Bộ Tài chính vừa có công văn gửi đến các bộ ngành, các tỉnh, thành phố và các tập đoàn kinh tế nhà nước đề nghị góp ý vào một dự thảo liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Dự thảo này sẽ được đệ trình Chính phủ mà nếu được chuẩn y thì các thứ trưởng, chủ tịch hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn chế độ xe công đưa đón đến cơ quan hằng ngày như lâu nay, thay vào đó là hình thức nhận khoán kinh phí bắt buộc hằng tháng và tự bố trí phương tiện đi làm. Còn trong trường hợp đi công tác thì có thể chọn hình thức bố trí xe sử dụng chung của đơn vị hoặc nhận kinh phí khoán theo hình thức tự nguyện.
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án khoán kinh phí.
Phương án 1: Đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số tiêu dùng tăng, giảm trên 20%.
Phương án 2: Mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km hoặc xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương, chẳng hạn như giá phổ biến của các hãng xe taxi hiện nay.
Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định. Trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh kể trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất hai phương án.
Theo Bộ Tài chính, phương án 1 sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định; còn lại phương án 2, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch hội đồng quản trị – chủ tịch hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước xem xét quyết định.
Khi đi công tác, các chức danh kể trên được bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe, hoặc thuê xe dịch vụ. Theo quy định hiện hành, chế độ khoán xe công được khuyến khích áp dụng và không phải quy định bắt buộc.
Giảm tình trạng sử dụng xe công lãng phí
Báo cáo tài sản Nhà nước năm 2015 của Chính phủ cho biết, tổng số xe ôtô công của cả nước là 37.772 chiếc, với tổng nguyên giá gần 23.000 tỉ đồng.
Chẳng phải bây giờ vấn đề tiết kiệm sử dụng công xa mới được đặt ra. Gần đây nhất là hồi tháng 9-2015 với quy định thống nhất định mức từ một đến hai xe cho một đơn vị đã khuyến khích các cơ quan, đơn vị dần chuyển sang hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô. Mặt khác, quy định này cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng sử dụng sai mục đích.
Theo đánh giá bước đầu, tác động đầu tiên của quyết định này là số công xa đã giảm.
Quy định nói trên được đánh giá là phù hợp với chủ trương, định hướng về quản lý tài sản công (trong đó có xe ôtô công), tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê/khoán. Đây là xu hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả, tiết kiệm mà nhiều nước đang áp dụng.
Tác động tích cực từ biện pháp này là thúc đẩy các hình thức sử dụng xe khác, tạo một bước thay đổi lớn trong việc trang bị, bố trí, sử dụng xe ôtô công tại các cơ quan, đơn vị; góp phần đưa nề nếp quản lý xe công sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Với quy định thống nhất định mức từ một đến hai xe/đơn vị như vừa nói, Chính phủ kỳ vọng các cơ quan, đơn vị dần chuyển sang hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô. Mặt khác, quy định này cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng sử dụng sai mục đích, lãng phí do số lượng xe công tại một số cơ quan, đơn vị sẽ giảm sau khi thực hiện sắp xếp theo quy định mới.
Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm vấn đề sử dụng công xa lại được đặt ra. Trong cuộc họp báo chuyên đề vừa diễn ra vào tuần trước, ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết tổng số lượng xe ôtô công thống kê được đến ngày 31-12-2016 là 34.214 chiếc, trong đó, số xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.047 chiếc và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc. Đây là con số ghi nhận được sau khi thực hiện theo Quyết định 32 năm 2015 của Chính phủ. Ngoài ra, còn 2.041 chiếc các bộ ngành địa phương đã xác định dư thừa và phải thực hiện thanh lý, tuy nhiên, các bộ ngành, địa phương chưa báo cáo hết số lượng thanh lý về Bộ Tài chính.
Cập nhật rõ hơn, ông Thắng cho hay, trong 1.105 xe, các bộ ngành, địa phương đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỉ đồng, bình quân là 46,2 triệu đồng/xe.
Số tiền thu được sau khi thực hiện thanh lý thì các đơn vị phải nộp lại theo quy định, tùy đặc điểm của các cơ quan đơn vị này, một số nơi sẽ nộp vào ngân sách, một số nơi nộp vào quỹ phát triển sự nghiệp.
Các cuộc đấu giá xe ôtô công được diễn ra công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật (đăng trên bao nhiêu số báo, bao nhiêu ngày, đăng tải trên cổng thông tin điện tử…).
Cơ sở khoán giá xe
Theo nhận xét của đại diện Bộ Tài chính, việc thực hiện khoán xe ở một số đơn vị như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và tại Hà Nội là những động thái rất tích cực, không chỉ góp phần giảm đáng kể chi phí chi tiêu ngân sách thường xuyên mà còn tạo dư luận tích cực trong xã hội. Bởi, cho đến nay, quy định khoán vẫn trên tinh thần tự nguyện nên ít người áp dụng, không có cơ sở để kiểm chứng, đánh giá chính sách.
Về dự thảo đang xây dựng, ông Trần Đức Thắng cho rằng, không tránh khỏi có thể có những phản ứng nhất định; tuy nhiên, các quy định đưa ra tại dự thảo cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Bộ Tài chính trong việc giảm số lượng xe công.
Số tiền khoán xe công dự kiến 6,5 triệu đồng, dựa trên việc kiểm chứng thực tiễn thời gian vừa qua, theo đó người nhận khoán mức cao là gần 10 triệu đồng và thấp là hơn 3 triệu đồng/tháng.
Còn phương án áp dụng đơn giá xe taxi 16.000 đồng/km cho người nhận khoán, nếu so với giá hiện hành 7.000-8.000 đồng/km khi sử dụng taxi giá rẻ hay taxi thông thường bốn chỗ ngồi là 12.000 đồng/km thì vẫn còn cao.
Giá khoán đi xe cho các quan chức so với chi phí 320 triệu đồng cho một công xa hằng năm trước đây đã giảm còn một nửa. Như vậy, Nhà nước và người nhận khoán đều được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cũng lý giải thêm về việc vì sao chỉ bắt buộc khoán với đưa đón chức danh mà không khoán bắt buộc với đi công tác.
Thực tế hiện nay cho thấy nhiều tỉnh, thành đang được doanh nghiệp tặng xe đắt tiền làm xe công. Về cả lý và tình những xe đó vẫn sẽ trở thành tài sản của Nhà nước, phải được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, nghĩa là vượt tiêu chuẩn thì không được sử dụng.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – cho rằng về mặt pháp lý, chúng ta cần quan tâm đến quy định của văn bản có hiệu lực cao hơn là Luật phòng, chống tham nhũng. Khoản 3, Điều 40 của luật này quy định như sau: “Nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi”.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh, Luật phòng, chống tham nhũng còn nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà của “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình” (Khoản 2, Điều 40, Luật phòng, chống tham nhũng).
- Hoàng Hải