Giáo sư dinh dưỡng Monica Auslander Moreno, Đại học Miami, Hoa Kỳ, chia sẻ: “Gia vị và thảo mộc làm cho món ăn ngon hơn đồng thời giúp tăng cường sức khỏe. Bạn hãy thường xuyên chế biến món ăn với gia vị và thảo mộc, và nếu có thể, hãy sử dụng nhiều loại cùng một lúc”.
Các loại thảo mộc như húng quế và gia vị như quế thường được làm từ hạt, vỏ hoặc rễ cây. Chúng được sử dụng để tăng hương vị cho món ăn và chứa nhiều hợp chất lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Nhiều loại thảo mộc và gia vị có thể kháng viêm và giảm sự tổn hại của các tế bào trong cơ thể. Mỗi loại đều chứa nhiều phytochemical, những hóa chất thực vật lành mạnh cho sức khỏe. Theo chuyên gia dinh dưỡng Adrienne Youdin, Đại học Y khoa David Geffen, Hoa Kỳ: “Thêm gia vị và thảo mộc vào món ăn còn giúp bạn giảm bớt các thành phần không lành mạnh như muối, đường và chất béo”.
Bạch đậu khấu
Loại gia vị ngọt và cay nồng này giúp làm dịu cảm giác khó chịu của dạ dày và có tác dụng kháng viêm. Đặc biệt, bạch đậu khấu chứa nhiều chất khoáng tốt cho sức khỏe như kẽm và magiê.
Ớt
Ớt tươi, khô hoặc dạng bột đều làm tăng hương vị của món ăn, tăng cường sự trao đổi chất và làm khỏe các mạch máu.
Quế
Quế chứa ít calo và không có chất đường. Bạn có thể dùng bột quế chung với cà phê và nước trà. Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy quế có thể kháng viêm, chống lại các gốc tự do gây hại tế bào và kháng khuẩn. “Một số nghiên cứu còn phát hiện quế có thể giảm lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường hoặc có khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại không đồng ý với quan điểm này bởi quế có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh nhưng không phải là phương pháp để chữa bệnh tiểu đường”, GS Moreno giải thích.
Cacao
Cacao có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Trong hạt cacao chứa nhiều flavonoid, chất kháng oxy hóa được chứng minh giúp tăng cường sức khỏe của tim. Flavonoid đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng cholesterol và áp lực máu, duy trì sức khỏe các động mạch vành.
Thìa là Ai Cập
Loại gia vị này được sử dụng trên toàn thế giới, là gia vị quen thuộc trong các món ăn của Ấn Độ, chứa nhiều chất sắt. Thìa là còn giúp giảm cân: một nghiên cứu trên 88 phụ nữ thừa cân cho thấy những người ăn một muỗng cà phê thìa là mỗi ngày giúp giảm mỡ và cân nặng nhiều hơn so với cùng chế độ ăn kiêng, ít calo không thêm thìa là.
Tỏi
Hợp chất allicin của tỏi làm giảm bệnh tim. Thường xuyên ăn tỏi giúp giảm cholesterol và cao huyết áp. Để tăng hiệu quả chữa bệnh của tỏi, khi ăn hãy cắt hoặc nghiền nát tỏi vì chất allicin chỉ được hình thành sau khi các tế bào tỏi đã được cắt hoặc nghiền nát.
- Xem thêm: Rau húng quế – gia vị tốt cho sức khỏe
Gừng
Gừng làm giảm cảm giác khó chịu của dạ dày nhờ làm dịu thành của hệ tiêu hóa và giảm buồn nôn. Gừng có đặc tính kháng viêm và kháng oxy hóa, đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh như ung thư.
Hương thảo
Hương thảo chứa nhiều chất kháng oxy hóa, ngăn ngừa sự tổn thương của các tế bào. Mùi hương thảo cũng tốt cho sức khỏe. Những người ngửi mùi hương thảo có khả năng thực hiện tốt các bài kiểm tra trí nhớ và các công việc về tinh thần khác so với những người không ngửi. Có thể do những hợp chất gọi là 1,8-cineole tìm thấy trong hương thảo đã làm tăng hoạt động của não.
Nghệ
Loại gia vị màu vàng này chứa nhiều chất kháng oxy hóa curcumin, giúp kháng viêm rất hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy curcumin có thể làm dịu cơn đau. Thường xuyên ăn một ít nghệ có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh Alzheimer, vì giúp ngăn ngừa các mảng bám dẫn đến chứng mất trí nhớ.