Sản phẩm quan trọng, có lịch sử lâu đời nhất của ĐBSCL chính là lúa gạo. Dân ta xưa kia tìm đến vùng đất này để có được cái ăn mà lúa gạo là nguồn lương thực chính, sau đó mới đến tôm cá và các nông sản khác. Sản phẩm nông sản của ĐBSCL hôm nay không những đủ nuôi sống 22 triệu dân trong vùng, mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, cung cấp cho người dân TP. Hồ Chí Minh, đồng thời dùng một lượng đáng kể để xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long
Thời tồn tại cơ chế bao cấp trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cũng bị đói, Nhà nước phải nhập gạo từ nước ngoài để cung cấp cho những vùng thiếu lương thực. Hôm nay, cả về số lượng lẫn chất lượng, hạt gạo của ta đã phát triển nhanh và là niềm tự hào của người ViệtNam. Sự đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của ngành lúa gạo không thua kém bất cứ ngành hàng nào, nhưng nếu đánh giá một cách nghiêm túc thì trong điều kiện môi trường thiên nhiên ưu đãi như ĐBSCL, ngành lúa gạo còn nhiều việc phải cải tiến, phải đầu tư sâu hơn, từ công đoạn chọn giống, làm đất, canh tác, điều hòa thủy lợi, phân bón, trừ sâu, gặt hái, sấy, bảo quản, chế biến từ lúa ra gạo và từ gạo ra các sản phẩm khác. Có vậy ngành lúa gạo mới phát triển đến mức tột đỉnh và người nông dân mới giàu lên được.
Tháng rồi, các doanh nghiệp và lãnh đạo của một tỉnh ĐBSCL tham quan Đài Loan, đến một vùng trồng lúa được tổ chức rất chuyên nghiệp theo kỹ thuật cao, đồng thời cũng rất phù hợp với đặc điểm ruộng đất mảnh nhỏ, riêng biệt của từng hộ gia đình tại đây. Các công đoạn từ chọn giống ươm mạ, cấy xuống ruộng, điều hòa nước trên đồng, bón phân, xử lý sâu bọ đến gặt hái, sấy khô, tồn trữ… đều có các công ty dịch vụ thực hiện theo quy trình đúng kỹ thuật để đảm bảo hạt lúa về đến kho tồn trữ có chất lượng tốt nhất. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xay xát ra loại gạo đúng chuẩn xuất khẩu sang Nhật. Phần phụ phẩm như trấu dùng để đốt lò sấy, cám để ép dầu và điều chế các loại mỹ phẩm, phần tấm còn để làm các loại bánh kẹo đặc biệt thơm ngon. Mục kích các công đoạn trong chuỗi canh tác lúa gạo ấy và được thưởng thức những sản phẩm chế biến từ lúa gạo của người Đài Loan quả là hữu ích cho kiến thức nông nghiệp của nhiều người. Điều làm cho cả đoàn bất ngờ nhất là kiến thức uyên bác của một vị giám đốc khi trình bày về giá trị và tính năng của máy sấy lúa do công ty ông sản xuất.
Doanh nghiệp của ông trước đây chỉ buôn bán máy sấy, sau đó hợp tác với doanh nghiệp Nhật để lắp ráp máy sấy theo kỹ thuật của Nhật để cung cấp cho thị trường Đài Loan. Ông đã tự nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để máy sấy phù hợp hơn với môi trường Đài Loan, rồi đi sâu vào nghiên cứu hạt lúa ở góc nhìn sinh học, tìm hiểu cách nào để đảm bảo hạt lúa được “tươi” cho đến khi xay xát ra thành gạo và bảo quản gạo giữ được độ “tươi” của hạt gạo để có chất lượng cao nhất khi gạo đến tay người tiêu dùng.