Các cô cậu sinh viên và thanh niên bây giờ gặp nhiều thử thách, áp lực trong cuộc sống, muốn thành công nhưng phải… nhàn và có tiền. Bà xã bắt đầu “kể chuyện thế sự”.
Mà hai thứ này ít khi đi với nhau. Có tiền thì phải làm vất vả, nỗ lực, còn nhàn thì tiền lại không đến. Thật oái oăm trêu ngươi, ông trời chẳng chiều lòng người. Sinh viên đi học chỉ cốt có nghề kiếm tiền chứ đâu cần trở thành một người học hỏi. Nghe nói cái trường Tây trường Mỹ lừng danh vào Việt Nam, ai học phải trả tiền è cổ chứ không phải như trường tư nước ta một năm hơn chục triệu đồng đã nợ và… quỵt học phí tùm lum.
Trường Tây – Mỹ họ bắt nộp cả đống tiền, bắt học những môn… khai phóng. Nghe cứ xuýt xoa, khai phóng chắc là hay và mới lạ lắm. Nào ngờ khi tra từ điển mới… hỡi ôi. Khai phóng là những môn dạy cho con người có đạo đức, trí tuệ, kỹ năng diễn đạt. Là những môn như triết học, ngôn ngữ, lịch sử, toán học, khoa học xã hội, tâm lý. Các môn mang tính huấn nghệ, kỹ thuật cần cho con người phát triển…
- Xem thêm: Việc gì lương cao nhất?
Thì ra, toàn là những môn xưa nay học sinh ta… rất ghét. Sách lịch sử xé ném trắng cả sân trường, mà đó là một trong những môn học khai phóng chứ đâu. Cái thói “mì ăn liền”, cái gì cũng phải ra tiền ngay mới chịu học. Khi thầy cô giảng lý thuyết khó chút xíu thôi là đã không nghe, chỉ chăm chăm đòi những gì cầm tay thao tác ăn ngay. Thế thì chỉ có học làm thợ chứ khai phóng nỗi gì.
Rồi lại kêu, lương tôi tốt nghiệp đại học còn thua cả cô ôsin.
Cứ vào những khu nhà có chuyên gia nước ngoài sống mà xem. Có cô ôsin được chủ cho toàn bộ đồ đạc để lại khi họ về nước. Cô ấy bán đủ thứ, từ quần áo mới còn nguyên mạc, cho tới kệ tủ, giường, túi và giày dép. Có cả sa-lon, bàn ăn. Toàn thứ có giá. Tính sơ sơ phải cả ngàn đô.
Hỏi lương cô bao nhiêu, thì… “chỉ” hơn ngàn đô. Mà không bao giờ thất nghiệp. Làm việc chăm chỉ, sạch sẽ, nấu món Tây rất ngon. Thành ra, ông bà Tây này về nước lại giới thiệu cho người mới sang.
Vậy những chàng nàng cử nhân, thạc sĩ đừng có so bì. Có làm được như cô ấy không?
Chủ để quên tiền trong túi áo quần, đem đồ đi giặt có móc ra đem trả cho chủ không? Quét gầm giường thấy rơi nhẫn – mà là có gắn hạt xoàn, có đem trả cho chủ không? Những ngày chủ nghỉ hè về nước, có lau chùi gìn giữ nhà cửa sáng bóng, sửa chữa những chỗ hư hỏng không? Có làm lụng toàn tâm toàn ý, mua đồ ngon, đồ sạch, rõ nguồn gốc, nấu nướng thơm ngon không?
Dù tiếng Anh biết ít nhưng đủ dùng. Không bao giờ ngồi lê kể chuyện gia chủ cho người khác. Họ ở đây hay đi vắng, mọi thứ tự giác làm lụng trung thực, không dối trá qua quýt sau lưng họ?
- Xem thêm: Lương bao nhiêu thì đủ sống?
Đó, có học theo được sự chuyên nghiệp và tử tế của cô ôsin ấy không mà so bì lương bổng với bằng cấp? Nghe xong, có cô cậu tuyên bố: “Tiền nào của ấy. Cứ trả lương cao xem tôi có chu đáo, đáng tin cậy không?”.
Bà xã chép miệng, ngay cái tuyên bố đó cũng cho thấy con người… chắc lép, dù là có vẻ hợp lý. Nhưng mà đằng này cô ôsin lại không đòi người ta tử tế trước. Cô ấy đưa ra sự tận tâm và tử tế trong bản tính của mình, chứ không phải là sự đánh đổi, ngã giá. Cô ấy tử tế và mọi phúc lộc cứ theo đó mà đến. Không sĩ diện, tận tâm làm việc hết mình để nhận đồng lương xứng đáng. Được “hưởng lộc” do lòng tin yêu sự tử tế. Không phải là thứ để “làm màu” hay đặt điều kiện.
Ôi chao, cứ thói tính toán thiệt hơn, khôn ranh ma mãnh giả dối, lười biếng muốn lương cao, thì đúng là chạy theo bằng được cô ôsin còn mệt…