Cần hỗ trợ theo đúng chức năng
Quay trở lại vấn đề hỗ trợ hay giải cứu doanh nghiệp, hiện nay dường như các biện pháp, dù là của cơ quan nào, cũng đều tập trung vào vấn đề lãi suất, việc tiếp cận vốn và hàng tồn kho. Liệu mọi doanh nghiệp đều bế tắc ở các khâu này sao? Và liệu bằng các biện pháp hành chính có thể giải quyết được bế tắc này sao?
Sự phá sản của nhiều doanh nghiệp là điều bình thường trong nền kinh tế thị trường nhưng nó sẽ trở nên không bình thường khi mà môi trường kinh doanh có nhiều biến động, cơ chế chính sách thiếu minh bạch, không lường trước được… Trong bối cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế, thiết nghĩ đây mới là điều quan trọng cần được tập trung giải quyết để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo cơ sở vững chắc để phát triển cả trong giai đoạn trước mắt và sau này.
Chẳng hạn như Bộ Công thương hà cớ gì lại nhảy vào chuyện lãi suất (là chuyện giữa ngân hàng với doanh nghiệp), hay chuyện hàng tồn kho (là chuyện bản thân doanh nghiệp phải giải quyết). Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, tốt nhất là các bộ, ngành đừng đặt ra thêm những quy định, những loại phí gây khó cho doanh nghiệp, đồng thời giải quyết những kiến nghị trước đây cho họ… là cũng đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn rồi. Thực vậy, một khi khả năng kiểm soát tình hình của các cơ quan quản lý chưa tốt, tiêu chí không minh bạch, rõ ràng thì đôi khi việc hỗ trợ chưa kịp phát huy mặt tích cực thì đã tạo cơ hội cho tiêu cực bùng phát,
Hoặc như chính quyền cấp thành phố, quận huyện thay vì cũng loay hoay tìm cách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, rồi cũng giúp giảm hàng tồn kho… sao không dành các nguồn lực đó để tìm ra những giải pháp đột phá về thủ tục hành chính, về quản lý trật tự đô thị, nâng cấp chất lượng sống của người dân… tức là đã giúp doanh nghiệp nhẹ hẳn một gánh lo.
Tương tự, Ngân hàng Nhà nước sao không tận dụng thời gian này để cải tổ triệt để hệ thống ngân hàng, xử lý tận gốc những nhà băng yếu kém để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng mà lại đi thúc đẩy “lòng tham” của cả doanh nghiệp lẫn giới ngân hàng bằng cách kêu gọi giảm lãi suất (mà nhiều ngân hàng xem đó như một mệnh lệnh hành chính) trong bối cảnh lạm phát rất có thể sẽ quay trở lại vào năm tới vì đầu tư công đang được nới lỏng (bình quân mỗi tháng sẽ chi 23.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ từ nay đến cuối năm).
Có lẽ, đây là lúc mà mọi thứ nên được đặt đúng với vị trí để chúng có thể phát huy tác dụng một cách tốt nhất. Có như vậy anh chạy xe ôm đã nêu ở đầu bài cũng có thể được hưởng những hỗ trợ từ phía nhà nước, thay vì chỉ biết ngậm ngùi và cầu mong điều kỳ diệu sẽ tới.
Phương Quỳnh
Ảnh Quý Hòa