Hoa Kỳ tỏ ra quan ngại trước động thái của Anh muốn trở thành hội viên sáng lập cho một ngân hàng được Trung Quốc hậu thuẫn có thể cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới.
Anh sẽ là nền kinh tế phương Tây lớn đầu tiên đề nghị trở thành nước thành viên tương lai của định chế tài chính này.
Được khởi động thành lập vào năm ngoái, ngân hàng này có tên là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB).
Khoảng 21 nước vào năm ngoái đã ký một biên bản ghi nhớ để thành lập ngân hàng này và trong số đó có Singapore, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Mục đích của AIIB là cấp tín dụng cho các dự án hạ tầng trong vùng. Tuy nhiên, điều này khiến Hoa Kỳ quan ngại.
Bộ trưởng Tài chính Anh nói London đã “chủ động tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị gần hơn với khu vực châu Á – Thái Bình Dương” và việc tham gia AIIB trong giai đoạn đang hình thành sẽ tạo “một cơ hội đặc biệt cho Anh và cho châu Á để đầu tư và cùng phát triển”.
Phản ứng lại tuyên bố của Anh, Nhà Trắng đã ra thông cáo cho biết: “Đây là một quyết định riêng rẽ của Anh. Chúng tôi hy vọng và mong đợi rằng Anh sẽ có tiếng nói để thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn cao”.
Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói việc tham gia AIIB là một cơ hội đặc biệt cho Anh và cho châu Á để đầu tư và cùng phát triển.
Báo tài chính Anh The Financial Times tuần trước đưa tin giới chức Mỹ đã than phiền về động thái của Anh và dẫn lời một quan chức cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ nhưng không nêu tên nói rằng quyết định của Anh được đưa ra sau khi “chẳng hề có tham vấn với Hoa Kỳ”. Bài báo dẫn lời quan chức ẩn danh này nhận định “Chúng tôi nghi ngại về một xu hướng luôn vun đắp cho Trung Quốc”.
Cũng có những quan ngại rằng các quyết định cho vay của AIIB có thể được Trung Quốc dùng để phục vụ chính những lợi ích của Bắc Kinh.
Một khi đi vào hoạt động, AIIB sẽ tăng cường đầu tư tại khu vực châu Á bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông và năng lượng.
Anh sẽ là nền kinh tế phương Tây lớn đầu tiên đề nghị trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu (AIIB). Đây là một định chế tài chính quốc tế mới do Trung Quốc dẫn đầu, và là tổ chức được coi sẽ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới.
Có 21 quốc gia châu Á đã ký kết hồi tháng 10-2014 để thành lập AIIB, con số này tăng lên 27 và AIIB được trông đợi là sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Tổ chức này có khoảng 50 tỉ USD vốn, tức chỉ bằng một phần năm của Ngân hàng Thế giới và ít hơn của Ngân hàng Phát triển châu Á, nhưng chỉ tập trung vào việc cấp vốn cho các dự án về cơ sở hạ tầng.
Chuyện các nền kinh tế lớn trở thành một phần của các ngân hàng phát triển khu vực không phải là điều gì quá bất thường. Chẳng hạn như Anh nay đang là thành viên của Ngân hàng Phát triển Caribe. Nhưng những quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đằng sau AIIB khiến chuyện này trở thành vấn đề địa chính trị gây đau đầu, chiếm vị trí hàng đầu trong các bản tin hiện nay.
Mỹ đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi các nước khác hãy tránh xa AIIB. Ít nhất là về mặt chính thức, Hoa Kỳ nói việc tham gia hay không là vấn đề thuộc quyền quyết định của Anh, nhưng kêu gọi phải có những tiêu chuẩn quản trị cao hơn trong AIIB cho thích hợp với vị trí của một định chế đa phương.
Anh khó có thể làm vừa lòng cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ khi có quyết định về việc có tham gia AIIB hay không.
Việc một ngân hàng phát triển do Trung Quốc dẫn đầu nổi lên cũng có thể được coi như sự phản ứng trước những cải tổ chậm chạp của các định chế tài chính hiện nay, vốn đều do phương Tây thống trị.
Hoa Kỳ trên thực tế có quyền phủ quyết tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và người đứng đầu Ngân hàng Thế giới là một người Mỹ trong lúc người đứng đầu IMF là một người châu Âu.
T.K (DNSGCT)