Bạn có thể không phải là fan của các rappers hay chưa thuộc được nhiều bài rap, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng văn hoá Hip-hop đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thẩm mĩ và tinh thần của chúng ta mỗi ngày. Trỗi dậy và vươn tầm ảnh hưởng từ Tây sang Đông, Hip-hop không chỉ dừng ở khuôn khổ một loại hình âm nhạc, mà đã trở thành một “cuộc cách mạng” tạo ra một nền văn hoá đặc sắc.
Hip-hop: từ âm nhạc đến vũ trụ nghệ thuật
Hip-hop không chỉ là tên của một loại hình âm nhạc mà được nhắc đến với vai trò một cuộc cách mạng văn hoá bởi nó bao gồm nhiều khía cạnh nghệ thuật khác nhau hội tụ. Bốn cột trụ hiện tại của văn hoá hip-hop là DJ/Turntable, MC/Rapping, B-Boy/Breaking và Visual/Graffiti Art. Dù là thể hiện qua âm nhạc điện tử hay qua lời rap, qua chuyển động cơ thể hay các bức tranh, năng lượng của hip-hop vẫn thống nhất ở một tinh thần chung: vừa bùng nổ, vừa rất đời, dễ cảm nhận và dễ truyền cảm hứng. Nghệ sĩ KRS One đã từng kết luận rằng “Rap is something you do, hip-hop is something you live” tạm dịch có nghĩa là Rap là việc bạn làm, còn hip-hop là cách mà bạn sống.
Từ bốn trụ cột nghệ thuật ban đầu này, hip-hop đã tạo thành một trào lưu văn hoá lan toả khắp hành tinh, ảnh hưởng vào âm nhạc, bài hits, các nhóm nhạc, lễ hội âm nhạc đương đại và cả thời trang. Và nhiều lĩnh vực khác ghi nhận sự ảnh hưởng của hip-hop như công nghệ làm nhạc, nghệ thuật, gỉải trí, ngôn ngữ, vũ đạo, chính trị, truyền thông,…
Vậy hip-hop đã bắt đầu như thế nào?
Hip-hop được cho là nhen nhóm từ khu vực Bronx, New York đầu thập niên 70s, xuất phát từ nhu cầu của những người da màu muốn thông qua âm nhạc để nói về những mặt trái của xã hội, từ thời kì suy thoái hậu công nghiệp, bê bối chính trị. Sự sụp đổ của kinh tế do hệ quả của ngành sản xuất suy giảm tại New York, đã tạo nên làn sóng di cư của cộng đồng da trắng trung lưu chuyển ra ngoại ô sống. Điều này đã khiến cho các khu dân cư đông người Mĩ gốc Phi, gốc Puerto Rico, Caribe trở nên khó khăn, tội phạm, băng nhóm, bạo lực và đói nghèo cũng gia tăng. Rất nhiều các cửa hàng và công ty phải đóng cửa, các phương tiện và khu giải trí cũng mất đi. Những toà nhà bị bỏ hoang và các bãi gửi xe vô tình trở thành nơi tụ hộp và tổ chức các “Block parties” – những bữa tiệc đường phố – nơi đã khai sinh ra những nền móng đầu tiên của hip-hop. Các DJs và các MCs tự mang loa của họ biểu diễn. Các khoảng sân trở thành sân khấu cho các vũ công break-dancers và các bức tường gạch lớn của các toà nhà bỏ hoang là những tấm toan cho các tác phẩm Graffiti. Sinh ra trong sự bất mãn, giận dữ, thời kì khó khăn, làn sóng hip-hop đời đầu này là liều thuốc rất cần thiết cho xã hội, dồn năng lượng tiêu cực vào sự sáng tạo, dùng âm nhạc, hội hoạ và vũ đạo để giải phóng bạo lực.
Hip-hop khởi đầu ngay tại địa chỉ 1520 Sedgwick Avenue, Bronx, New York nơi mà năm 1973, DJ Kool Herc – một trong “tam thánh” của hip-hop – đã tổ chức “bữa tiệc hip-hop đầu tiên”. Kool Herc đã lăng xê kĩ thuật DJ breakbeat – thường thấy trong âm nhạc thời đó của người Jamaica vào cùng với funk, soul. Với 2 bàn xoay đĩa, Kool Herc đã tạo ra kĩ thuật mà ông tự gọi The Merry-Go-Round, mix từ hai bản nhạc khác nhau và biến đổi liên tục, xen vào đó là các đoạn nghỉ. Những “breakbeats” mở rộng này đã khuấy động không khí, và khán giả tạo thành một vòng tròn nơi mà các break-dancers biểu diễn, những người được Kool Herc đặt tên là B-Boys và B-Girls, sau này trở thành một làn sóng văn hoá lan toả khắp thế giới. Kool Herc cũng hay nói theo nhịp điệu và chơi chữ cùng lúc với chơi nhạc để kích thích đám đông, và cách gieo vần này đã tạo nên nền móng cơ bản của Rapping, nguồn gốc từ truyền thống nâng ly chúc mừng trong văn hoá Jamaica. Coke La Rock, bạn của Kool Herc đảm nhiệm phần mic trong các bữa tiệc để ông tập trung DJs, cũng là MCs đầu tiên của hip-hop.
Hip-hop: từ đường phố New York đến văn hóa của toàn cầu
Giữa thập niên 80 và trong suốt thập niên 90 là thời kì hoàng kim của hip-hop. Hip-hop thu hút lượng khán giả lớn bởi đây là một hình thức giải trí với lời nói gần gũi, dễ hiểu, các vấn đề thực tiễn, âm nhạc giàu năng lượng, cộng hưởng từ đám đông, giải toả bức xúc một cách lành mạnh. Những nhà đầu tư đã sớm nhận ra tiềm năng của hip-hop và ủng hộ lượng tiền lớn vào chuyển động này. Những nhãn hiệu độc lập như Tommy Boy, Prism Records và Def Jam thu về thành công ngoài mong đợi. Bản nhạc Grandmaster Flash năm 1981 The Adventures Of Grandmaster Flash And The Wheels Of Steel là bản phát hành đầu tiên hoàn toàn từ các nhạc cụ lấy mẫu, và nó đã mở đầu cho một cuộc cách mạng sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc.
Khi đó không có luật nào cấm khai thác nên các nghệ sĩ thoải mái sử dụng các đoạn nhạc mẫu từ jazz, rock để phát triển. Đầu thập niên 70s, hầu hết các bài hát rap đều là những bản “hợp ca vui vẻ” của bữa tiệc, chứa đầy những lời “khoe khoang” về kỹ năng gieo vần, thì bản thu “The Message” của Grandmaster Flash và The Furious Five năm 1982 lại mang đến bước ngoặt. Với những câu rap đậm chủ nghĩa hiện thực xã hội, “The Message” đã vẽ nên bức chân dung sống động, thực tế đến đáng sợ và thương cảm về cuộc sống khó khăn trên đường phố trong 7 phút. Bài hát đã chứng minh rằng hip-hop có thể nghiêm túc như rock và là một phương tiện mạnh mẽ để bình luận xã hội, chính trị, theo cách nói của Grandmaster Flash, là “một cánh cửa dẫn vào thành thị nước Mỹ”. Bản thu đã gây chấn động truyền thông và đem đến những cái nhìn nghiêm túc hơn cho hip-hop. Hip-hop chính là năng lượng, động lực và trở thành chiếc chìa khóa của sự nâng cao và nhận biết cùng với một lăng kính thực tế hơn nhưng vẫn rất ‘nghệ’.
Làn sóng các rappers thời đại mới giúp lan toả hip-hop. Họ phối rap với hard rock, hợp tác với các đỉnh cao gạo cội của các dòng nhạc khác để ra các đĩa đơn chiếm sóng các nhà đài và MTV. Không chỉ ngừng ở âm nhạc, thời trang của hip-hop cũng trở thành xu thế. Những lời rap, các cụm từ lóng được sinh ra, ví dụ như từ “Bling” hay “Fo’ shizzle” được ghi vào từ điển Oxford.
Về sau khi luật hạn chế việc sử dụng các đoạn nhạc mẫu, các nghệ sĩ hip-hop sáng tạo hơn nữa trong việc viết ra những âm thanh riêng của họ và cột mốc này đã khiến cho hip-hop càng bung nở. Hip-hop vô cùng ăn khách vào cuối thập niên 90s với các phong cách đặc trưng vùng miền làm tăng tính cạnh tranh giữa các nghệ sĩ mới như N.W.A., Dr. Dre, Tupac Shakur, Snoop Dog, the Notorious B.I.G., hay Jay-Z. Vào cuối thế kỉ, hip-hop đã kịp có vị thế quan trọng trong các loại hình âm nhạc ăn khách, bên cạnh nhạc Pop và nhạc điện tử. Đến đầu những năm 2000, âm nhạc đại chúng ít nhiều bị hip-hop thống trị. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Ice Cube, Queen Latifah, Pharell William, Jay Z, Kanye West và Will Smith đã trở thành những ‘ông trùm’ có sức ảnh hưởng đến xã hội, lấn sân sang các ngành công nghiệp khác như thời trang, Hollywood và thành lập thương hiệu riêng của họ, trở thành những người kinh doanh thành đạt.
Đối với những người da màu, hip-hop là một điều kì diệu. Từ sự yếu thế thiệt thòi trong xã hội, họ đã dùng văn hoá và nghệ thuật của riêng mình để sáng tạo và lan toả sức ảnh hưởng. Nghệ sĩ của họ đi lên từ đường phố nay đã có thể bán sáng tạo để kiếm sống chân chính được và thành công trong các đế chế tỉ đô. Đối với các khán giả ở trên thế giới, hip-hop thuyết phục họ bởi những bản nhạc mang năng lượng lớn, trang phục xoá nhoà các ranh giới về đẳng cấp kiểu cũ, tinh thần tự do và cả sự vui mừng, tôn trọng dành cho những người bạn da màu đã viết nên giấc mơ đường phố riêng của họ. Ngày nay văn hoá hip-hop không phân biệt độ tuổi, giới tính, màu da, tôn giáo hay địa vị xã hội, nó được yêu thích và trở thành một phần rất lớn trong thẩm mĩ của thời đại.
Graffiti – một trong 4 cột trụ chính của Hip-hop
Grafftiti xuất hiện lần đầu ở New York cũng vào những năm 1970, tuy nhiên lúc này vẫn chưa được coi là một hình thức thuộc văn hóa hip-hop. Nghệ sĩ Graffiti sử dụng những bình sơn xịt, bút marker để tạo những bức vẽ mang đậm tính cá nhân trên các bức tường, tàu điện ngầm, ô tô,… Graffiti còn có tên gọi khác là Art Crimes (mỹ thuật tội lỗi) bới nó còn gây nhiều tranh cãi liệu có phải đang gây mất thẩm mỹ và phá hoại cảnh quan công cộng hay không. Cuối những năm 1980, những người tiên phong của hip-hop cho rằng văn hóa thanh niên thành thị là phải “sôi động, biến đổi và cấp tiến”. Cùng lúc đó, Graffiti hiện đại, mang tính cách mạng, theo chủ nghĩa táo bạo như hip-hop, đã trở thành hình thức nghệ thuật thị giác chính thức của hip-hop. Graffiti, rap, breakdance, DJ thực sự là những kết tinh của cùng một thực tế. Dần dần, vào giữa những năm 1980, các nghệ sĩ ở New York như Keith Haring và Jean-Michel Basquiat trình làng những bức vẽ Graffiti trứ danh, bộ môn này bắt đầu được công chúng nhìn nhận nghiêm túc hơn.
Graffiti dường như bùng nổ khi bước vào thế kỷ 21, đặc biệt là với các nghệ sĩ đường phố đã bắt đầu hành trình graffiti của họ từ những năm 1990. Vào cuối thế kỷ 20, Shepard Fairey và Banksy là hai nghệ sĩ đã thay đổi bộ mặt của nghệ thuật đường phố.
Giờ đây, nghệ thuật graffiti đã có mặt trên toàn thế giới. Rất nhiều nghệ sĩ graffiti mạo hiểm sự an toàn của họ để sáng tạo nghệ thuật vì nó vẫn còn là hình thức bất hợp pháp ở một số quốc gia. Một số chủ đề trong nghệ thuật của họ bao gồm sự bất công, khoảng cách giàu nghèo và vi phạm nhân quyền. Đôi khi, nghệ thuật graffiti mang đến những vấn đề chính trị và xã hội cho một lượng lớn khán giả hoặc đơn giản nghệ thuật graffiti giải trí cho người xem và trang trí các bức tường thành phố.
Cyril Kongo – đại diện tiêu biểu cho Graffiti hiện đại
Nếu trong âm nhạc các nhà sản xuất, nhãn đĩa, DJs, rappers đã xuất sắc đưa hip-hop lên vị thế top 3 loại hình âm nhạc ăn khách nhất các bảng xếp hạng đương đại, thì trong hội hoạ, có những nghệ sĩ đường phố trong thế kỷ 20 đã bắt đầu nỗ lực đưa graffiti vào thế giới của các phòng trưng bày như Keith Haring và Jean-Michel Basquiat. Nhưng phải đến đầu thế kỷ 21, các nghệ sĩ đường phố mới dần có chỗ đứng trong lãnh địa này, trong đó Cyril Kongo là một cái tên tiêu biểu. Thuộc thế hệ những nghệ sĩ graffiti đời đầu tại Pháp, Kongo luôn nỗ lực tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng đưa graffiti vượt ra khỏi cái nhìn khắt khe của giới nghệ thuật, trở thành một môn nghệ thuật được công nhận.
Kongo bắt đầu tiếp xúc Graffiti khi sống tại Congo (1975-1976), đất nước có tinh thần rất lạc quan và yêu màu sắc, yêu cái đẹp. Cũng từ đây anh có rất nhiều người bạn da màu. Kongo chia sẻ: “Khi tôi 16 tuổi, hip-hop bước vào cuộc sống của tôi thông qua những người bạn vừa trở về từ New York với phong cách và thể loại âm nhạc mới. Năng lượng của họ rất lớn. Graffiti là một yếu tố của hip-hop, và một cách tự nhiên, tôi đã bị nó cuốn hút.”. Trở lại Pháp cuối những năm 1980, Kongo bỏ học, bắt đầu sự nghiệp bằng cách vẽ trên mọi bức tường ở thủ đô và vùng ngoại ô Paris.
“Sau đó cùng với những người bạn của tôi, nhóm MAC – chúng tôi bắt đầu đại diện cho khu phố của mình, vẽ những bức tranh khổng lồ cho Đông Paris so với Tây Paris. Nó không chỉ là về sự sáng tạo, kỹ năng, chữ cái, màu sắc mà còn là tạo ra những câu chuyện và sự nhận biết.” – Cyril Kongo
Những năm 80s khi mà Kongo hăng say hoạt động thì cũng là lúc văn hoá hip-hop lan rộng. Đây cũng là giai đoạn mà các phương tiện truyền thông chính thống chưa chấp nhận hip-hop, quy chụp rằng văn hoá này kích động bạo lực thanh thiếu niên. Tuy nhiên, đó là do họ đã chưa hiểu được ý nghĩa văn hóa cốt lõi của hip-hop. Thập niên 70 thì xã hội Mỹ vẫn còn tàn dư tư tưởng phân biệt chủng tộc và hip-hop là tiếng nói một của các khu dân cư da màu bị chính quyền bỏ quên mong xoá bỏ sự bất bình đẳng chủng tộc. Nhiều nhà phê bình đánh đồng rapper với côn đồ nhưng nhìn về khía cạnh khác, Rap giúp một người da màu yếu thế cảm thấy được an ủi và kiểm soát phần nào số phận của chính mình. Đối với một đứa trẻ da màu không chọn được nơi mình sinh ra phải chịu sự bất công thì rap có thể giúp giải toả được cảm giác gần như hư vô về sự thất vọng, tuyệt vọng và thịnh nộ khi xung quanh là đói nghèo, tệ nạn và ma tuý. Mục đích của lời bài hát bạo lực không phải để ca ngợi bạo lực mà là để răn đe nó.
Hai năm sống ở đất nước châu Phi Congo đã giúp Kongo hiểu được văn hóa lịch sử của những người da đen và thấm nhuần tư tưởng phải cất lên tiếng nói của bản thân. Hơn thế Kongo cũng hiểu rằng, người da đen tuy bị áp bức nhưng họ đã tự tạo nên một nền văn hóa toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nền công nghiệp khác, và tự họ đã có thể mở đường làm giàu cho bản thân, phá vỡ những định kiến và hoàn cảnh xã hội lịch sử áp đặt lên họ. Và Kongo cũng đã dấn thân, trở thành một trong những thủ lĩnh thúc đẩy phong trào graffiti. Trong bối cảnh graffiti bị nhìn nhận như hành động phá hoại, năm 2002, Kongo cùng nhóm MAC tổ chức Festival Graffiti quốc tế đầu tiên tại Pháp mang tên Kosmopolite, thể hiện tiếng nói của nghệ sĩ chân chính, tôn vinh nét đẹp môn nghệ thuật này.
Hip-hop hiện đại hay quá khứ đều mang nhiệm vụ truyển tải những suy nghĩ, quan điểm và những trải nghiệm về cuộc sống. Thậm chí, hiện nay những ca từ trong các bài Rap còn được xem như một phương thức chữa lành, trị liệu cảm xúc. Bản thân là một nghệ sĩ Graffiti, Kongo luôn muốn truyền tải tinh thần joie de vivre – tận hưởng cuộc sống một cách phóng khoáng – thông qua những tác phẩm của mình. Hơn thế, xem tranh của Kongo không chỉ là để hướng đến những năng lượng tích cực, mà còn là để học hỏi thêm triết lý và những kiến thức mới. Trong một triển lãm mở màn đại hội nghệ thuật Art Moments ở Jakarta (Indonesia), Kongo giới thiệu các tác phẩm chủ đề “Gourmandise”, khai thác ý tưởng về sự tham lam và khoái lạc. Kongo còn sáng tác những bức tranh truyền tải khái niệm tài chính điện tử như bitcoin và blockchain, hay chủ đề vật lý lượng tử và loạt tranh chủ đề “Love” diễn tả sự thật, tình yêu và hạnh phúc đối chọi với nỗi buồn, hận thù.
Là một người nghệ sĩ kính nghiệp, ngay đến cả thời trang của bản thân, Kongo cũng toát lên là một người làm graffiti, hay hip-hop. Bạn sẽ thấy mũ bóng chày (snapback) xuất hiện hầu hết trong những trang phục thường ngày của Kongo, thậm chí đôi khi ông cũng đeo những chiếc vòng to bản đâm chất hip-hop.
Gần đây nhất Cyril Kongo Vietnam Gallery đã đồng hành cùng các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện ba tác phẩm thể nghiệm, kết nối chất liệu lấy cảm hứng từ văn học, Chèo, đàn tranh với nhạc
điện tử và hip-hop cùng hoà quyện. Cyril Kongo đã chia sẻ rằng, ông đã được đi nhiều nơi, lớn lên trong sự giao thoa của nhiều nền văn hoá và đã thấy nhiều quốc gia, dân tộc và cá nhân thành công nhờ vào việc phát huy bản sắc, hip-hop là một ví dụ điển hình nhất. Vì vậy ông rất muốn khuyến khích các nghệ sĩ Việt Nam khai thác và phát triển chất liệu văn hoá truyền thống để cùng vươn ra thế giới.
Sóng Ngầm Sông Hồng – thuộc dự án Âm – Thanh sắc – Màu thực hiện bởi 84NOISE được bảo trợ bởi Cyril Kongo Vietnam Gallery
Ra mắt vào năm 2020, Cyril Kongo Vietnam Gallery là gallery đầu tiên của nghệ sĩ graffiti Cyril Kongo, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu trong sự nghiệp của ông. Dự án thứ hai mà S&S Art tự hào mang đến là S&S Art Gallery, sắp ra mắt tại Sài Gòn, không chỉ có những tác phẩm của Cyril Kongo mà còn giới thiệu thêm những tác phẩm của nghệ sĩ quốc tế khác. Nơi đây là một điểm hội tụ những tinh hoa nghệ thuật nói chung và trường phái đương đại nói riêng, từ khắp nơi trên thế giới, với nguyện vọng là một cầu nối, mang những điều đẹp đẽ mà nghệ thuật mang đến với công chúng.
Số 9 Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hotline: (+84) 24 32045650
S&S Art Gallery
Địa chỉ: Union Square Shopping Centre – 171 Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: (+84) 24 32045650