Việc được trao quyền đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á đáng ra phải khiến mọi người vô cùng hào hứng. Tuy nhiên, theo những gì tôi quan sát thấy thì có vẻ không phải như vậy. Trên thực tế, điều mà nhiều người quan tâm nhất lại là việc trở thành nước chủ nhà cho một kỳ Á vận hội có khả năng dẫn đến những thảm kịch nợ nần. Khi vừa nghe tin này, tôi vô cùng phấn khích: “Wow! Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Á vận hội. Đúng là một tin hay!”. Một đồng nghiệp của tôi chỉ lắc đầu. Cái lắc đầu này hóa ra lại đại diện cho ý kiến của rất nhiều người dân Việt Nam.
Việc tổ chức đại hội thể thao này dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 150 triệu USD. Thật ra con số này không phải là lớn nếu so với số tiền các quốc gia khác đã đầu tư cho các kỳ thế vận hội. Trung Quốc đã phải bỏ ra khoảng 19,63 tỉ USD để tổ chức Đại hội Thể thao châu Á năm 2010 ở Quảng Châu với sự góp mặt của gần 10.000 vận động viên. Nhờ vào những đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhân sự kiện này, Quảng Châu đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của mình.
Khó khăn kinh tế gần đây dẫn đến việc các quốc gia cắt giảm đầu tư cho đại hội thể thao, thế nhưng thành phố Incheon của Hàn Quốc cũng dự tính chi khoảng 1,62 tỉ USD cho Á vận hội năm 2014.
Trong khi đó, kỳ Đại hội Thể thao châu Á tổ chức ở Hà Nội năm 2019 dự kiến sẽ thu hút khoảng 12.000 vận động viên tham dự, nhưng số tiền dự chi cho việc tổ chức này chỉ bằng một phần nhỏ nếu so với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo một cuộc điều tra của báo Tuổi Trẻ Online, đa phần bạn đọc phản đối việc đăng cai Á vận hội. Khoảng một phần ba người trả lời cho rằng họ sẽ ủng hộ nếu Việt Nam chịu nổi các khoản chi phí. Chỉ có khoảng 10% ủng hộ việc đăng cai bởi nó sẽ giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến thế giới.
Nếu nhìn mọi việc từ khía cạnh tích cực 150 triệu USD là một cái giá tốt cho việc quảng bá Việt Nam và thu hút khách du lịch nhờ vào việc tổ chức thành công đại hội thể thao. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng hiện nay, Hà Nội hiện chưa thể đảm đương nổi việc đăng cai sự kiện trọng đại này. Cần phát triển thêm các khu thi đấu thể thao liên hợp và những khu làng cho vận động viên. Mà chỉ riêng việc xây dựng làng vận động viên đã có thể tiêu tốn khoảng 120 triệu USD. Như vậy còn cơ sở hạ tầng và các sân vận động cần xây mới trên khắp cả nước sẽ ngốn hết bao nhiêu tiền?
Có rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Nhiều người sợ rằng dù có bao nhiêu tiền đầu tư vào thì Việt Nam cũng vẫn chưa đủ khả năng đăng cai Á vận hội. Việc tổ chức những sự kiện lớn như vậy cần có kỹ năng quản lý tốt, cách thức sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả và ngân sách hàng tỉ USD. Hãy nhìn lại sự kiện thể thao lớn nhất gần đây mà Việt Nam đăng cai: sân vận động Mỹ Đình xây dựng cho SEA Games 22 hiện đang hư hỏng dần mà vẫn chưa hề bù lại được một phần của số tiền bỏ ra ban đầu.
Thêm vào đó, tôi thấy kinh phí thực tế thường vượt quá kinh phí dự kiến ban đầu. Scotland, đất nước tôi, có thể là một ví dụ. Khi Scotland giành được quyền tự quyết độc lập với viện Westminster của Anh, cả đất nước vui mừng vì đã tiến thêm được một bước trong việc đấu tranh đòi độc lập. Tuy nhiên cái giá phải trả quả không nhỏ. Ban đầu chúng tôi dự kiến việc đấu tranh này tốn khoảng 16-64 triệu USD, nhưng kết quả cuối cùng là 658 triệu USD – một con số kinh hoàng và sẽ là gánh nặng đóng thuế cho người dân Scotland.
Nhưng tốt nhất nên quay lại với cảm giác phấn khích ban đầu về việc đăng cai Đại hội Thể thao châu Á. Hãy quên đi những con số và những nỗi lo sợ. Biết đâu đến năm 2019 cả nước sẽ hân hoan vì Á vận hội đem đến một cơ hội quảng bá tuyệt vời, thu hút đông đảo khách du lịch và giúp cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh? Nếu ta không dám thử thì mọi việc sẽ mãi nằm trong một nỗi lo sợ vô hình. Không ai biết trước được tương lai. Vậy tại sao lại không sống trong lạc quan và hy vọng.
Lê Tâm dịch