Đầu tháng 6 vừa qua, bức ảnh về người nông dân chăn vịt cỏ Vân Đình của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt đã vượt qua hơn 9.500 ảnh gởi từ khắp nơi trên thế giới để trở thành bức ảnh đẹp nhất trong ngày trên cộng đồng National Geographic. Đây là bức ảnh thứ 13 của anh có mặt trong mục Ảnh đẹp trong ngày của cộng đồng nhiếp ảnh uy tín thế giới này. Trong số những ảnh đó, đặc biệt nhất là ảnh về người phụ nữ làm hương ở làng Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) được tạp chí National Geographic mua lại để xuất bản trong mục Visions of Earth (Những góc nhìn của thế giới).
Ở một cộng đồng của những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới như National Geographic, việc một tấm ảnh của Trần Tuấn Việt được lựa chọn trong gần 10.000 ảnh gởi lên mỗi ngày là điều không dễ dàng. Với ảnh người phụ nữ làm hương, anh trở thành một trong hai nhiếp ảnh gia Việt Nam vinh dự có ảnh được in trên cuốn tạp chí xuất bản gần 6,5 triệu bản mỗi tháng với 40 ngôn ngữ trên toàn cầu. Tuấn Việt cho biết: “Tôi chụp ảnh làm hương rất ngẫu hứng trong một buổi sáng không đẹp trời. Nhiếp ảnh vốn là “trò chơi” của ánh sáng nên tôi từng rất lo lắng về chất lượng ảnh. Không ngờ, ảnh này lại được đông đảo người xem đồng cảm, yêu thích. Thậm chí một anh bạn người Đài Loan còn cho biết ảnh này khá nổi tiếng ở nước anh vì có nhiều kênh truyền thông và nhiều website chia sẻ lại từ kênh BBC. Có lẽ vì tôi kể được câu chuyện hương như một công cụ kết nối đời sống thực tế với tâm linh”.
Trần Tuấn Việt chia sẻ, anh tốt nghiệp khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, khởi nghiệp một công ty về công nghệ thông tin và đến với nhiếp ảnh như một thú chơi của cuộc đời. Nhưng đúng là “Nghề chơi cũng lắm công phu”, anh đầu tư thời gian và cả tiền bạc để nghiên cứu về kỹ thuật, về nghệ thuật chụp ảnh, đầu tư về thiết bị, máy móc. Có lúc, chỉ ngẫu hứng trong buổi cà phê tối, anh cùng bạn bè đi luôn trong đêm để sáng hôm sau chụp ở Sa Pa. Có khi anh vác máy chạy xe cả trăm cây số từ 3 giờ sáng để đón bình minh, chụp ảnh về đồng lúa vàng ở dòng sông ngô đồng ở Ninh Bình. Có lẽ nhờ chụp ảnh theo kiểu ngẫu hứng như vậy nên Tuấn Việt có thể ghi lại những khoảnh khắc đời thường giản dị mà đẹp đến xốn xang và thể hiện được cái hồn cuộc sống, con người Việt Nam. Đó là hình ảnh về người phụ nữ ngồi giữa những bó hương đỏ như những đóa hoa bung nở, những anh thợ đu mình trên dây điện như những nốt nhạc giữa không trung, những người phụ nữ vẫn phải làm việc trong những đám khói vừa nóng vừa ô nhiễm giữa trưa nắng 45°C, người đàn ông mất một cánh tay làm nghề đánh cá bằng rớ trên sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam hay người thợ cuối cùng làm nghề rèn thủ công ở con phố Lò Rèn…
Nhiếp ảnh gia trẻ cho biết: “Với tôi, điều quan trọng trong một tấm ảnh là cảm xúc và ấn tượng với người xem. Quan điểm về cái đẹp trong chúng ta không giống nhau, nhưng phần lớn người xem chỉ cảm thấy yêu thích khi có sự đồng cảm với tác giả. Và nếu tác giả không chụp bằng cảm xúc chân thực hay chỉ chăm chăm vào yếu tố thương mại thì khó mà tạo ra sự đồng cảm này”.
Tuấn Việt nói rằng có lẽ do anh ra đời từ một làng quê yên bình ở Hà Tĩnh, nên trong anh luôn có ấn tượng thân thương về những người lao động nghèo và những vùng đất nằm lặng lẽ cách xa nơi đô thị. Đến nay, anh may mắn sống ở Hà Nội, nơi ở gần rất nhiều làng nghề độc đáo của Việt Nam để có thể giới thiệu đến bạn bè thế giới như làng đan đó Thủ Sỹ, làng tương Bần, làng gốm Phù Lãng, làng So làm miến dong… “Đôi khi, trong những chuyến chụp ảnh, trong tôi có cả cảm xúc xót xa khi nghĩ đến việc những làng nghề có thể bị mai một theo thời gian, thậm chí có thể mất đi do quá trình đô thị hóa. Ảnh tôi gửi về National Geographic không phải để thi hay giành giải thưởng, chỉ muốn lưu giữ lại thật lâu những hình ảnh này. National Geographic với tôi giống như một viện bảo tàng ảnh, có thể giúp lưu giữ lại hình ảnh về một Việt Nam truyền thống tuyệt đẹp và chia sẻ nhiều hơn đến bạn bè thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục ghi lại nhiều góc nhìn hơn về văn hóa Việt Nam và cố gắng nâng số lượng ảnh của mình trên cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic. Tuy nhiên, điều cần làm trước tiên là tặng cho người phụ nữ xuất hiện trong bức ảnh làm hương của mình một tấm ảnh như một lời tri ân”, Trần Tuấn Việt nói.