Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đang được đưa vào nhóm đối tượng bị kiểm soát tài sản theo Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Những người làm luật cho rằng đây là nhóm chủ thể mà trong cơ chế quản trị và điều hành có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích, dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý. Và việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này sẽ giúp lành mạnh hóa các doanh nghiệp đại trà và có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Việc này nhằm mục tiêu được ghi ra là nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong doanh nghiệp.
Tuy dự thảo này vẫn đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi tại các tỉnh, thành phía Nam nhưng đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong khi một số cơ quan nội chính, thanh tra, chuyên trách về phòng chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phía Nam đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ thì không ít doanh nhân phản đối.
Ông Đỗ Thế Nguyên Vũ – Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM-DV MART cho biết: “Doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo luật doanh nghiệp, họ chịu trách nhiệm trước cổ đông theo luật, điều lệ, quy chế hoạt động của công ty và nhà nước đã kiểm soát thu nhập của họ thông qua cơ quan quản lý thuế rồi. Liệu luật kiểm soát tài sản có cần thiết? Việc kiểm soát tình hình “tài sản” được hình thành ngoài nhà nước nhằm chỉ phù hợp với những cuộc cải cách ruộng đất miền Bắc hay quốc hữu hóa miền Nam mà thôi”.
Trao đổi trên báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Văn phòng Luật sư Nghiêm và Chính, cho rằng việc kiểm soát tài sản, thu nhập của doanh nhân, doanh nghiệp và của toàn xã hội hiện nay đã và đang được thực hiện bằng những thiết chế như: thông qua các công cụ thuế, hệ thống các quy định về đăng ký và quản lý đất đai, bất động sản, các quy định bắt buộc về đăng ký và quản lý đối với một số loại tài sản có giá trị khác (ôtô, tàu thuyền…). Vì vậy, ông Bùi Quang Nghiêm cho rằng quy định của dự luật như vậy là chồng chéo, không cần thiết. Hơn nữa, doanh nhân, doanh nghiệp làm giàu trên cơ sở vốn và trí tuệ của người ta, khác với quan chức lãnh lương và bổng lộc của Nhà nước. Nếu đánh đồng doanh nhân cũng như quan chức để quản lý về phòng chống tham nhũng như thế, tức Nhà nước sẽ hạn chế tinh thần ham muốn làm giàu của người dân.
Còn ông Hoàng Tân, Giám đốc Công ty Hoang Pottery Việt Nam thẳng thắn nói: “Theo tôi, quy định này có thể xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản riêng tư chứ không thể phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả”. Vì người làm kinh doanh đã đầu tư tiền của và đặt cược mọi rủi ro kinh doanh trên tài sản của họ. Những người khởi nghiệp lại càng mạo hiểm với tài sản hạn hẹp của mình hơn. “Trong khi rất nhiều chuyên gia kinh tế đang nỗ lực đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp vì đây là nền kinh tế đất nước đi lên thì dự luật kiểm soát tài sản tư nhân sẽ vô tình giết chết tinh thần khởi nghiệp mà chúng ta đang xây dựng”, ông Hoàng Tân nói.
Mặt khác, chúng ta đang thu hút nguồn FDI để phát triển đất nước. Dự thảo luật này có khi sẽ làm doanh nhân nước ngoài chùn chân. Vì việc buộc những cá nhân lãnh đạo các quỹ đầu tư ngoại quốc, ngân hàng ngoại quốc, hoặc người ngoại quốc được thuê điều hành ngân hàng tư nhân, chủ các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam làm chuyện này, chắc chắn sẽ bị phản đối. Hơn nữa, khá nhiều tổng giám đốc đi làm thuê, thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập, không nắm cổ phần nào của doanh nghiệp họ lãnh đạo. Bắt những người có phần vốn kê khai tài sản bên ngoài phần góp vốn của họ tại doanh nghiệp đã là chuyện không khả thi thì chuyện bắt những người làm thuê, những thành viên độc lập kê khai tài sản của họ sẽ là chuyện vô lý.
Đó là chưa nói đến thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt và tích trữ vàng, sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát sở hữu của công dân. Chỉ với các thông tin có được từ hệ thống đăng ký sở hữu bất động sản và đăng ký quyền sở hữu một số tài sản khác thì không thể vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh về sở hữu tài sản của các chủ tư nhân.
Việc cơ quan soạn thảo không lường hết hoặc cố tình bỏ qua độ phức tạp của vấn đề sở hữu làm cho việc yêu cầu kê khai thông tin trở thành một biện pháp mang tính nửa vời. “Nếu dự thảo luật này thành hiện thực, tôi nghĩ là các vị chủ doanh nhân và các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, những người có tinh thần sáng tạo rất cao buộc phải tìm cách lách luật, đối phó. Vậy bao giờ Việt Nam mới có thể xây dựng được một xã hội minh bạch, hay người dân có thể tự hào “tôi là người đóng thuế nhiều nhất cho đất nước” – doanh nhân Đỗ Thế Nguyên Vũ nói thêm.
Nhiều doanh nhân cho rằng tài sản của họ là quyền tư hữu, được bảo vệ bởi luật pháp. Thời buổi mở cửa đẩy mạnh kinh doanh làm giàu mà 200 triệu đồng cũng bị kiểm tra, kiểm soát thì có lẽ doanh nghiệp không sớm thì muộn cũng… bỏ xứ mà đi.
Hiện nay, đối tượng kê khai tài sản theo quy định hiện hành cũng quá nhiều. Trong khi các nước trên thế giới đối tượng phải kê khai tài sản khá hẹp, có nước thì 25.000 người, có nước chỉ 10.000 người, ở nước ta riêng khu vực nhà nước có hơn 1 triệu người thuộc diện phải kê khai tài sản thì luật lệ nào mà quản lý, xác minh cho được.
Tất nhiên đây cũng chỉ mới là dự thảo luật được bổ sung trong một bộ luật quan trọng. Và sẽ không thừa nếu nội dung này được tham khảo ý kiến của doanh nhân để quốc hội có cơ sở biểu quyết.
Xuân Lộc (DNSGCT)