Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone – ADIZ) là vùng bầu trời do một quốc gia tựấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng.
Các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định, và khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ.
Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ.
Khái niệm Vùng nhận dạng phòng không là sản phẩm của Chiến tranh lạnh. Vào thập niên 1950, Hoa Kỳ công bố Vùng nhận dạng phòng không đầu tiên nhằm giảm rủi ro của một cuộc tấn công bất ngờ từ Liên Xô.
Ngày nay, Hoa Kỳ có năm vùng (Bờ Đông, Bờ Tây, Alaska, Hawaii và Guam) và có hai vùng chung với Canada bao phủ phần lớn Bắc Mỹ châu. Những quốc gia và vùng lãnh thổ khác có ADIZ bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy, Pakistan, Hàn Quốc, Đài Loan và Vương quốc Anh.
Hàn Quốc và Nhật Bản đã lập ADIZ nằm rất xa bên ngoài không phận quốc gia của họ và hai vùng đó chồng lấn với nhau.
Trung Quốc cũng đã lập ADIZ vào năm 2013 ở vùng biển Hoa Đông bị phản ứng mạnh của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Những dự báo
Trong năm vừa qua, Trung Quốc đã ráo riết lấp biển để xây những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi có những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines. Tình hình này khiến các chuyên gia an ninh của Mỹ và các nước khác đã bày tỏ quan tâm là không bao lâu nữa Trung Quốc sẽ tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng việc xây đảo nhân tạo chỉ là phần mở đầu. Theo ông, bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ là bố trí vũ khí trên những hòn đảo đó và tuyên bố thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tăng cường cho các yêu sách chủ quyền của mình.
Hồi tuần trước tại một cuộc hội thảo tại Viện Hudson ở Washington, ông McCain đã phát biểu: “Họ xây phi đạo, rồi sẽ đặt vũ khí ở đó và việc kế tiếp mà quý vị sẽ thấy Trung Quốc làm là khi một chiếc máy bay của Mỹ bay ngang, bất kể là máy bay thương mại hoặc máy bay quân sự, họ sẽ đòi máy bay đó phải khai báo. Họ lập ra một Vùng nhận dạng phòng không, mà sau đó có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ”.
Ông Peter Jennings, Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia, tin rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một ADIZ tương tựở Biển Đông sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 tới đây.
Ngày 21-7, ông Jennings tuyên bố tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tổ chức ở Washington: “Sau chuyến viếng thăm ấy và sau khi nước Mỹ bước vào giai đoạn sôi nổi với cuộc vận động bầu cử tổng thống, tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể sẽ thực hiện bước kế tiếp này để củng cố sự khống chế của họ trong khu vực”.
Còn giáo sư Andrew Erickson, thuộc Trường Võ bị Hải quân Mỹ, cho biết ông tin rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông trong vòng hai năm nữa.
Tại một cuộc điều trần ở Hạ viện Mỹ hồi tuần trước, ông Erickson nói rằng những cơ sở mà Trung Quốc đang xây dựng trong khu vực quần đảo Trường Sa bao gồm một phi đạo dài 3.000 mét trên Bãi đá Chữ thập và ứng dụng hợp lý nhất của phi đạo này là hỗ trợ cho một ADIZ của Trung Quốc trong tương lai gần.
Theo giáo sư Erickson, không có luật lệ nào cấm Trung Quốc thiết lập ADIZ, nhưng ông nói rằng điều gây quan tâm cho Hoa Kỳ là cách thức Trung Quốc quản lý ADIZ của họ.
Bắc Kinh tuyên bố họ có quyền thiết lập ADIZ gần lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay không phải là lúc thích hợp để Trung Quốc làm việc này ở Biển Đông.
Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên tránh đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông vì điều này sẽ làm căng thẳng leo thang và gây phương hại cho sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, ông Ngô cho rằng Trung Quốc nên bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng tốc tiến trình đàm phán với ASEAN để có một Bộ Quy tắc Ứng xử và bảo đảm việc sử dụng cho mục tiêu dân sự của những cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng cục diện có thể thay đổi nếu có sự can dự của Nhật Bản: “Nếu một ngày nào đó Nhật Bản cùng với Mỹ thực hiện những phi vụ trinh sát ở cự ly gần, điều đó sẽ buộc Trung Quốc phải áp dụng những biện pháp đối phó”.
Các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông đã mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và tố cáo rằng Bắc Kinh muốn dùng những cơ sở trên các đảo đó cho mục tiêu quân sự.
Tại sao Bắc Kinh muốn lập ADIZ trên Biển Đông?
Có nhiều lý do để tin rằng các hoạt động cải tạo đảo gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông chính là một bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho các tuyên bố và yêu cầu công nhận về một ADIZ mới trong tương lai. Các tính toán của Bắc Kinh đã rất rõ ràng: họ muốn đặt tất cả vào “sự đã rồi” bằng cách sử dụng các công trình nhân tạo kiên cố để ra tuyên bố và ép buộc tất cả phải tuân theo.
Tại sao Bắc Kinh tuyên bố về các vùng nhận diện dù biết chắc chắn rằng việc đó sẽ châm ngòi cho các căng thẳng trong khu vực?
Hành động của Trung Quốc rõ ràng là một phần của toan tính lâu dài nhằm kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động quân sự của nước ngoài tại nơi mà họ gọi là “cận lãnh hải”.
Theo China Brief, việc công khai các vùng nhận diện mới này không phải là tuyên bố nhất thời mà đó là sách lược được suy xét cẩn thận nhằm vô hiệu hóa Mỹ cũng như bất kỳ nỗ lực nào từ bên ngoài muốn tiếp cận Biển Đông.
Lý giải cho sự cần thiết của ADIZ, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh Học thuyết tác chiến không-biển (ASB) là bằng chứng của khả năng về một hành vi can thiệp quân sự của Mỹ vào các vùng lợi ích của họ.
ASB là một học thuyết quen thuộc của quân đội Mỹ với mục tiêu phá hủy, tiêu diệt và đánh bại mọi lực lượng quân sự thù địch của đối phương trên toàn bộ chiến trường, thống trị bầu trời và mặt biển, phong tỏa lục địa của đối phương.
ASB, giờ đây được đổi thành JAM-GC, là một tập hợp các khái niệm và phương thức để Mỹ có thể tham gia vào các vùng lãnh thổ mà họ có quyền lợi.
Bắc Kinh quan sát sự phát triển của học thuyết của Mỹ và trả lời bằng ADIZ trên biển Hoa Đông hồi năm 2013 và đang có động thái mở rộng nó xuống phía Biển Đông, một hành động nhằm đẩy lùi Mỹ ra xa các vùng cận lãnh hải của họ.
National Interest dẫn lời chuyên gia Harry Kazianis nhận định, trong thời gian gần đây Trung Quốc luôn lặp đi lặp lại luận điệu: họ không bao giờ có ý định tuyên bố một ADIZ mới ở Biển Đông, rằng tất cả những hoạt động cải tạo đảo của họ chỉ nhằm đảm bảo an ninh trong vùng.
Mối quan tâm chung của nhiều nước
Theo nhà phân tích Harry J. Kazianis, việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông vào năm 2013 và những động thái có thể có dẫn tới việc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông cần được nhìn nhận là một trong những động thái nhằm đẩy Mỹ và các lực lượng đồng minh ra khỏi “các vùng biển gần” của Trung Quốc và các khu vực mà nước này nói là có “lợi ích cốt lõi”.
Mỹ, Nhật Bản và các nước hữu quan có chung mối quan tâm không chỉ nhằm ngăn Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông – khu vực mà mỗi năm có hơn 5.300 tỉ USD thương mại bằng đường biển đi qua – mà còn ngăn cản việc thực thi một khu vực như vậy.
Hiện có cơ hội cho cách tiếp cận đa phương nhằm thay đổi tính toán của Bắc Kinh về ADIZ ở Biển Đông. Một chiến lược đa phương phải lấy việc chấm dứt – hoặc ít nhất là giảm tốc – việc thành lập ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông làm ưu tiên cao nhất.
Theo nhà phân tích Harry J. Kazianis, ba cách tiếp cận sau đây cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Một là hợp tác về an ninh. Tại Đối thoại Shangri-La mới đây ở Singapore, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc – Đô đốc Tôn Kiến Quốc, đã giải thích rằng “Chính phủ và quân đội Trung Quốc không bao giờ nói sắp thiết lập một ADIZ trên Biển Đông” và rằng việc tạo ra một vùng như vậy sẽ được dựa trên cách nhìn nhận của Bắc Kinh về tình hình an ninh trong khu vực.
Như vậy điều phải làm là cho Bắc Kinh thấy rằng một ADIZ mới ở Biển Đông thật sự không cần thiết, khi Mỹ và các đối tác của nước này đang tích cực thực hiện những nỗ lực hợp tác với Trung Quốc nhằm phá vỡ tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh.
Hai là sử dụng chiến thuật “gây mất thể diện”. Mỹ và các đối tác cần phải cho cả thế giới thấy rõ ý đồ của Trung Quốc trong việc bồi đắp xây dựng “đảo nhân tạo” trên Biển Đông – cơ sở thiết lập ADIZ mới trong khu vực này.
Trong khi dường như không có khả năng giảm bớt quy mô các dự án xây dựng đảo nhân tạo hiện tại của Trung Quốc, Mỹ và các nước đồng minh có thể khiến cho thế giới biết rõ mọi động thái của Bắc Kinh, qua đó hạn chế việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông. Điều này sẽ khiến Bắc Kinh phải liên tục giải thích các hành động của Trung Quốc hết lần này đến lần khác.
Ba là tăng cường “chiến tranh pháp lý”. Thái độ ngày càng hống hách của Trung Quốc trong khu vực có thể khuyến khích các bên tranh chấp ngoài Trung Quốc tiến tới một thỏa hiệp. Nếu đạt được điều này, các bên tuyên bố chủ quyền Biển Đông có thể cùng nhau kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Những hành động phối hợp như vậy có thể ngăn Bắc Kinh bồi đắp xây dựng thêm các “đảo nhân tạo” và ngăn Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông