Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng và lớn nhất trong lịch sử, vốn bị coi là đã chết khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột tuyên bố rút lui hồi tháng 2-2017. Nhưng ngay sau đó, TPP đã âm thầm được 11 bên tham gia còn lại nỗ lực phục hồi dưới tên gọi TPP11. Giới chức của một số nước cho rằng một thỏa thuận về nguyên tắc có thể sẽ được ký kết tại APEC 2017 – Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương – diễn ra ở Việt Nam vào tháng 11 tới đây mà hầu hết thành viên TPP đều có mặt tại hội nghị này.
Dự đoán trên được đưa ra sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ ba giữa giới chức cao cấp 11 nước tại Sydney từ 28 đến 30-8, được xem là đã thắp lên tia hy vọng hồi sinh cho một hợp tác quy mô lớn trong quan hệ thương mại. Sau vòng đàm phán này, giới chức Nhật Bản và các nước tham gia lạc quan về một cuộc tiếp tục ngồi lại vào tháng 9 để đưa ra một quyết định cuối cùng về TPP mới, mà nhiều bên hy vọng trở thành hiện thực vào cuối năm và nếu được sự đồng thuận thì có thể đưa vào thực hiện từ năm sau.
Trước đó, bên lề hội nghị các bộ trưởng phụ trách thương mại lần thứ 13 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương hồi tháng 5 tại New Zealand, 11 quốc gia còn lại đã đồng ý tìm cách tiếp tục thực hiện TPP mà không có Mỹ trong một cố gắng tái khởi hiệp định.
Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo sau cuộc họp đã nói với báo giới rằng lợi ích thu được từ TPP đáng để tiếp tục duy trì hiệp định nếu có thể. Ông bày tỏ sự hài lòng với cuộc gặp người đồng cấp là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và những gì họ đã thảo luận cho thấy có nhiều yếu tố tích cực hơn mong đợi.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, đối với tương lai của hiệp định này, có ba quan điểm sau đây: Quan điểm bi quan nhất cho rằng TPP không có Mỹ sẽ không còn là TPP, vì vậy các nước khác cũng nên từ bỏ hiệp định thương mại này. Hai là, sau khi Mỹ tuyên bố dứt khoát thì nên xúc tiến mời các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia tham gia và bắt đầu đàm phán lại. Ba là, phương thức TPP 11 đang được Nhật Bản làm đầu tàu sẽ không thay đổi nội dung và nước thành viên còn lại sẽ tiếp tục thúc đẩy TPP sớm có hiệu lực. Quan điểm thứ ba được các nước đồng tình nhưng điều này thực hiện được hay không vẫn còn đối mặt với rất nhiều trở ngại.
Việc Thủ tướng New Zealand Bill English bày tỏ tiếp tục thúc đẩy TPP11 sớm thành hiện thực cho thấy nước này đã bước từ hậu trường lên sân khấu muốn chung tay với Nhật phục hồi TPP mà họ đã tham gia xây dựng từ đầu, như lời Bộ trưởng Thương mại New Zealand nói rõ: việc thông qua TPP là lời cam kết của nước ông.
Trong khi đó, Canada là nền kinh tế lớn thứ hai trong TPP11 cho biết sẽ nỗ lực loại bỏ những điều khoản từng nhượng bộ với Mỹ trong thỏa thuận ban đầu. Việc Mỹ rút khỏi TPP đang mang lại nhiều lợi ích cho Canada cũng như để nước này có một vị trí đàm phán tốt hơn trong việc viết lại hiệp định.
Ông Carey, Giám đốc truyền thông của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada nói: “Chúng tôi đang tích cực đánh giá để thúc đẩy mọi việc sau khi chấm dứt các cuộc thảo luận trong khuôn khổ TPP11. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu những tác động của việc ổn định và làm thế nào thúc đẩy thỏa thuận lâu dài trong việc thiết lập các điều khoản thương mại cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Giới quan sát cho rằng, với quyết tâm của các nước thành viên còn lại, TPP11 vẫn có triển vọng hồi sinh. Ðể có một kết quả khả quan cho các thành viên còn lại, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn trong TPP như Australia, Canada, New Zealand… đã nỗ lực không ngừng gần một năm qua với hy vọng đẩy nhanh quá trình. Các thành viên này đều bày tỏ quyết tâm phối hợp chặt chẽ để sớm đạt được một thỏa hiệp phù hợp lợi ích chung của tất cả các nước.
Thay thế vị trí của Mỹ, Nhật Bản đã cam kết sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc đưa ra đường hướng rõ ràng cho TPP, bởi Tokyo cho rằng hiệp định này không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược địa chính trị.
Sau nhiều cuộc gặp, nhận thức chung giữa các nước thành viên đã có sự tiến triển. Nhiều phiên thảo luận đã được thực hiện nhằm tìm cách sửa đổi văn bản gốc của TPP phù hợp với bối cảnh mới.
Cũng có những tiến bộ đáng kể trong các cuộc thảo luận về việc sửa đổi hay đình chỉ các điều khoản nhất định, như dự định đóng băng yêu cầu mở rộng thời hạn bằng sáng chế, nếu ứng dụng phải đối mặt với sự trì hoãn không hợp lý, quy tắc đầu tư, bảo vệ tác quyền…
Giới quan sát ghi nhận điều quan trọng mà các bên đã đạt được, như Thứ trưởng Thương mại Edgar Vasquez của Peru khẳng định: “Tất cả các nước thành viên đều sẵn sàng đánh giá những lựa chọn thay thế để TPP có thể tồn tại”.
Hiện tại, với hy vọng hồi sinh Hiệp định TPP, văn bản gốc của TPP cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, không chỉ là một phép trừ đơn giản không có Mỹ, mà còn có một loạt vấn đề khó khăn mới lúc này dần lộ diện.
Một vài thành viên đã đề nghị sửa đổi hoặc đóng băng một số điều khoản của hiệp định, chẳng hạn như các vấn đề liên quan tới hoạt động thu mua của nhà nước hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dược phẩm. Việt Nam đã đề xuất khả năng điều chỉnh một số điều khoản trong vấn đề quyền của người lao động và các quy định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm của bản hiệp ước ban đầu.
Trong khi đó, Canada và Mexico đưa ra các điều khoản mà họ muốn đình chỉ, trong đó có một số điều khoản của TPP có thể sẽ được kết hợp vào phiên bản sửa đổi của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ và hai nước này.
Theo dự đoán của giới bình luận, một số thành viên có khả năng sẽ ít nhiệt tình hơn với TPP11, chẳng qua là vì ban đầu họ tham gia thỏa thuận chỉ với hy vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ mà thôi.
Nếu được hồi sinh, TPP sẽ gắn kết 11 quốc gia bao gồm 4/20 nền kinh tế hàng đầu thế giới với GDP khoảng 9.800 tỉ USD và kéo theo đó là 19 hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực. Ðây cũng là lý do mà gần đây một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, rất có thể một lúc nào đó, nước Mỹ sẽ phải nghĩ lại thái độ đối với TPP.
Trung tâm Canada West Foundation vừa qua đã công bố nghiên cứu có tên gọi “Nghệ thuật đàm phán thương mại: Định lượng những lợi ích của TPP không có Mỹ”.
Theo báo cáo này, xuất khẩu của Canada sang các nước thuộc TPP11 vào năm 2035 sẽ tăng 4,7%, trong khi Mexico tăng 3,12%, cao hơn mức cơ sở nếu không có TPP.
Khi còn TPP bao gồm cả Mỹ, mức tăng này chỉ là 0,36% và 0,05%. Ngoài ra, Mexico và Canada còn được hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang các nước ngoài TPP trong bối cảnh TPP11 được thông qua.
Nghiên cứu cũng cho thấy thu hoạch lớn nhất của Canada trong khuôn khổ TPP là từ nông nghiệp, thực phẩm nông nghiệp vì không phải cạnh tranh với Mỹ trong TPP. Những lợi ích có được từ TPP11 sẽ cho phép Canada và Mexico rộng đường hơn trong việc đàm phán lại NAFTA.
Peru và Chile cũng là các nước hưởng lợi từ việc Mỹ rút khỏi TPP vì các nước này sẽ có thị phần lớn hơn trong TPP không có Mỹ. Tương tự, Singapore cũng sẽ có lợi thế hơn khi không phải cạnh tranh với Mỹ tại thị trường châu Á.
Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ sang các nước TPP sẽ bị giảm 0,32% so với mức cơ sở vào năm 2035 nếu TPP11 được thông qua, nhưng nếu tham gia TPP thì xuất khẩu của Mỹ sẽ tăng 1,41%. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước trông đợi được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tiếp cận thị trường Mỹ thông qua TPP12 nên sẽ là những nước bị mất đi nhiều lợi ích nhất trong số 11 nước còn lại, mặc dù vẫn được hưởng lợi.
Những động thái “hồi sinh” TPP cho thấy, các nước châu Á – Thái Bình Dương cũng như Liên minh châu Âu EU đã tự xác định con đường đi riêng của mình, không hoàn toàn thụ động trông chờ vào sự dẫn dắt của Mỹ như trước. Thậm chí, một số quan chức kinh tế Nhật Bản còn hy vọng một ngày nào đó, chính quyền của ông Donald Trump sẽ “tỉnh ngộ” và xin quay lại với TPP vì suy cho cùng, hiệp định này mang lại cho kinh tế Mỹ và các tập đoàn kinh doanh Mỹ quá nhiều lợi ích trong cuộc cạnh tranh toàn cầu quyết liệt hiện nay.
- Tổng hợp
Xem thêm: