Lưu Trọng Ninh chấp nhận thử thách khi nhận làm phim cho một công ty tư nhân. Đã là phim của tư nhân thì vấn đề doanh thu phải được đặt lên hàng đầu, vé phải bán chạy và có lãi, đừng lỗ. Vị đạo diễn đã để lại một số bộ phim mang dấu ấn xã hội mạnh mẽ trong dòng phim tài trợ của nhà nước như Canh bạc, Ngã ba Đồng Lộc, Khát vọng Thăng Long… Hãy xem những vấn đề xã hội và tính giải trí trong phim Bước khẽ đến hạnh phúc được anh cân bằng như thế nào.
Quê hương được mở ra dưới mắt cô gái gốc Việt lần đầu về Việt Nam. Vivian (Ngân Khánh đóng) rất trong sáng, hồn nhiên. Cô về quê chỉ đơn giản để tìm hiểu cho được cội nguồn Việt đang chảy trong huyết thống và háo hức với cuộc hành trình mang tính nhân đạo: chuyển giao những thiết bị y tế của một tổ chức tài trợ cho Việt Nam. Thế rồi cô lập tức bị ngợp khi bước xuống phố Sài Gòn: xe cộ chạy dường như không có luật, những kẻ giang hồ nhởn nhơ trên phố, những đứa bé đánh giày và thế giới bụi… Ở đó, cô bắt đầu nhận ra và học được cách xử lý tình huống hết sức mới lạ đến độ ngạc nhiên. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh xử lý khá nhuyễn những chi tiết của đời sống một cách thú vị. Những nhân vật như cô bé đánh giày, anh bán cà phê, ông già chỉ cách qua đường… đều để lại trong người xem một tình cảm đẹp giữa một thành phố tưởng như có quá nhiều hỗn loạn, xô bồ.
Trở ngại mà Vivian phải đối đầu là mưu kế của một nhóm Việt kiều đứng ra mua máy móc cho tổ chức tài trợ. Đám người đó như một tổ chức mafia núp danh nhân đạo để trục lợi. Vì vậy, Vivian được ngã giá, bị săn đuổi, thậm chí có lúc tính mạng tưởng như treo trên đầu sợi tóc. Những gay cấn mà một cô gái còn non nớt, quá trong sáng, quá nhiệt thành phải đối đầu khi tiếp xúc với một tổ chức xã hội đen đã làm nghẹn trái tim người xem. Lưu Trọng Ninh khiến khán giả nhiều lúc bị ngợp thở, bức bối trước dã tâm của kẻ ác.
Trái ngược với những toan tính tàn nhẫn của nhóm người xấu đó, Việt Nam với những điều giản dị nhất, thân thương nhất đã giúp Vivian hiểu được tình yêu thương mà bà con quê nhà dành cho cô. Tấm lòng của những người dân quê đã thúc đẩy Vivian bất chấp mọi hiểm nguy chạy tìm bệnh viện, tìm gia đình cho bé Ràng để cô bé mồ côi sớm được mổ tim. Đó là những trường đoạn hấp dẫn và xúc động. Đạo diễn đã khắc họa cuộc đời chân thực của hai chị em cô bé đánh giày Rõ – Ràng thật hồn nhiên, trong sáng. Những thước phim về những đứa bé nghèo làm người xem có cảm giác như không có bàn tay đạo diễn, cứ chân thực như đời sống thường nhật các bé ngoài đời vậy. Thể hiện phong cách phim truyện tả thực một cách tự nhiên, sống động như phim tài liệu dường như là tài năng nổi trội của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Câu chuyện của hai bé đánh giày đi tìm bà, rồi hình ảnh những bà mẹ tốt bụng ở một xóm nhỏ hay nghĩa cử của người đàn ông qua đường… làm sáng lên tính nhân bản, nhân văn, đủ sức chế ngự cái ác đang tồn tại. Chính điều đó đã tiếp sức cho Vivian đối đầu thành công với những kẻ độc ác, tham nhũng để hoàn thành sứ mệnh nhân đạo của mình. Hai mảng hiện thực đối lập mà Vivian được trải nghiệm tại quê hương đủ sức giúp cho phim có ý nghĩa xã hội khá sâu sắc.
Nhân vật cha mẹ của Vivian luôn được đan xen trong sự trở về của cô. Phim không né tránh những bi kịch ở hai chiến tuyến mà chiến tranh đã mang lại trên dải đất này. Cha mẹ Vivian cũng phải chịu những bi kịch, mất mát khủng khiếp khi họ buộc phải rời khỏi Sài Gòn. Nỗi đau của người ly tán chất chứa những bi kịch của thời cuộc. Qua những câu nói, thái độ của cha Vivian (Mai Huỳnh thủ vai), người xem phần nào chia sẻ được tấn bi kịch của người Việt khi bị “tan đàn xẻ nghé”. Chính bi kịch này lại làm những người trẻ Vivian hiểu rõ hơn lịch sử. Không sống bằng thù hận quá khứ, Vivian tự cảm nhận nét đẹp của quê hương, tình thương của đồng bào và với bầu nhiệt huyết cháy bỏng dám chấp nhận mọi thử thách, đối đầu với cái ác, miễn sao giúp được chút gì đó cho quê hương. Vivian đã hóa giải bớt những xung đột trong lòng cha cô và những ai vẫn chưa có dịp quay trở về. Cái tên Bước khẽ đến hạnh phúc đã mang được đúng thông điệp của nó, đúng như lời đạo diễn Lưu Trọng Ninh tâm sự: “Tôi rất thích cái tên đó!”.
Phim còn hấp dẫn giới trẻ qua câu chuyện tình của Vivian với Quân (Quách Ngọc Ngoan đóng). Nét điển trai của Quách Ngọc Ngoan và vẻ đẹp tươi tắn, trong sáng của Ngân Khánh khi kết hợp đã tạo được một cặp đôi khá đẹp. Quân là một thanh niên sống bụi, tính tình hào hiệp, lúc đầu cứ tưởng anh là họa sĩ, nhưng cuối cùng mới hay anh là kỹ sư xây dựng. Câu chuyện tình của hai người không theo kiểu hợp lý thông thường như đời sống, mà được tô vẽ cho thi vị bởi Vivian làm gì và ở đâu thì cũng đều có mặt Quân, lúc giống như người hùng, lúc lại quá hiền lành. Có lẽ “gay cấn” nhất là cảnh Quân đưa Vivian trốn kẻ săn đuổi. Họ chạy lên một tòa nhà cao tầng đang xây dở, được những người thợ vẫy tay chào đón. Khi họ hôn nhau, tốp thợ như thấu hiểu và thông cảm, sẵn sàng nhường chỗ cho đôi nhân tình làm tổ uyên ương. Tuy nhiên, cảnh đôi nhân tình khỏa thân trên công trường nhìn ra khoảng trời thành phố hay cảnh họ quấn nhau giữa đống bao nylon phơi trắng xóa cho dù lãng mạn đấy, nhưng sao đặt vào phim vẫn thấy hơi gượng. Có thể hiểu đây là cách đạo diễn câu khách và để phim được gắn mác “Cấm trẻ dưới 16 tuổi”. Dẫu sao, Lưu Trọng Ninh đã tạo được sự cân bằng cần thiết để phim vẫn truyền tải được tiếng nói xã hội và vẫn hấp dẫn, hút khán giả trẻ.
Diễn viên nổi bật trong phim là Ngân Khánh. Một Vivian năng động, trong trẻo, cuốn hút bằng cả tính cách lẫn ngoại hình chính là thành công của Ngân Khánh trong diễn xuất. Hình ảnh chân thực nhất của bộ phim là hai chị em bé Rõ – Ràng. Rõ là một cô bé đánh giày có mặt ở gần hết câu chuyện của Vivian và những cảm xúc vui buồn của một bé gái sống trên hè phố khá sinh động, tạo nên cảm xúc mạnh cho người xem. Hình ảnh bé Ràng thơ ngây, hồn nhiên nói mình sẽ chết khiến nhiều khán giả phải ứa nước mắt khi thấy bé cười.
Bộ phim đang ra rạp. Hiệu ứng từ phòng bán vé sẽ là nguồn động viên cho các nghệ sĩ và những nhà đầu tư dám dấn thân, dám đầu tư thích đáng cho những tác phẩm có ý nghĩa xã hội nhằm lôi kéo được khán giả đến nhiều hơn với phim Việt.
Việt Nga