Với chỉ mười lăm bức tranh, nhiều bức đã không còn nguyên vẹn hình hài và sắc màu, nhưng triển lãm “Những gì còn sót lại” của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (tại cửa hàng đồ cổ Antique Street, 38 Lê Công Kiều, Q.1, TP.HCM) đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn.
Đó là “những gì còn sót lại” của một chặng đường sáng tác có thể nói trong điều kiện cam go nhất: từ 1967 đến 1979 – giai đoạn chiến tranh ác liệt và những năm đầu của thời hậu chiến gian khổ, từ thuở Nguyễn Thị Hiền còn là sinh viên mỹ thuật cho đến những năm tuổi xuân hội họa của bà. Đến nay nữ họa sĩ không thể nhớ nổi những gì mình đã vẽ trong thời gian ấy, đơn giản bởi phần lớn, thậm chí hầu hết tranh vẽ giai đoạn 1967-1979 đến hôm nay không còn nữa, lớp bị hủy hoại trong lửa đạn của cuộc chiến tranh đã qua, lớp bị thời gian tàn phá, hoặc bị thất lạc trong những lần chuyển dịch (từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống sau 1975) và do cả sự chủ tâm của những kẻ tổ chức triển lãm tranh ở nước ngoài: trong một lần họa sĩ gửi tranh sang Pháp dự một triển lãm quốc tế, hơn 30 tác phẩm của bà bị đánh cắp trắng trợn dù tác giả đã sang tận Paris truy tìm những đứa con tinh thần của mình nhưng không bao giờ gặp lại nữa. Trong hàng trăm bức tranh của thời kỳ đầy gian truân ấy nay chỉ còn 16 bức được lưu giữ như những kỷ vật của gia đình họa sĩ, 15 trong số đó đã làm nên cuộc trưng bày cảm động “Những gì còn sót lại”.
Bức Dân quân cầu Hàm Rồng được dùng như một khai đề cho triển lãm. Đó là hình ảnh một cô dân quân trực chiến tại cầu Hàm Rồng ở khu vực Đò Lèn (Thanh Hóa) – một mục tiêu trọng điểm của các đợt không kích của máy bay Mỹ trong chiến tranh. Cô gái nông dân vóc dáng chắc nịch trong chiếc áo nâu, vai khoác súng trường được Nguyễn Thị Hiền vẽ tại trận địa trong chuyến đi thực tế kéo dài hai tháng tại Đò Lèn. “Tôi còn vẽ nhiều tranh khác từ chuyến đi đầy ắp kỷ niệm ấy nhưng nay chỉ còn mỗi bức này”, tác giả nói. Bức tranh cũng đã chịu tác động của nửa thế kỷ đã qua đi, vài mảng màu đã bong tróc, nhưng thần thái của nhân vật trong tranh vẫn nguyên vẹn như ngày nào cô được đưa vào tác phẩm.
Cũng phôi pha theo thời gian là vài bức tĩnh vật khổ nhỏ, trong đó đặc biệt nhất đối với tác giả có lẽ là bức Ông tiến sĩ giấy, bởi nó gắn với một nghệ sĩ nổi tiếng có số phận thật nghiệt ngã: nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Nữ họa sĩ kể rằng bà đã vẽ bức tranh từ một bài thơ của Lưu Quang Vũ, với những câu: “…Ông tiến sĩ giấy ngồi chắp tay/ Ham rượu nên vua bỏ/ Hia rách áo hồng ủ ruä”; bài thơ ấy chính nhà thơ đã khuất đã đọc cho bà nghe cùng với một người bạn thân nay cũng đã qua đời.
Sinh năm 1946 tại huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), là con gái rượu của nhà văn Kim Lân, Nguyễn Thị Hiền bắt đầu vẽ từ năm lên tám tuổi, từng được coi là một “thần đồng hội họa”. Suốt hơn 60 năm qua bà đã vẽ hầu như không ngừng nghỉ, đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước với hàng trăm bức tranh đã thuộc về nhiều bộ sưu tập công cộng và tư nhân. Dự án nghệ thuật đang được bà thực hiện là một bộ sưu tập tranh chân dung 100 nhân vật đương thời. Có thể xem “Những gì còn sót lại” là một quãng lặng trên bản tổng phổ sắc màu của nữ họa sĩ, song đó cũng là chứng nhân của một thời kỳ lịch sử mỹ thuật Việt Nam.