Sự chậm trễ tiến độ đến hơn gấp đôi thời gian (chín năm so với hơn bốn năm dự kiến) chắc chắn gây ra những thiệt hại không chỉ tính được bằng tiền (chi phí tăng thêm, giá cả tăng, thất thoát…), mà còn thêm những thiệt hại không nhỏ về môi trường (ô nhiễm, bụi, hôi thối, cảnh quan đô thị nhếch nhác). Những thiệt hại đó có thể đã không xảy ra nếu ngay từ đầu có một chế độ quản lý dự án nghiêm ngặt, chọn được nhà thầu có uy tín và giám sát chặt chẽ việc thi công. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần rút kinh nghiệm sâu sắc để tình trạng trên không còn tái diễn. Điển hình nhất là vụ bê bối của nhà thầu Trung Quốc. Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc (CSCEC) là nhà thầu đã trúng thầu gói số 10 của dự án với tổng giá trị là 60 triệu USD. Đây là gói thầu quan trọng, gồm nhiều công đoạn như nạo vét một triệu m3 bùn, gia cố đất và lắp đặt cừ bản ven kênh nhằm sạch hóa toàn bộ dòng kênh… Thế nhưng CSCEC chỉ chủ yếu tập trung xây tường cừ và bỏ bê các phần việc khác. Kênh có tất cả 19 cây cầu bắc ngang, trong đó có những cây cầu quan trọng như cầu Thị Nghè 1 và 2, cầu Điện Biên Phủ, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Công Lý… nhưng CSCEC chỉ tiến hành đóng cừ bê tông dọc hai bờ kênh để chống sạt lở, bỏ qua việc gia cố các mố cầu, khiến tình trạng sụt lún xảy ra. Với tiến độ ì ạch, chất lượng kém, thất thoát vốn, gói thầu này đã không thể hoàn thành đúng thời hạn mà phải trì hoãn nhiều lần. Đến tháng 2-2010, WB chính thức yêu cầu cắt hợp đồng với CSCEC. Tuy đã bị loại khỏi dự án, song hậu quả CSCEC để lại rất nặng nề, chủ đầu tư phải giải quyết bằng cách tách phần việc còn lại của gói thầu ra thành năm gói thầu khác để đấu thầu lại, đẩy kinh phí tăng gấp nhiều lần. Các công ty trong nước sau đó đã phải gia cố mố trụ cho 18 trong tổng số 19 chiếc cầu, đào bỏ toàn bộ bê tông nhựa mặt đường ở khu vực quanh mố cầu rồi mới gia cố bằng cách khoan cọc xi măng xuống đất. Công trình này mất nhiều thời gian do di dời hạ tầng kỹ thuật, toàn bộ mặt cầu bị chiếm dụng gây kẹt xe kéo dài.
Từ cầu Thị Nghè (quận 1), dòng kênh đã dần trong trở lại, tuyến đường hai bên bờ kênh cũng được trồng cây xanh cho kịp tiến độ khánh thành
Cũng phải nói đến những “chuyện nhỏ” khi dự án hoàn thành. Xin đơn cử: hai con đường dọc bờ kênh nay đã sạch đẹp, có hoa, cỏ tươi xanh, đèn đường sáng sủa, con kênh như được khoác tấm áo mới, nhưng dòng nước dưới kênh thì vẫn đen, mùi khó chịu vẫn còn bốc lên khi nước xuống thấp. Sắp tới, dù có hoàn tất việc thu gom và xử lý nước thải lưu vực kênh và vùng phụ cận, việc giữ gìn dòng kênh xanh sẽ đòi hỏi ý thức rất cao của cả các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý lẫn người dân. Rồi việc duy tu những gì đã làm cho bờ kênh dường như cũng chưa được quan tâm đúng mức, lại gây lãng phí, ví dụ việc tưới nước tự động cho bãi cỏ xanh là cần thiết, nhưng trong cơn mưa tầm tã mà để các vòi nước vẫn thả sức phun thì có ai không xót xa, bởi nước sạch là một tài nguyên quý cần phải tiết kiệm.
Thanh An