Có tới 92% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC được khảo sát lạc quan về khả năng tăng trưởng trong năm 2018.
Đây là kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp năm 2017 do PwC thực hiện dựa trên việc khảo sát 1.412 lãnh đạo doanh nghiệp APEC, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.
Theo đó, có tới 92% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lạc quan về sức tăng trưởng của doanh nghiệp trong 12 tháng tiếp theo, trong đó 38% CEO cho biết họ “rất lạc quan”. Kết quả này tương tự với tỷ lệ trung bình trong khu vực APEC.
Việt Nam được dự báo sẽ đứng đầu trong Top 10 nền kinh tế APEC có tỷ lệ ròng cao nhất các doanh nghiệp gia tăng mức đầu tư xuyên biên giới trong vòng 12 tháng tới, vượt qua Trung Quốc, Indonesia và Mỹ.
Hiện nay, việc phát triển kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo đang ngày càng được khuyến khích và thúc đẩy tại Việt Nam, nhờ đó các điều kiện cho đổi mới sáng tạo đang được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo báo cáo có tới 36% các CEO Việt Nam hiện nay lạc quan hơn khi ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ mới, hay tham gia vào ngành kinh doanh mới, tăng 22% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, 36% các CEO đã lạc quan hơn so với 22% hồi năm ngoái về khả năng tăng biên lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh trong nước.
Các nhà lãnh đạo Việt cũng bày tỏ niềm tin vào việc mở rộng hoạt động từ nền kinh tế chủ đạo ra các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương khác cũng như khả năng tăng biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh quốc tế.
Có tới 64% CEO Việt cho biết sẽ tiếp tục tăng quỹ đầu tư quốc tế, trong đó 71% ngân sách sẽ được đầu tư vào 21 nền kinh tế APEC. Trong năm 2018, các hiệp định FTA mới được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng nguồn doanh thu cơ hội cho Việt Nam.
Tuy nhiên, các CEO cũng bày tỏ lo lắng hơn đối với việc gia tăng các rào cản trong quá trình hội nhập vào nền thương mại toàn cầu. Trong đó có các rào cản về tuyển dụng lao động nước ngoài, cung cấp hoặc tiếp nhận dịch vụ qua biên giới, đầu tư vào một nền kinh tế khác, các hiệp định thương mại bị trì hoãn hoặc ngừng làm giảm doanh thu cơ hội, trao đổi dữ liệu qua biên giới.
Bên cạnh đó, so với năm 2016, các CEO Việt Nam kém lạc quan hơn về khả năng đảm bảo được nguồn nhân lực lành nghề, chất lượng cao để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu.
Cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn nhìn nhận, việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng tốt, phù hợp với những yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp kỹ thuật số 4.0 là một trong những trăn trở lớn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, mấu chốt trong những kế hoạch kinh doanh mới của doanh nghiệp là nguồn nhân lực.
PwC cho biết xây dựng lực lượng lao động phù hợp với tương lai là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các CEO tại Việt Nam. Họ nhận thức được tầm quan trọng của việc thích ứng với thời đại công nghệ số và đang tiên phong dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi nguồn nhân lực.
Các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam đang đầu tư vào tự động hóa và các hình thức trí tuệ nhân tạo như máy học (machine learning). Những hoạt động này nhằm xây dựng nguồn nhân lực tương lai với khả năng phân tích nhạy bén hơn, thông minh hơn, và giảm tập trung vào các công việc giản đơn.
Các CEO Việt Nam tin rằng có thể làm được nhiều hơn nữa để giúp nhân lực trong khu vực APEC thích ứng với thời đại tự động hóa và tái cân bằng công việc.
Kết quả khảo sát cho thấy các CEO Việt Nam đánh giá việc tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào đào tạo liên tục và hệ thống giáo dục là các biện pháp hiệu quả nhất, nhanh nhất để rèn luyện lực lượng lao động công nghệ cao. Tiếp theo đó là mở rộng các sáng kiến hợp tác công tư về đào tạo nguồn nhân lực.
Theo ông Uday Shankar Sinha, Tổng giám đốc Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động nhờ vào cơ cấu dân số trẻ. Tuy nhiên, Việt Nam không nên chỉ là một công xưởng sản xuất hàng loạt các sản phẩm có giá trị thấp, mà nên đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng của người lao động để sản xuất các mặt hàng cao cấp.