Sau khi cho thành lập chính quyền Tam Sa một cách khiên cưỡng bất chấp luật pháp quốc tế, mới đây Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) lại công bố gọi thầu chín lô thăm dò không nằm trong khu vực tranh chấp, thêm một lần nữa biểu hiện thái độ hung hăng nước lớn. Điều này chỉ làm cho hình ảnh Trung Quốc xấu đi không chỉ trong mắt người dân Việt Nam mà còn khiến cho tình hình tranh chấp Biển Đông trở nên căng thẳng hơn, đi ngược lại thỏa thuận đạt được cách đây không lâu giữa hai nước.
Phản ứng của chúng ta là rất chừng mực nhưng cương quyết.
Ngay sau khi thông cáo mời thầu của CNOOC được công bố, ngày 26-6 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã tuyên bố rằng khu vực thông báo mở thầu quốc tế này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Ông Nghị tuyên bố: “Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông”.
Ngang ngược và tráo trở
Trong cuộc họp báo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phản đối việc làm của CNOOC, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN đã làm rõ sự ngang ngược của phía Trung Quốc khi khẳng định qua kiểm tra tọa độ, PVN nhận thấy chín lô mà phía Trung Quốc mời thầu quốc tế, tổng diện tích lên đến 160.129km2, nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí cùng đối tác của mình.
Cụ thể, giới hạn phía tây của các lô mà Trung Quốc mời thầu cách khu vực bờ biển Quảng Ngãi chỉ 76 hải lý (hơn 140km), cách bờ biển phía bắc Nha Trang 60 hải lý (110km), điểm gần nhất cách Nha Trang và Phan Thiết chỉ 57 hải lý (105km) và điểm gần nhất cách đảo Phú Quý hơn 30 hải lý (55km). Tại các vùng này, PVN và các đối tác đã tiến hành hoạt động dầu khí từ lâu.
PVN yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC).
Hiện nay, có bốn hợp đồng dầu khí đang được triển khai giữa PVN với các đối tác là (1) hợp đồng với Gazprom của Nga từ lô 129 đến 132, (2) hợp đồng tại lô 128 với Công ty Dầu khí Quốc gia của Ấn Độ, (3) hợp đồng tại các lô 156-159 (mà phần phía bắc dính vào chín lô Trung Quốc đang mời thầu) với Exxon Mobil của Mỹ và (4) lô 148-149 mà PVN đã ký hợp đồng với Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam. Hoạt động dầu khí tại các khu vực này đã được tiến hành từ nhiều năm nay và vẫn đang được tiếp tục.
Các hoạt động dầu khí tại khu vực này với bốn hợp đồng nói trên đã và đang triển khai bình thường từ khoan đến khảo sát địa chấn hai chiều, ba chiều… Một số lần, các công ty dầu khí nước ngoài nhận được một vài ý kiến từ phía Trung Quốc, như Công ty Dầu khí Quốc gia của Ấn Độ tại lô 128, nhưng các nhà thầu dầu khí khi đã ký hợp đồng với PVN đều khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế nên các hoạt động đều tiến hành bình thường. PVN đã làm việc với các nhà thầu dầu khí để thống nhất chương trình công tác từ nay đến một vài năm tới.
Trong tháng 7 này, một cuộc hội thảo về dầu khí với Nhật Bản cùng các đối tác khác sẽ diễn ra và không bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “mời thầu” vừa qua của Trung Quốc.
Một lời mời thầu không có giá trị
Phản ứng của giới phân tích quốc tế trong tuần lễ qua với lời mời thầu của CNOOC cho thấy hầu như chẳng công ty dầu khí quốc tế nào có ý liều lĩnh hưởng ứng.
Trong thực tế, các tập đoàn dầu khí có tầm cỡ trên thế giới phần lớn là của các nước như Hoa Kỳ, Anh, Canada, Nga đã hiểu quá rõ sự phức tạp của tranh chấp tài nguyên trên Biển Đông nên sẽ khó tham gia vào một cuộc đấu thầu vi phạm luật pháp quốc tế như lời mời gọi của CNOOC. Với các công ty dầu khí có uy tín, họ nghiên cứu rất kỹ luật quốc tế cũng như luật các nước liên quan, đồng thời nắm rõ vùng biển có tài nguyên thuộc nước nào và tất nhiên họ không thể phiêu lưu.
Tâm lý này đang ngày càng rõ hơn qua nhận định của các chuyên gia nước ngoài được ghi lại trên báo Tuổi Trẻ.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòngAustraliakhẳng định các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của ViệtNam. Việc mời thầu là cách phản ứng của Bắc Kinh đối với việc Quốc hội ViệtNamvừa thông qua Luật Biển. Hành động này chỉ mang ý đồ chính trị chứ không có ý nghĩa thương mại.
Tiến sĩ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cũng cảnh báo bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao. Do đó, các công ty nước ngoài (nếu có) sẽ “phải suy nghĩ thật kỹ” trước khi quyết định.
Trong khi đó, trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích M. Taylor Fravel khẳng định các lô mà CNOOC mời thầu hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của ViệtNam, do đó các công ty nước ngoài sẽ không tham gia.
Lời mời thầu của CNOOC sẽ khiến các nước trong khu vực và quốc tế nghi ngờ Bắc Kinh không thật tâm muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình và cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực.