Còn ông Laban Yu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí của Tập đoàn đầu tư ngân hàng và chứng khoán Jefferies Hong Kong Ltd., cho rằng các tập đoàn dầu khí nước ngoài sẽ tránh xa gói thầu này và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc lợi dụng cho ý đồ chính trị của họ. Theo ông, sẽ không có doanh nghiệp nước ngoài nào tham gia gói thầu, đặc biệt sau khi ViệtNamlên tiếng phản đối.
Theo nhận định chung của nhiều nhà phân tích, CNOOC chẳng qua là công cụ giúp Trung Quốc đẩy ranh giới tranh chấp hàng hải trên Biển Đông, cố tình “lập lờ đánh lận con đen” giữa vùng biển đang tranh chấp với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đài BBC mới đây, trong một bản tin dưới tựa đề “Truyền thông Trung Quốc xạo tin về Biển Đông” đã lột trần sự thật về một bản tin trên Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc nói rằng có vài doanh nghiệp dầu mỏ ở Đông Nam Á “hứng thú” với lời mời thầu của CNOOC, nhưng không chứng minh được công ty cụ thể nào.
Và sẽ không có hãng dầu nào có thể khai thác mỏ dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của ViệtNammột khi chưa có sự cho phép của Chính phủ nước ta.
Cần tỉnh táo vạch trần sự thật
Qua sự kiện CNOOC mời thầu phi pháp, lẽ phải đang ở về phía chúng ta, đó là điều thấy rõ như chứng minh của các cơ quan chức năng trong nước và dư luận quốc tế.
Đây là sự việc vượt ra ngoài khái niệm thương mại mà là một mưu đồ bá quyền trên Biển Đông từ nửa thế kỷ nay qua việc chiếm một vài đảo nhỏ ở vùng biển Hoàng Sa năm 1956, cưỡng chiếm đảo lớn Hoàng Sa năm 1974, chiếm đảo Garma ở Trường Sa năm 1988 đồng thời liên tục gây hấn với chúng ta trên Biển Đông từ 1995 đến nay.
Cùng với các hành động quân sự, Trung Quốc đã liên tục đưa ra các tuyên bố về lãnh hải, luật về vùng đặc quyền kinh tế nhằm hợp pháp hóa hành vi sai trái. Họ trưng ra các bản đồ mơ hồ, tận dụng các hội nghị quốc tế để kêu gọi các bên không có hành động gây phức tạp tình hình tranh chấp Biển Đông, trong khi đó thì chính họ đã làm ngược lại, mà biểu hiện mới nhất là sự việc mời thầu chín lô khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Chúng ta tôn trọng tình hữu nghị nhưng có một thứ cần tôn trọng hơn nhiều là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, có một thứ tình cảm vĩ đại hơn nhiều là tình yêu đất nước.
Đã đến lúc chúng ta cần tập trung nhiều nguồn lực trong lẫn ngoài nước, đầu tư lớn cho việc làm sáng tỏ chân lý trước dư luận quốc tế về tranh chấp trên Biển Đông và chủ quyền các đảo, điều mà lâu nay chúng ta chưa làm thật đầy đủ như phía bên tranh chấp với chúng ta đã làm.
Một chiến dịch “giải độc” hiện nay là rất cần thiết vì các chứng cứ lịch sử liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mà chúng ta đang có là rất thuyết phục. Đó là lý do tại sao lâu nay Trung Quốc không muốn đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế.
Phạm Thành Sơn