Phát biểu tại hội thảo, bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng nên bỏ cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân có nhà, đất trong diện giải tỏa vì người dân luôn đòi hỏi mức bồi thường cao hơn nhiều so với quy định, vừa khó đi đến thỏa hiệp mà vừa gây kéo dài thời gian thu hồi đất, gây lãng phí tài nguyên. Bà Loan nói: “Chỉ nên duy trì cơ chế Nhà nước tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sau đó chọn nhà đầu tư bất động sản có đủ năng lực để bán lại”.
Thực tế, cơ chế tự thỏa thuận đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động quỹ đất thực hiện dự án, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, hạn chế khiếu kiện, giảm tải cho các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thu hồi đất. Đồng thời, người dân cũng thường được lợi vì doanh nghiệp có xu hướng bồi thường với giá cao hơn so với giá Nhà nước để giải phóng mặt bằng càng nhanh càng tốt. Chẳng hạn như một doanh nghiệp đã đồng ý trả cho một hộ dân ở Củ Chi với giá 1,4 tỉ đồng (so với giá Nhà nước là 350 triệu đồng) để giải phóng mặt bằng kịp thời hạn. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đồng ý với ý kiến của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM: “Tất yếu phải tồn tại song song hai cơ chế trên, vấn đề là phải có những quy định thật cụ thể, rõ ràng để cả hai cơ chế đều vận hành tốt”.
Linh hoạt trong cơ chế tự thỏa thuận
Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng nên ưu tiên cơ chế tự thỏa thuận trong việc thu hồi đất, đặc biệt là đối với các dự án vừa và nhỏ. Nhưng với những dự án lớn, cần thương lượng với nhiều hộ dân sống trong đất dự án thì quá trình thỏa thuận thường kéo dài. Thậm chí có những dự án phải kéo dài từ năm đến sáu năm chỉ vì 2% hộ dân chưa thỏa thuận được, như dự án The Estella của Công ty TNHH Keppel Land Estate liên doanh với Công ty TNHH Tiến Phước (P. An Phú, Q.2, TP.HCM). Trong trường hợp này, ông Lê Ngọc Tú – Giám đốc Công ty Phát triển nhà Bình Dân cho biết: “Nếu có từ 80 – 90% hộ trong khu vực đất dự án đã đồng thuận với mức giá do nhà đầu tư đưa ra thì từ 10 – 20% hộ còn lại buộc phải chấp nhận mức giá đó. Nhưng tuyệt đối không được sử dụng vai trò của ban bồi thường giải phóng mặt bằng để ép giá đất, nhằm thu lợi lớn cho doanh nghiệp”.