Vị giám đốc đó cho rằng hạt lúa có sinh mệnh, vòng đời của nó có hai giai đoạn. Cụ thể là lúc còn trên cây thì lệ thuộc vào thân cây lúa để trưởng thành. Khi chín, hạt lúa rời thân cây lúa, sẽ đủ sức sống độc lập, mạnh khỏe, giữ được độ “tươi” vài năm (như chàng trai trẻ) nếu có được ngay môi trường phù hợp về độ ẩm, nhiệt độ… Nếu không có được điều kiện phù hợp như vậy ngay khi rời khỏi thân cây lúa, hạt lúa sẽ bị tổn thương và nhanh chóng già nua đi (độ “tươi” bị mất, mầm yếu hoặc chết, các loại nấm có hại xâm nhập vào thân hạt). Sau khi được xay xát, gạo bị mất đi hương thơm ngon, thậm chí có khi còn chứa cả độc tố. Do đó, công đoạn sấy khô ngay từ khi gặt hái là hết sức quan trọng và đó chính là nhận thức mới đối với tôi. Nhận thức này cũng có thể mới đối với người nông dân nào đem lúa ra phơi trên đường lộ. Hóa ra, những người không xem trọng công đoạn sấy khô và bảo quản trong kho đúng kỹ thuật để hạt lúa, hạt gạo giữ được chất lượng cao nhất thì vô tình đã làm mất đi vài chục phần trăm giá bán!
Ông giám đốc nọ rất tự hào vì sản phẩm của ông đã được nhiều nước, trong đó có Thái Lan, Nhật, Indonesia, Trung Quốc đại lục đặt mua. Thị trường lớn nhất của công ty ông hiện là Trung Quốc, nếu lúa gạo của Trung Quốc có qua công đoạn sấy thì 50% sản lượng gạo đã sấy phải qua máy sấy của ông. Điều mà ông tự hào hơn là doanh nghiệp Nhật hợp tác với ông trước đây không còn sản xuất máy sấy nữa vì chất lượng máy của họ đã thua kém nhiều so với máy của ông. Điều ngược lại cũng đã xảy ra: doanh nghiệp Nhật ấy đang là đại lý tiêu thụ máy sấy của ông tại Nhật! Thành quả chất lượng mấy sấy của ông có được ngày nay là do ông đã có nhận thức mới đúng đắn về hạt lúa, để có được hướng cải tiến đúng.
Mới thấy, ngành lúa gạo của chúng ta đã đến lúc phải chuyển từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng. Đã đến lúc phải cải tiến quy trình trồng lúa, nhất là đầu tư ngay vào khâu sấy và bảo quản, đồng thời nghiên cứu công đoạn chế biến phụ phẩm để đa dạng hóa mặt hàng, nâng giá trị gia tăng của cây lúa lên một bước mới. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên khuyến khích phát triển mô hình hợp tác sản xuất thiết bị chế biến nông sản để bước đầu có được những thiết bị đạt chất lượng cao theo kịp trình độ thế giới, sau đó sẽ nghiên cứu sáng tạo bổ sung để tạo ra những loại máy mới phù hợp hơn với điều kiện nước ta, như trường hợp doanh nghiệp sản xuất máy sấy của Đài Loan hợp tác với doanh nghiệp Nhật nói trên. Có như vậy, vùng ĐBSCL mới đủ lực để tiếp tục mạnh mẽ đi lên, trở thành vùng động lực phát triển kinh tế – xã hội quan trọng nhất của cả nước.
Điều đáng mừng là đã có một doanh nghiệp và một tỉnh của ĐBSCL quyết tâm đi vào chương trình cây lúa, sẽ chế biến gạo chất lượng theo quy trình kỹ thuật hiện đại đã nêu trên. Thành công của họ sẽ là thành công của ngành lúa gạo và cũng là thành công của ĐBSCL, mong lắm thay!
Ảnh T.l
Phan Chánh Dưỡng