Tuy nhiên, không nhiều người thành công muốn nhắc đến những thất bại của mình hoặc chỉ đề cập đến một cách rời rạc. Trong khi đó, mỗi thất bại sẽ để lại những bài học quý cho những người đi sau, nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp. Như anh Hoàng Tùng, người sáng lập Pizza Home, chia sẻ trong bài viết của mình: “Không nhất thiết phải sờ vào điện 220 volt để biết rằng điện giật có hại”. Hy vọng hai câu chuyện khởi nghiệp thất bại sau đây sẽ cho các nhà khởi nghiệp những bài học hữu ích để tránh đi trên vết xe đổ tương tự.
Lê Đình Hiếu, Giám đốc điều hành của Học viện G.A.P, sáng lập dự án dạy tiếng Anh cho người câm điếc Hear.Us.Now
Năm 2014, tôi khởi nghiệp một chương trình giáo dục phi lợi nhuận dành cho trẻ em bậc tiểu học và trung học ở một tỉnh miền Tây. Tại thời điểm đó, tôi nhận thấy trên toàn tỉnh hầu như chưa có một trung tâm tiếng Anh nào có giáo trình chuyên nghiệp và có giáo viên nước ngoài giảng dạy, trong khi tỉnh này chỉ cách TP. Hồ Chí Minh một giờ đi xe.
Tôi quyết định tổ chức chương trình đưa giáo viên nước ngoài từ các trung tâm Anh ngữ ở TP. Hồ Chí Minh xuống dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh ở đây vào các ngày Chủ nhật hằng tuần. Các giáo viên nước ngoài tỏ ra rất hào hứng với công việc này và họ cũng rất vui khi được khám phá văn hóa và trải nghiệm homestay ở miền Tây. Tôi cũng cảm thấy vô cùng phấn khởi khi các em nhỏ có vẻ rất thích học tiếng Anh với người nước ngoài.
Tuy nhiên, khi tôi hỏi một em gái tám tuổi rằng: “Em có thấy chương trình có ích không?”. Em trả lời: “Em rất thích chương trình này nhưng em muốn học bơi hơn vì năm nào ở đây cũng có bạn bị đuối nước. Gia đình em không có điều kiện cho đi học bơi mà học ở sông thì rất nguy hiểm”. Lúc đó, tôi nhận ra rằng thật vô ích khi mang tiếng Anh đến cho những em bé đang có nhu cầu học bơi để sinh tồn. Sau đó, tôi cũng cố gắng thực hiện một chương trình học bơi cho các em nhỏ nơi đây nhưng cũng không thành công vì thế mạnh của tôi là giáo dục.
Có thể thấy, tôi cũng như một số người khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội thường phạm sai lầm là cho đi những lợi thế mình đang có nhưng chưa chắc phù hợp với nhu cầu của người được cho. Chính vì vậy, dù chúng ta đang làm công tác thiện nguyện nhưng điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của người dân trước khi bắt đầu các dự án xã hội. Có như vậy thì chúng ta mới “cho” đúng với điều mà họ đang mong ước và công việc của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa.
Nguyễn Hồng Lam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam
Trước khi xây dựng thành công thương hiệu Hồng Lam – Tinh hoa quà Việt, tôi đã trải qua muôn vàn thử thách sóng gió, một trong những thất bại “nhớ đời” của tôi là lần khởi nghiệp năm 1992. Tình cờ tôi biết có một vị khách từ Lạng Sơn về Hà Nội đặt mua tăm với số lượng rất lớn, khoảng 100 tấn/lô đầu tiên. Bản thân tôi chưa từng có kinh nghiệm hay mối quan hệ nào liên quan đến nghề tăm hương trước đó.
Nhưng tôi thầm nghĩ “có cầu ắt sẽ có cung”, tôi đánh liều nhận mối làm ăn, với điều kiện sẽ được khảo sát thị trường trước và có câu trả lời trong vòng một tuần. Ngày ấy không có internet như bây giờ, nên sau vài ngày thăm dò khắp chốn, tôi mới xác định được nơi cung cấp tăm hương lớn nhất miền Bắc là khu Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, tỉnh Hà Tây. Tôi may mắn gặp được một gia đình nông dân nghèo nhưng rất nhiệt tình. Sau đó, tôi quyết định nhận đặt cọc của vị khách và tiến hành thu mua, đặt hàng gia công. Thương vụ làm ăn này của tôi khá suôn sẻ, tôi bắt đầu có lãi ngay từ những lô đầu tiên.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, trên thị trường xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh, họ hạ giá bán, nâng giá thu mua, giảm chất lượng hàng hóa nên sản phẩm khi nhập kho thường bị hỏng nhiều, hao hụt lớn, gây mất niềm tin ở khách hàng. Đối tác của tôi bắt đầu nợ tiền, dừng mua hàng khiến một lượng lớn sản phẩm bị tồn lại cả trên biên giới lẫn địa phương, khiến chuyện kinh doanh của tôi bị đình trệ.
Tôi loay hoay cứu vãn tình thế, sau một thời gian chấn chỉnh thì lại có đơn hàng, nhưng hình thức kinh doanh đã khắt khe hơn rất nhiều. Họ yêu cầu tôi mang hàng lên biên giới, kiểm tra chất lượng rồi mới chốt giá và thanh toán, nợ “gối” đơn hàng. Tôi lâm vào cảnh bị cạnh tranh gay gắt, giá bán hạ xuống, chi phí tăng cao dẫn đến lợi nhuận rất thấp, đặc biệt là khách hàng nợ nhiều. Cuối năm 1992, tôi đã kết thúc công việc kinh doanh tăm hương và chấp nhận mất món tiền khách còn đang nợ tôi là 100 triệu đồng.
Có khá nhiều lý do khiến tôi gặp thất bại ngày đầu khởi sự doanh nghiệp, như: mất kiểm soát chất lượng sản phẩm, không kiểm soát được dòng tiền mặt, không làm chủ công nghệ chế biến sản phẩm, không có được thông tin thị trường kịp thời. Hơn nữa, tôi cũng không tạo nên được sự khác biệt trên thị trường thì rất dễ thất bại. Trong một đại dương đỏ, chúng ta phải cố gắng tạo một con đường xanh mới thành công được.