Chỉ với 27 tác phẩm khổ nhỏ, phòng tranh “Flex” (*) của nữ họa sĩ người Mỹ Heather McClellan tại gallery Nguyên Art (31A Văn Miếu, Hà Nội, từ 18-4 đến 26-4) đã gây ấn tượng đậm nét với người thưởng ngoạn không chỉ bởi tác giả đã nắm khá vững kỹ thuật sơn mài Việt mà còn bởi những gì bà trải lòng và đồng cảm với các nguyên mẫu của mình.
Heather McClellan mới chỉ được làm quen với chất liệu sơn mài hơn một năm nay nhưng bà đã cho thấy sự chắc tay về kỹ thuật, thậm chí còn dám bứt khỏi những quy ước truyền thống về sơn mài. Tranh của bà không mang vẻ mượt mà, lóng lánh với những ánh bạc, ánh vàng hay nổi bật lên với vỏ trứng, xà cừ… như thường thấy trong tranh sơn mài truyền thống Việt Nam, thay vào đó là những mảng màu đa dạng và rất thực – từ nếp nhăn trên mặt, trên mắt cho đến màu da của những phụ nữở độ tuổi khác nhau, cho thấy sự tinh tế cả về mặt tạo hình cũng như cách dùng màu. Những chân dung bà Chiêm, bà Ba, bà Nụ, bà Cải, bà Lài, bà Nghiễm… hay chị Gái, chị Yến, cô Thúy hàng rong… mang đến cho người xem cảm xúc thật đặc biệt bởi sự chân tình, gần gũi của tác giả đối với các nhân vật trong đời thực nhưng đã được thăng hoa, tôn vinh trong tác phẩm.
Có thể nói chân dung những phụ nữ Việt Nam là mảng đề tài chính trong triển lãm “Flex”, chiếm gần một nửa số tranh được trưng bày, phần lớn số còn lại Heather McClellan vẽ những trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam qua hình ảnh của chính mình và những đứa con. Những tên tranh ở phần này như Nữ chúa và những thiên thần, Nữ thần sâu thẳm, Vai diễn hai mặt, Đánh đu, Bùng cháy, Sự thay đổi, Gợn trăng… cho thấy họa sĩ đã rất chú trọng đến cảm xúc khi sáng tạo. Điều đáng ngạc nhiên là toàn bộ 27 bức tranh trong triển lãm đã được Heather McClellan sáng tác chỉ trong vòng hơn ba tháng trở lại đây. Riêng bức Herr Klimt(Ngài Klimt) được bà dành tặng riêng cho chồng mình. Dễ nhận thấy Heather McClellan đã vẽ bức tranh này theo tinh thần tác phẩm Nụ hôn nổi tiếng của Gustav Klimt (họa sĩ người Áo, 1862-1918), nhưng đôi nhân vật trong Herr Klimt chính là vợ chồng nữ họa sĩ và đây là cách Heather McClellan bày tỏ tình yêu vô hạn của mình đối với người bạn đời. Herr Klimt cũng rực rỡ màu sắc và bố cục giống như Nụ hôn, nhưng dường như có gì đó nồng nhiệt hơn…
Theo Heather McClellan, toàn bộ các tác phẩm trong triển lãm Flex đều được lấy cảm hứng từ Việt Nam, kể cả những bức thể hiện những ngẫm ngợi riêng của bà cũng được “thai nghén” từ cuộc sống mới ở Việt Nam. Giám đốc điều hành Lê Xuân Hương của gallery Nguyên Art cho biết: “Ngay ngày đầu khi liên lạc với Heather McClellan về triển lãm tranh sơn mài của cô tại Nguyên Art, tôi hơi băn khoăn chút về chất lượng tranh của một họa sĩ mới học vẽ sơn mài và đặc biệt lại là một họa sĩ nước ngoài. Khi cô chuyển cho tôi một sốảnh, tôi thấy khá đẹp tuy nhiên vẫn chưa thực sự cảm nhận hết cái đẹp của các bức tranh đó… Và khi cô chuyển tranh đến gallery, tôi chỉ có thể nói “Tuyệt!”. Tôi thực sự ngạc nhiên vì kết quả làm việc của cô. Càng ngạc nhiên hơn vì 27 bức tranh sơn mài chỉ được vẽ trong thời gian khoảng ba tháng. Trong tranh của cô có hình bóng của những đứa trẻ con cô, những cô gái với mái tóc dài như lụa, những phụ nữ Việt Nam cô đã gặp, những người mà theo lời cô đã thôi thúc cô cần phải vẽ họ… Hai tầng triển lãm tranh của cô tại gallery Nguyên Art đã đưa người xem đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác…”.
Heather McClellan được đào tạo về đồ họa và vẽ minh họa tại Viện Nghệ thuật Cleveland, một trong những trường nghệ thuật và thiết kế hàng đầu tại Hoa Kỳ. Là một người yêu các chất liệu và phương pháp, vì thế công việc của Heather McClellan không ngừng dẫn dắt bà khám phá những kỹ thuật mới cũng như học hỏi các bậc thầy về nghề thủ công. Bà không chỉ thuần thục về các chất liệu truyền thống (mực, chì, pastel, sơn dầu và acrylic) mà còn sáng tác với các chất liệu và kỹ thuật đa dạng (chất liệu tổng hợp, in thạch bản, làm gốm, vẽ tranh tường khổ lớn…). Trước khi thực hiện loạt tranh sơn mài truyền thống Việt Nam, Heather McClellan thường vẽ với chất liệu sơn dầu. Vài năm trở lại đây, bà đã du hành qua nhiều đất nước với mong muốn được mô tả người phụ nữ ở các nền văn hóa khác nhau và để thử nghiệm hàng loạt kỹ thuật tạo hình khác nhau…
“Tôi cảm thấy hết sức hài lòng khi được trải nghiệm rất nhiều kỹ thuật, có lẽ vì sự mới lạ và do ước muốn được khám phá những kỹ thuật ấy, nhưng nhiều khả năng hơn là do sự không hoàn hảo mà chúng mang lại… Khi tôi buộc các kỹ năng của mình vào những khuôn mẫu mới không hoàn hảo, tôi cảm thấy choáng váng, bối rối và phấn khích – chính xác là phấn khích vì tôi không biết điều gì đang chờ đón mình. Với tôi, đấy mới là sáng tạo” (Heather McClellan)
(*)tạm dịch “một đoạn dây ngắn”, ở đây hàm nghĩa tác giả mới trải nghiệm chưa lâu kỹ thuật sơn mài Việt