Hơn 1.000 loại gia vị tươi và gia vị đã qua chế biến từ đồng bằng đến miền núi, cao nguyên của Việt Nam sẽ cùng xuất hiện tại Lễ hội tinh hoa gia vị Việt 2022, được tổ chức tại TP.HCM.
Thông tin này được công bố tại cuộc họp báo về Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt và Tọa đàm Kinh tế gia vị từ góc nhìn nhà kinh doanh, tổ chức ngày 22-4.
Theo ban tổ chức, đây là lần đầu tiên lễ hội này được tổ chức nhằm tôn vinh gia vị Việt – nguồn tài nguyên giá trị của đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên có đến hơn 1.000 loại gia vị, là gia vị tươi lẫn gia vị đã qua chế biến, từ miền đồng bằng đến Tây Nguyên, từ miền biển đến vùng cao Tây Bắc của nước ta cùng góp mặt, khoe sắc, toả hương tại một lễ hội.
Chương trình còn cập nhật bản đồ gia vị Việt, giúp khách tham quan, các nhà doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu tiếp cận những thông tin mới nhất về gia vị Việt. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho gia vị, tăng cương cơ hội kinh doanh cho gia vị Việt Nam.
Chính vì vậy, những gia vị xuất hiện trong bản đồ gia vị vùng miền sẽ được gắn với từng địa phương, nơi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý (gia vị vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, miền Nam) theo chủng loại, gia vị đặc trưng vùng, gia vị là dược vị.
Trong đó, ban tổ chức sẽ chú trọng giới thiệu các loại gia vị được cấp chỉ dẫn địa lý và OCOP để quảng bá, tăng sức hút.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, các đầu bếp nổi tiếng sẽ biểu diễn nấu ăn với các gia vị ngon độc đáo; 8 chương trình cooking show với những đầu bếp nổi tiếng đến từ các làng văn hoá ẩm thực đặc sắc Việt Nam; giao lưu với chuyên gia ẩm thực, đầu bếp, đại sứ hàng Việt, nhà tư vấn về dược tính của các loại gia vị giúp trị bệnh.
Ngoài ra, chuỗi năm toạ đàm tôn vinh và nâng tầm gia vị Việt sẽ diễn ra trong các ngày lễ hội. Đây là dịp để để các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, chế biến thảo luận các chuyên đề có gắn với xu hướng mới của ẩm thực thế giới như loại gia vị nào tốt cho xu hướng coi trọng thực phẩm tốt cho miễn dịch, cho dinh dưỡng… hay các xu hướng thế giới về sử dụng gia vị chế biến thực phẩm, thảo dược hậu Covid.
Lễ hội được tổ chức bởi sự phối hợp của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu Lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Nước mắm truyền thống, Trung tâm Bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt Nam, và sẽ diễn ra từ ngày 28.4 đến 1.5.
* Trong khuôn khổ buổi họp báo cũng đã diễn ra tọa đàm “Kinh tế gia vị từ góc nhìn nhà kinh doanh”. Các chuyên gia, diễn giả đã cùng phân tích, chia sẻ những nội dung liên quan đến thị trường gia vị với cuộc chiến của những doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời nhận định về xu hướng cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp nội, đặc biệt là một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Theo đó, ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới. Với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học để tạo ra được những sản phẩm gia vị chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân nhiều khu vực trên thế giới, đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành gia vị và hương liệu của Việt Nam. Hoạt động này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp trong ngành gia vị và hương liệu đi qua thời kỳ khó khăn và phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, tăng cường các sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, các diễn giả cũng dành nhiều thời gian để đánh giá về thực tế là gia vị Việt chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên giá bán chưa thể tương xứng với giá trị cũng được đưa ra phân tích, thảo luận. Để thay đổi hiện trạng này thì phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi từng thương nhân và tất cả thương nhân cùng ý thức xây dựng. Trong đó doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình để tăng vị thế, uy tín của doanh nghiệp.
Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp của mình, ông Nguyễn Trung Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dh Foods, cho biết doanh nghiệp của ông chuẩn bị xuất khẩu qua Nhật Bản một container mắm ruốc và nước mắm sả ớt (khoảng 2.600 thùng) để thăm dò thị trường. Đây là mặt hàng mới, còn các sản phẩm như muối ớt vẫn xuất đều với mức tăng trưởng của riêng thị trường này là 20%/năm. Đại diện Phúc Sinh Group và Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà – Phú Quốc cũng chia sẻ những thông tin khá tích cực về việc đưa các sản phẩm gia vị Việt là hồ tiêu và nước mắm truyền thống ra nước ngoài trong những năm qua, và hiện nay đang tập trung hơn vào thị trường trong nước.
Điểm mấu chốt để tạo nên thành công đó, chính là phát huy giá trị đặc biệt của gia vị Việt, việc đầu tư nghiêm túc vào chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật quốc tế. Theo Tổng Giám đốc Dh Foods với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học để tạo ra được những sản phẩm gia vị chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới.
“Việt Nam có thể làm được nhiều loại gia vị ngon mà thị trường, đặc biệt thị trường phương Tây người ta rất chuộng sản phẩm vùng miền vì vậy chúng ta phải biết tận dụng, phát huy lợi thế này. Sản phẩm cần thể hiện rõ dấu chỉ địa lý, sản xuất được quy trình công nghiệp, không hoá chất, hương liệu. Phải đầu tư vào chất lượng thay vì chỉ quan tâm đến số lượng. Đó chính là tương lai gia vị Việt Nam”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho biết thị trường gia vị tại Việt Nam tưởng nhỏ nhưng khi được đầu tư bài bản thì doanh nghiệp có thể dễ dàng kiếm cả trăm tỷ đồng mỗi năm chỉ từ việc bán lọ muối hay gói xốt cho các bà nội trợ. Chính bởi sự hấp dẫn của thị trường này, trong thời gian qua có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Đây là thị trường cạnh tranh có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động.
Nhận định của Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao khiến nhiều người phải lưu tâm. Bởi, theo một số liệu công bố bởi Fortune Business Insights, thị trường gia vị và gia vị toàn cầu (gia vị qua chế biến, xuất chính ngạch) đạt giá trị 17,75 tỷ USD vào năm 2021.
Thị trường dự kiến sẽ tăng từ 18,47 tỷ USD vào năm 2022 lên 25,42 tỷ USD vào năm 2029.
“Nếu ai có theo dõi thị trường gia vị thì sẽ thấy những tháng liên tiếp nhau thời gian qua, tương ớt của công ty này vượt lên, sau đó vài tháng lại có công ty kia vượt lên. Điều này cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Nó cũng cho thấy sự lớn mạnh của thị trường gia vị của Việt Nam”, bà Vũ Kim Hạnh dẫn chứng.
Chương trình Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt 2022
Lễ hội sẽ diễn ra từ 28-4 đến 1-5-2022 tại Khu hoạt động cộng đồng của Toà nhà 81 tầng – LandMark 81 – Vinhome Central Park (722 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Ngày 28-4:
- 9g: Biểu diễn Món ngon Xứ Nẫu (Đầu bếp Nguyễn Văn Bông – Bình Định, Phú Yên)
- 14g: Chia sẻ của Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Công ty Trí Việt Phát: “Mê & xuất khẩu thành công gia vị Việt”.
- 16g: Biểu diễn món ăn Đông Nam bộ – Gà nướng sầu riêng (Đầu bếp Trần Ngọc Nghĩa, Á quân Chiếc thìa vàng 2013)
- 18g30: Lễ Khai mạc – CS Nguyễn Phi Hùng biểu diễn và hướng dẫn làm món Bún mắm.
Khu Ngôi nhà Gia vị: Các talkshow và Giao lưu- Triển lãm gia vị – Cooking show – Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc sắc.
Ngày 29-4:
- 8g30 – 9g30: Ông Nguyễn Trung Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Dh Foods, chia sẻ hành trình đi tìm gia vị và bước phát triển chuỗi gia vị của Dh Foods.
- 10g – 11g30 Biểu diễn và hướng dẫn làm món Pate gan và Tôm lăn bột chiên giòn với sốt Kim Quất (Đầu bếp Trần Ngọc Nghĩa)
- 14g00 – 15g30: Tư vấn Xây dựng tiêu chuẩn cho DN ( Chuẩn hội nhập)
- 16g00 – 17g00: Biểu diễn và hướng dẫn làm Món – Bún mắm Nam bộ – (Nghệ sĩ Xuân Hương).
Ngày 30-4:
- 9g đến 10g30: Giao lưu với 3 “truyền nhân” xuất sắc của các công ty nước mắm truyền thống uy tín.
- 10g30 đến 11g30: Gặp gỡ nữ đạo diễn Yến Trinh của loạt phim “Giọt mật của biển”.
- 14g – 16g00: Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm: Hành trình phát triển Gia vị Việt của group doanh nghiệp “Chợ nhỏ an lành” của tỉnh Thanh Hóa.
- 17g00: Món ăn Bắc Trung Bộ : Bún thang lươn Hưng Yên (Đầu bếp Nguyễn Đức Văn Vũ – Bếp trưởng Nhà hàng Dì Mai – TP.HCM).
Ngày 1-5:
- 8g30 đến 10g00: Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm Hành trình phát triển gia vị Việt của nhóm doanh nghiệp “Phiên chợ xanh – Tử tế)
- 10g – 11g: Hướng dẫn làm món Xôi ngũ sắc ăn kèm muối vừng (Đầu bếp Trần Cường Thịnh).
- 14g – 16g00: Tư vấn Xây dựng tiêu chuẩn cho DN (Chuẩn hội nhập)
- 17g00: Biểu diễn và hướng dẫn làm món ăn vùng Đông – Tây Bắc “Pa pỉnh tộp”: cá nướng gắp tre của người dân tộc Thái (ông Bùi Công Thành – Giảng viên Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist – STHC).
Khu sân khấu chính (từ 19 giờ – 21 giờ) thường xuyên chiếu các phim về nước mắm, hành trình sưu tầm gia vị của các doanh nghiệp, đơn vị tại các địa phương và game show tìm hiểu về gia vị.