Theo những số liệu mới nhất do Liên Hiệp Quốc công bố, tổng dân số Trung Quốc hiện nay là 1,34 tỉ người. Nhờ chính sách kiểm soát sinh sản triệt để, bình quân số con của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã từ 5,91 của năm 1967 hạ xuống còn 1,6 vào năm 2012; tuổi thọ bình quân tăng từ 43 vào năm 1960 lên 73 vào năm 2010. Những yếu tố trên đã góp phần làm cho dân số Trung Quốc ngày một “già” hơn, nhưng điều đáng nói là tốc độ “già” của người Trung Quốc nhanh hơn so với mức bình quân của thế giới. Theo các dữ liệu đã được ghi nhận cũng như những ước tính phù hợp nhất, số người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên là 110 triệu người vào năm 2010, sẽ tăng lên 166 triệu người vào năm 2020; 229 triệu người vào năm 2030; 317 triệu người vào năm 2040 và 331 triệu người vào năm 2050, tức gần 25% tổng dân số, vượt xa tiêu chuẩn do Liên Hiệp Quốc định ra, theo đó, một nước được coi là già khi số người từ 65 tuổi trở lên bằng 7% tổng dân số. Ở phương Tây, ngưỡng này thường đi đôi với mức thu nhập bình quân trên đầu người đạt được. Trong khi trên 60% những nước được xếp loại “già” đạt mức thu nhập bình quân tính trên đầu người hơn 10 ngàn USD/năm thì Trung Quốc “già” đi khi thu nhập bình quân trên đầu người mới hơn 5.000 USD/năm. Sự lão hóa nhanh của dân số sẽ dẫn đến sự sụt giảm nhanh của lực lượng lao động. Hiện nay, lực lượng lao động ở Trung Quốc có 980 triệu người. Con số này sẽ đạt đến đỉnh vào năm 2015 rồi sau đó sẽ tụt xuống nhanh khiến cho trong những năm từ 2016 đến 2020, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm mạnh.
Tại một nhà dưỡng lão gần Bắc Kinh
Về mặt xã hội, các nhà bình luận đề cập đến hiện tượng 4-2-1 trong đời sống của người dân Trung Quốc. Chính sách một con áp dụng tại nước này từ thập niên 1980 sẽ khiến cho mỗi người trẻ trong gia đình (1) phải có nghĩa vụ chăm sóc không những cha mẹ (2) mà còn cả ông bà (4) nữa. Mặt khác, tình trạng dân số già nhanh buộc chính quyền Bắc Kinh phải thiết lập nhiều nhà dưỡng lão với nhu cầu về số nhân viên chăm sóc lên đến 10 triệu người trong khi hiện nay chỉ có 100 ngàn người. Những bất cập này sẽ kéo theo nhiều bất trắc khác về mặt chính trị, đe dọa sựổn định vốn hết sức cần thiết trên một đất nước có hơn 1,3 tỉ dân. Để đối phó với những thách thức nghiêm trọng đó, Trung Quốc cần tái cơ cấu nền kinh tế và điều này gần như đồng nghĩa với việc phải hy sinh một số thế mạnh để nền kinh tế phù hợp với một dân số quá già so với phần còn lại của thế giới.
Minh Chiếm tổng hợp