Một giải pháp khác, khi nhà đầu tư và người dân không thể đi đến thỏa thuận, sẽ nhờ đến sự thẩm định giá của một cơ quan thẩm định độc lập và khách quan. Chi phí thẩm định thường là do nhà đầu tư chi trả. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể bồi thường cho chủ đất mức giá cao nhất mà nhà đầu tư đã thực hiện bồi thường trong dự án. Phương án này cũng chỉ thực hiện khi chỉ còn lại một số ít hộ dân mà thôi. Với những mảnh đất có một giá trị kỷ niệm, tín ngưỡng đối với chủ đất (như đất thờ cúng tổ tiên hoặc đây là nơi họ làm ăn, kiếm sống nhiều năm) thì việc bồi thường cho chủ đất bằng với mức giá cao nhất cũng khó lòng làm họ thỏa mãn. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho biết: “Có thể bồi thường một diện tích đất dự án bằng từ 20 – 25% diện tích đất đã thu hồi hoặc tái định cư ở các vị trí gần đất dự án để người dân có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh và được hưởng cơ sở hạ tầng mới được xây dựng trên miếng đất đã thu hồi”.
Như vậy, cơ chế tự thỏa thuận thực hiện linh hoạt sẽ giúp giảm thiểu khiếu kiện liên quan đến đất đai. “Với một số ít hộ không thể thương lượng, gây kéo dài thời gian triển khai dự án, dự thảo sẽ đề xuất cơ chế là nhà đầu tư thỏa thuận 80% và Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi 20%”, ông Nguyễn Mạnh Hiển nói thêm. Nhưng dù thu hồi đất theo cơ chế nào thì việc thực hiện cũng khó tiến hành nhanh chóng khi chưa giải quyết bất cập trong chính sách quản lý, sự chồng chéo và thiếu tính thực tiễn của các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, chẳng hạn như việc đăng ký tách rời đất và tài sản gắn liền với đất với ba hệ thống đăng ký riêng biệt, một hệ thống cho đất ở có nhà ở, một hệ thống cho đất không có nhà ở và một hệ thống cho công trình xây dựng hoặc Luật Đất đai quy định đăng ký đất đai là bắt buộc, trong khi Luật Nhà ở lại không bắt buộc đăng ký đất ở có nhà ở… Do vậy, để đi đến sự thống nhất, cần xây dựng một hệ thống đăng ký tài sản bất động sản riêng và trình tự làm thủ tục đất đai cần xử lý sao cho đơn giản và minh bạch nhất.
Xuân Lộc