Nếu không có gì thay đổi, ngày 2-9 tới đây, dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ chính thức hoàn tất, khép lại chín năm thi công một công trình được người dân TP. Hồ Chí Minh rất quan tâm. Tâm trạng chung của đa phần người dân thành phố nói chung, người dân sống và làm việc dọc hai bờ kênh nói riêng đều cảm thấy vui với một công trình đánh dấu sự thay đổi cảnh quan đô thị, nhưng ở mặt sau của nó vẫn còn nhiều điều để nói.
Gần 20 năm cho việc thay đổi một dòng kênh
Trong ký ức những người cao niên từng sống ở Sài Gòn, vào những thập niên 1960-1970, con kênh này “lau lách mọc um tùm, nước trong leo lẻo”. Nhưng rồi từ những năm đó, nhất là từ năm 1980 trở về sau, khi các cơ sở sản xuất phát triển ở các quận nội thành, dân cư bắt đầu tụ về đông đúc, cuộc sống nơi đây dần xô bồ hơn, cũng là lúc dòng kênh bước sang trang đen tối, ngập rác rưởi và bốc mùi hôi thối do gánh trên mình những căn nhà sàn lụp xụp, nhếch nhác lấn chiếm lòng kênh, không chỉ mất mỹ quan mà còn ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại cầu Trần Quang Diệu (quận 3), dù hai bên đường đã hoàn thành với cây xanh, thảm cỏ, bờ kè tươm tất, nhưng dòng nước vẫn chưa xử lý, đen ngòm và vẫn còn rác (đến thời điểm đầu tháng 8)
Dự án vệ sinh môi trường thành phố, lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè là giai đoạn II của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Giai đoạn I của dự án chính thức bắt đầu từ năm 1993. Khi ấy, Sở Địa chính – Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng) cùng các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình thực hiện tái định cư cho gần bảy ngàn hộ dân hai bên bờ kênh. Tiếp đó, Sở Giao thông Công chánh (nay là Sở Giao thông Vận tải) tiến hành nạo vét kênh và xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè như đường dọc kênh, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… Trong vòng năm năm (1993-1998), việc giải tỏa và tái định cư cho người dân đã hoàn thành. Năm 1996, UBND TP.HCM lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tận sáu năm sau, việc nạo vét kênh và thi công 12/14 đoạn đường dọc kênh mới hoàn tất.
Đến giai đoạn này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng ý ký hiệp định cho vay vốn để thực hiện dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn II (vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) nhằm giải quyết triệt để việc ngập úng cho hơn 33km2 của lưu vực kênh này. Dự án chính thức được thi công từ năm 2003 với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD, trong đó WB cho vay 166 triệu USD. Đến năm 2012, tổng vốn đầu tư của dự án đã được điều chỉnh lên gần 317 triệu USD, trong đó vốn ODA gần
294 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.
Những vấn đề cần được rút kinh nghiệm
Như đã nói, công trình cải tạo dòng kênh đen, biến một tuyến đường gây nhức nhối về môi trường vệ sinh đô thị thành một tuyến đường đẹp của thành phố rất được dư luận quan tâm. Chính vì vậy, dư luận không thể hài lòng với tiến độ, sự chậm trễ và những bất cập của một dự án trọng điểm.
Trong quá trình thi công, dự án nhiều lần bị WB tính cắt hợp đồng do thi công quá chậm tiến độ. Hiệp định vay vốn của dự án có hiệu lực từ ngày 3-2-2002 và hết hạn vào ngày
31-12-2007, vậy mà cuối năm 2007 công trình vẫn ngổn ngang, không đâu vào đâu, “lô cốt” mọc đầy không biết đến khi nào mới dỡ. Vì vậy, WB yêu cầu dự án phải đạt được một số chỉ tiêu nhất định về số tiền giải ngân và khối lượng thi công mới đồng ý gia hạn hiệp định vay vốn. Nhờ nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án được WB đồng ý gia hạn đến ngày
30-6-2008, sau đó tiếp tục gia hạn đến ngày 31-12-2009. Đến hết năm 2010, dự án vẫn chưa đến đích và thời điểm gia hạn lại kéo dài, hết 31-12-2011 lại đến 30-6-2012…