Về miền tâm linh là chủ đề triển lãm mỹ thuật về sen với hơn 30 tác phẩm của ba họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, Trần Thùy Linh và Nguyễn Huy Khuê (Khuê Nguyễn) vừa diễn ra trong tháng 8-2018 tại Nhà Triển lãm TP.HCM. Nếu Nguyễn Thị Tâm, Trần Thùy Linh vốn là “khách quen” với làng hội họa thì Nguyễn Huy Khuê là một gương mặt còn khá mới.
Nguyễn Huy Khuê là con trai của lão họa sĩ Nguyễn Thị Tâm và đây là lần đầu tiên anh tham gia triển lãm cùng người mẹ nổi tiếng của mình. Chọn chất liệu tranh lụa – vốn là sở trường của mẹ, Nguyễn Như Khuê lại đi theo một hướng khác với những mô-típ quen thuộc lâu nay về sen. Những Bắt đầu từ tâm, Lối về, Dưỡng dục, Tâm, Tôi – chính tôi… không chỉ phảng phất chất thiền, chất hội họa hiện đại phương Tây qua các đóa sen rất Việt Nam, mang tính ẩn dụ cao, có sự phản tỉnh mà còn gây được ấn tượng với những bức tranh sen “không giống ai”. Bên cạnh những câu chuyện tâm linh, thiền-thở, anh cũng không ngần ngại lần đầu bộc lộ giới tính bản thân, như với bức Tôi – chính tôi – My self. Chúng tôi đã trò chuyện cùng anh về chủ đề này.
- Xem thêm: Phan Vũ: vẫn sáng tạo ở tuổi chín mươi
So với lần về nước triển lãm đầu tiên cách đây bảy năm, tranh của anh lần này dường như mang một thông điệp khác hẳn?
30 năm nay tôi mới vẽ lại tranh lụa. Đến cuối năm 2017, nước Úc nơi tôi định cư mới công nhận hôn nhân đồng giới, điều này giúp tôi mạnh dạn hơn khi thể hiện và công bố những bức tranh “đặc biệt” của mình. Đồng tính chỉ là yếu tố phụ, quan trọng là ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm. Tôi muốn tìm một lối thể hiện khác với tranh lụa và sen, dù biết rằng sẽ có những ý kiến khác nhau. Thời điểm này tôi đủ tự tin nói lên tâm tư của mình và chấp nhận những nhận xét không thuận tai.
Khi vẽ tranh lụa, anh cũng về Việt Nam triển lãm, hình như ở Úc tranh lụa chưa có thị trường?
Tranh lụa ở hải ngoại, cụ thể là ở Úc không được nhiều người biết đến. Tôi vẽ tranh để thỏa mãn đề tài mình thích, không đặt nặng chuyện bán được hay không. Thậm chí với bức tranh chính của đợt triển lãm này My self, tôi tin rằng sẽ khó có người mua nếu không gặp đúng người đồng cảm. Nhưng điều đó cũng không sao, thông điệp bức tranh được lan tỏa sẽ tốt hơn nhiều khi chỉ có một người sở hữu.
Ở Úc có nhiều người Việt sống được với hội họa không?
Ít lắm, gần như 80% đều sống bằng công việc khác. Đi giảng dạy, làm việc tại các công ty, thậm chí cả những công việc giản đơn như chùi rửa nhà vệ sinh. Phải đảm bảo cuộc sống thường ngày rồi mới vẽ theo ý mình được.
Có hay không một sự kỳ thị ngấm ngầm đối với người nghệ sĩ ở giới tính thứ ba?
Vẫn còn sự kỳ thị hoặc nghĩ không đúng về người đồng tính nói chung và nghệ sĩ đồng tính nói riêng. Tôi không muốn đấu tranh hay gửi thông điệp gì cao siêu thông qua tác phẩm của mình, mà chỉ muốn nói đơn giản rằng, hãy xem nhau như một con người và tôn trọng nhau, cho dù có thể không cùng tôn giáo hay nhiều vấn đề khác, kể cả giới tính. Người ta kỳ thị vì người ta không hiểu hoặc chưa hiểu. Và cũng có khi do mình đưa vấn đề muốn nói ra chưa đúng thời điểm. Thế cho nên cốt lõi của vấn đề là tình yêu thương, đừng để chuyện kỳ thị giới tính làm rào cản lẫn nhau.
Là họa sĩ đồng tính, hẳn là anh cũng chuẩn bị trước nhiều dư luận khác nhau?
Phải có nhiều người đứng lên nói tiếng nói của mình, dần dà mọi chuyện mới có thể chuyển biến tốt được. Ở Úc, người ta cũng phải đấu tranh bao lâu nay mới có được một số thay đổi bước đầu như thế.
Xin cảm ơn anh.
Họa sĩ Nguyễn Như Khuê, thạc sĩ mỹ thuật hiện sinh sống tại Úc, từng đoạt 11 giải thưởng về hội họa, chín giải thưởng về đồ họa. Đã có các triển lãm cá nhân Chuyển thể 2011 (Việt Nam), Săn tìm cảm giác Australia 2011, Không đầu Australia 2006.
Năm 2010, Khuê Nguyễn là người Úc gốc Việt đầu tiên được vào vòng chung kết của giải Archibald – một trong những giải thưởng lớn nhất tại Úc về tranh chân dung có lịch sử bắt đầu từ 1921. Năm 2018 vào chung kết giải Paul Guest Drawing Prize.
Là họa sĩ Việt đầu tiên công khai giới tính của mình và là một trong những người Việt đầu tiên tổ chức đám cưới đồng tính ở Úc.