Hò bài thai thường được chơi trong các phiên chợ Tết ngày trước ở Huế. Đây là cuộc chơi dựa theo những lá bài của bộ bài tới. Bộ bài này còn dùng để chơi các loại bài khác như bài ghế, bài nọc, bài phu, bài đôi và phổ biến nhất là bài chòi. Tên gọi và hình vẽ trên các lá bài rất lạ lùng và kỳ bí.
Có người cho là các hình vẽ này vừa mang dấu ấn của bùa chú, vừa phảng phất nét u uất của văn hóa Champa, lại vừa pha trộn những kiểu thức trang trí của người vùng cao. Cho đến nay xuất xứ của bộ bài tới cũng như tên gọi các lá bài chưa ai biết rõ, tuy nhiên hầu hết các tên gọi lá bài đều rất nôm na, bình dị. Nó được phổ biến nhiều từ Huế đến Bình Định, và có sự thay đổi chút ít về tên gọi các lá bài; nhưng nhìn chung một bộ bài thường có 30 cặp quân bài và được chia làm 3 pho, gồm pho văn, pho vạn, pho sách và 3 cặp yêu. Pho văn gồm các quân bài: gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn gồm các quân bài: trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy.
Pho sách gồm các quân bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp yêu gồm: ầm, tử, và tuyết.
Về cách chơi bài thai, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn trong một bài viết có nhan đề “Bài chòi và các trò chơi từ bộ bài tới” cho biết:
“So với chơi bài chòi, bài thai ít rộn rã hơn, nhưng cũng không kém phần thú vị. Ðây cũng là trò chơi mượn giọng hò làm phương tiện mua vui như bài chòi. Ðiệu hò này gọi là “hò thai”. Trò chơi do 1 người “cầm trịch” gọi là nhà cái. Nơi chơi bài thai thường là ở ngã tư giữa 2 lối xóm. Người tổ chức chơi đem 1 chiếc chiếu bông trải dưới bóng cây cổ thụ đầu xóm. Giữa chiếu có đặt 1 tấm giấy rộng, dán trên bìa cứng, kẻ 30 ô vuông. Trong mỗi ô vuông là 1 quân bài lấy từ một nửa bộ bài tới. Nhà cái giữ lại nửa kia, cũng 30 quân giống như những con bài trên ô vuông. Vào cuộc chơi, nhà cái bí mật đặt 1 quân bài vào 1 cái dĩa, lấy chén úp lên trên rồi bắt đầu hò. Câu hò có nội dung liên quan đến tên quân bài để người chơi theo đó mà đặt. Ðợi người chơi đặt xong, nhà cái mở cái chén, trình quân bài ra, giải thích ý nghĩa câu hò ứng với quân bài đã hò. Ai đoán trúng sẽ được số tiền thưởng gấp 8 lần số tiền đã đặt. Nếu sai số tiền đó thuộc về nhà cái.
Cái hay của hò bài thai là ở những câu hò, tuy ứng tác nhưng rất thâm trầm, ý nhị khiến người chơi phải có trí thông minh, biết xét đoán câu hò để đặt cho trúng. Mỗi quân bài phải được chuẩn bị vài ba câu hò khác nhau để đánh đố người chơi, song chúng phải hợp lý khi giải thích cho tên của quân bài.”
Thai trong hò bài thai là một từ Hán Việt có nghĩa là ngờ, là phán đoán. Một câu thai cũng có nghĩa là một câu đố. Hò bài thai là dùng một câu hò có trong những điệu hò Huế, tuy nhiên, xét về nhạc tính của hò thì hò bài thai có ít nhiều nét khác biệt với các loại hò khác.
Thông thường, trong câu hò mái nhì hay câu hò giã gạo, ít nhất phải có hai người; một người kể và một người xô mà người Huế gọi là “đâm” và “bắt”. Hò bài thai thì chỉ có một người. Nội dung của những câu trong hò bài thai ít phản ánh trung thực công việc và liên hệ đến cuộc sống, những câu hò ở đây như là một cách nói thơ bằng hò nhằm “quyến rũ” thính giác người nghe. Người chơi vừa thưởng thức giọng hò, nhưng lại vừa tính toán để chứng minh sự suy đoán bằng những cách suy luận có lý! Đối với người hò, họ không chỉ giúp người chơi “ham vui quên mệt” sau thời gian lao động mệt nhọc, mà còn giúp người chơi giải tên những lá bài trong bộ bài tới mà họ muốn cho người chơi nghe, lựa chọn, đoán định để đặt vào một ít tiền, cầu chút may mắn trong những ngày đầu năm mới.
Ví dụ như muốn nói tên con gối, nhà cái thường hò câu:
Đêm nằm gối gấm không êm,
Gối lụa không mềm bằng gối tay em…
Hoặc khi chỉ lá bài liễu, nhà cái sẽ hò:
Thiếp đừng nhắc cảnh gia đình mà trăm hờn ngàn giận.
Chàng ra đi cũng muốn lui về thăm con viếng vợ, nhưng chàng về chưa được vì mặt trận đương dàn.
Em ở nhà nuôi thầy dưỡng mẹ, cứ tạm gác một thời gian. Ðợi ngày quân thù rút hết, nước lặng thành yên chàng về…
Câu hò này nói về nỗi day dứt của kẻ chinh phu vì không gánh vác việc nhà, để người vợ nơi hậu phương phải đem thân “bồ liễu” đảm đương việc gia đình. Nhà cái đã mượn chữ bồ liễu thường dùng để chỉ phận nữ nhi.
Hay như khi chỉ quân bài xơ, câu hò là:
Thương nhớ dạng chồng ruột như tơ vày một trăm múi, chàng ra đi em nuôi thầy dưỡng mẹ, em cứ nguyện một lòng vô cúi ra lòn.
Thương khuyên cùng chàng đừng có ham chơi chốn gác tía lầu son.
Nhớ cảnh quê nhà làm thuê cắt mướn chớ để vợ con tồi tàn…
Câu hò nói đến cảnh bần hàn, xơ xác của một gia cảnh có chồng ham rượu chè, đàn đúm, tức ám chỉ lá bài xơ. Có khi với câu hò này, người hò lại giải ra thành con bài khác, như con quăng chẳng hạn. Hơn nữa, đối với người hò bài thai, nếu trong một câu hò mà một lúc có thể dễ dàng nói lên được hai, ba hay bốn con bài khác nhau thì càng tốt, vì dễ lôi cuốn thêm được nhiều người đặt tiền vào nhiều chỗ khác nhau. Chẳng hạn câu hò sau đây người chơi có thể đoán là con trường hai, con trường ba, con thầy, con trò... đều được cả:
Anh đi thi trường nhất anh đậu, trường nhì anh cũng đậu,
Bước qua trường ba nghe phèng la đánh cái phèng.
Ôi thôi rồi! Uổng công thầy mẹ lo chạy sách đèn bấy lâu…!
Cũng nhờ sự hấp dẫn của những câu hò trí tuệ như thế nên đám bài thai không mấy lúc thưa người!
Có thể nói rằng đây là một hình thức “đố vui” khá lý thú. Trong cuộc đố vui này, nếu nhà cái đã dùng những âm thanh tình cảm để mời gọi nhà con, thì ngược lại nhà cái có quyền hạn khá rộng để tùy nghi trong việc lý giải câu thai theo ý hướng mình muốn. Gặp câu hò hay, lại xứng tình xứng cảnh với lá bài thai, thì nhà con dẫu có thua cũng xuýt xoa gật đầu tán thưởng. Trái lại, khi nhà cái giải thích câu hò mà nhà con thấy có vẻ gượng ép đối với lá bài thì nhà con cũng đành lắc đầu chấp nhận, xem như mình đã bỏ tiền ra “mua” lấy câu hò mình chưa biết hay chưa được nghe giải thích!
Nhà cái phải chọn lựa trong số hàng trăm câu hò để tìm ra những câu có thể đố về tên quân bài. Đó là những câu có vần điệu xuất hiện đã lâu, hoặc có thể do người chơi sáng tác, phần nhiều được phổ biến trong nhi đồng, có khi cả người lớn. Các câu hò được chọn thường có tình ý kín đáo, tế nhị, lời lẽ bóng bẩy nhẹ nhàng. Sau đây là những câu hò thường được dùng trong hò bài thai ở Huế:
- Đi mô ôm sách đi hoài,
Cử nhân không phải, tú tài cũng không! (thường được giải là con trò) - Một em chối không, hai em cũng chối không,
Hôm qua thấy ở bờ sông đến hai người! (được giải là con tứ cẳng) - Chưa quen đi lại cho quen,
Tuy rằng cửa đóng nhưng mà then không cài.
Năng mưa thì giếng năng đầy,
Anh năng qua lại thì thầy mẹ thương. (giải là con tám dây) - Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nước đục mưa trong.
Đôi ta như chỉ lộn vòng,
Đẹp duyên thì có đẹp nhưng tơ hồng không xe! (giải là con trường hai) - Giêng hai thì tam túc yêu lượng
Ba bốn thì sĩ tượng pháo xe
Cơ chi thiếp nói mà chàng biết chịu nghe
Thì có mô chừ bưng nón gạo, tay ôm bó củi nè đã tội chưa…! (giải thích là con nghèo)
Như đã nói hò bài thai là thú tiêu khiển thanh nhã của người Huế bình dân. Nếu thả thơ, đánh thơ là một cuộc chơi thanh nhã của giới tao nhân mặc khách thì hò bài thai, chơi bài thai lại là thú tiêu khiển tương tự của người bình dân xứ này. Nó chứa đựng không ít tính văn nghệ trong việc thưởng thức âm thanh của giọng hò, trong việc cảm thông với ý tình của nghệ sĩ qua những câu hò lý thú.
Người Huế trong xã hội thời trước nghe hò và chơi bài thai không chỉ là giải trí, mà còn là dịp được thưởng thức một thú vui thanh nhã. Rất tiếc, do thú chơi này từ rất lâu đã không tồn tại, vì thế dù đã cố gắng để nhờ các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huế tìm một tấm hình hò bài thai minh họa cho bài viết này, nhưng điều đó là không thể vì tất cả đã đi vào quá khứ…!