Khi thị lực bỗng nhiên mờ và dần trở nên xấu đi không quá vài phút hay vài giờ đồng hồ, có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng như dưới đây.
Đột quỵ
Thị lực đột ngột bị mờ là một dấu hiệu của bệnh đột quỵ. Bệnh gây cản trở sự lưu thông của máu trong não, có thể gây mờ thị lực, nhìn thấy hai hình ảnh hoặc mất thị lực một cách đột ngột.
Cao huyết áp
Huyết áp cao dẫn đến đột quỵ và bệnh tim, nhưng cũng có thể gây ra một cơn đột quỵ nhẹ ở mắt gọi là tắc tĩnh mạch. Người bệnh thường không cảm thấy đau nhưng khi ngủ dậy thấy mờ thị lực. Thị lực mờ do tắc tĩnh mạch thường xảy ra một bên mắt.
Điều trị tắc tĩnh mạch cần dùng thuốc càng sớm càng tốt mới có thể phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sau đó thị lực ít nhiều có thể bị giảm. Vậy nên, để phòng bệnh, nếu trên 50 tuổi và cao huyết áp, hãy kiểm tra mắt định kỳ.
Bệnh đa xơ cứng
Mờ thị lực thường là một trong những triệu chứng sớm nhất của bệnh đa xơ cứng. Bệnh thường gây viêm dọc theo dây thần kinh thị giác kết nối mắt với bộ não, dẫn đến viêm dây thần kinh thị giác khiến thị lực bị mờ, không nhìn thấy màu sắc và gây đau khi chuyển động mắt. Đa xơ cứng thường xảy ra ở một bên mắt.
Các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và tần suất của triệu chứng bệnh đa xơ cứng thường khác nhau ở mỗi người. Bởi một triệu chứng như mờ thị lực có thể biến mất, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn khỏi bệnh.
Khối u não
Một khối u ở bất cứ phần nào của não có thể gây áp lực bên trong hộp sọ. Hơn nữa, khối u còn gây ra nhiều triệu chứng gồm có mờ thị lực. Các dấu hiệu cảnh báo khác của u não còn có buồn ngủ thất thường, đau đầu, co giật, buồn nôn và ói mửa.
Đau nửa đầu
Những thay đổi về thị lực cũng là dấu hiệu khởi phát của đau nửa đầu. Thông thường, những người đau nửa đầu cảm thấy yếu sức trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Thị lực mờ, nhạy cảm với ánh sáng và nhìn thấy những đốm nhỏ có thể xảy ra trước và trong khi đau nửa đầu.
Bệnh Parkinson
Tuy thị lực mờ không phải là dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý thần kinh này nhưng có thể ảnh hưởng đến thị giác, làm thay đổi chuyển động của mắt. Bởi khi thị giác không rõ ràng, mắt phải căng nhiều hơn để tập trung làm việc.
Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến có thể ảnh hưởng đến thị lực, gây ra bệnh viêm màng bồ đào khi viêm gây sưng, làm mờ thị lực, cảm thấy đau, mắt đỏ và nhạy cảm với ánh sáng. Điều trị bệnh có thể giúp loại bỏ viêm màng bồ đào nhưng còn phụ thuộc vào phần mắt bị ảnh hưởng.
Nhiễm trùng mắt
Khi mắt nhiễm trùng, tránh dùng kính áp tròng để không gây hại giác mạc. Viêm loét giác mạc là bệnh lý nhiễm trùng mắt do vi-rút herpes gây ra. Ngoài ra, vi khuẩn và nấm có thể xâm nhập vào mắt sau chấn thương ở mắt và gây nhiễm trùng.
Dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống có thể cần thiết nhưng cách tốt nhất là đề phòng nhiễm trùng. Tuy nhiên, giác mạc có thể thay bạn làm điều này bởi trong giác mạc chứa nhiều kháng thể giúp loại bỏ mọi thứ gây hại ngay khi tiếp xúc.
Viêm kết mạc
Viêm kết mạc hoặc đau mắt đỏ thường do vi-rút gây ra, kèm theo các triệu chứng như cảm lạnh, viêm phế quản và viêm họng. Mặc dù không nguy hiểm nhưng viêm kết mạc có thể lây lan ở những nơi công cộng. Thông thường, viêm kết mạc sẽ biến mất từ 1 đến 2 tuần lễ mà không cần chữa trị. Nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, hãy đến bác sĩ để được kê toa dùng kháng sinh hoặc thuốc kháng vi-rút.
Chườm mát làm giảm ngứa ngáy, chườm ấm để giảm sưng hoặc dùng thuốc nhỏ mắt để giảm kích ứng mắt. Lưu ý vệ sinh khăn trải giường, nhất là gối nằm, và bàn tay thường xuyên để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.
– Theo Health & WebMD