ của kinh tế Hàn Quốc – từ Samsung, Hyundai, LG đến Lotte – vào một cuộc khủng hoảng.
Kinh tế Hàn Quốc bị đình trệ, tiêu thụ nội địa chững lại vì nợ nần chồng chất của các hộ gia đình, một trong những hậu quả trực tiếp của hiện tượng dân số bị lão hóa. Trong khi trao đổi mậu dịch chiếm 85% GDP toàn quốc, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 giảm 13,5% so với năm 2014.
Hiện nay Seoul đã ký gần 20 hiệp định tự do mậu dịch thương mại song phương với các đối tác, trong đó quan trọng nhất là với Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Theo thứ tự ba thị trường này mua vào 20%, 14% và 9% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Thống kê năm 2016 của Phòng Thương mại Quốc gia nước này cho biết như vậy.
Từ năm 2014 đến 2016, Trung Quốc và Hongkong liên tục là hai thị trường quan trọng bậc nhất của hàng xuất khẩu Hàn Quốc. Nhưng Trung Quốc đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các tập đoàn xứ kim chi, kể cả về các sản phẩm cao cấp. Thặng dư thương mại của Seoul với Bắc Kinh đang từ 60 tỉ USD năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn 40 tỉ USD trong tài khóa 2016.
Với Mỹ, Seoul thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhưng không có gì bảo đảm là chủ nhân Nhà Trắng để yên cho Hiệp định Thương mại song phương Mỹ – Hàn hiện hành từ năm 2007. Hiện tại, cán cân thương mại đang nghiêng về Seoul.
Bên cạnh những khó khăn chồng chất vừa nêu, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua và tai tiếng về mối liên hệ giữa bà Park Geun Hye với bà bạn Choi Soon Sil đã làm lộ rõ một xã hội Hàn Quốc đang ruỗng nát vì những đại gia đình được coi là trụ cột của mạng lưới công nghiệp Hàn Quốc, vì mối liên hệ nguy hiểm giữa các đại công ty và những chính quyền liên tiếp.
Chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên Juliette Morillo cho rằng Hàn Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng trên nhiều phương diện và không dễ đoạn tuyệt với quá khứ đã được gắn liền với các Chaebol. Theo bà, kinh tế Hàn Quốc thực sự bị chấn động vì tai tiếng chính trị lần này, bởi vì vụ bê bối đó liên hệ trực tiếp đến những gì đã làm nên niềm tự hào của một quốc gia, của một dân tộc.
Từ hàng chục năm qua, chính xác là từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai và chiến tranh Triều Tiên, cỗ máy kinh tế Hàn Quốc dựa cả vào các đại tập đoàn như Samsung, Hyundai… Giờ đây, xã hội Hàn Quốc đòi hỏi phải có một thay đổi thực sự và mối liên hệ giữa chính quyền với những đại tập đoàn công nghiệp đã lỗi thời.
Câu hỏi đặt ra là liệu Hàn Quốc có đủ sức để tiến hành một cuộc cải tổ hay không. Trước mắt, không có gì chắc chắn là Seoul sẽ đạt được mục tiêu đó, bởi liên hệ giữa các hoạt động kinh tế và xã hội Hàn Quốc hết sức sâu đậm.
- V.Đ