Lúa gạo Việt Nam có giống tốt, năng suất bình quân 7 tấn/hécta/2 vụ, thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng tổn thất sau thu hoạch lớn gấp 2-3 lần so với Ấn Độ, Nhật Bản…
Mức tổn thất sau thu hoạch cao nhất hiện nay là ở Đồng bằng sông Cửu Long, lên tới 13,7% trong khi Ấn Độ có tỷ lệ 6%, Nhật Bản 3,9 – 5,6%. Tổn thất lớn nằm ở hai công đoạn: sấy 4,2% và tồn trữ 2,6%.
Tổng sản lượng lúa của ĐBSCL năm 2011 là 23 triệu tấn, tổn thất ở hai khâu này lên đến gần 1,6 triệu tấn. Với giá 7.000 đồng/kg, số tiền mất là hơn 10.000 tỉ đồng.
Thực tế cho thấy, từ năm 2008 đến nay, bình quân hằng năm sản lượng lúa chỉ tăng 1,5% nhưng lượng gạo xuất khẩu tăng đến 15%. Đó là nhờ đầu tư cho nông dân kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, như phơi và sấy lúa hè thu đã giảm được lượng lớn lúa hư hỏng trong mùa mưa. Nếu tăng đầu tư huấn luyện nông dân, không chỉ kỹ thuật canh tác mà cả kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận thông tin sẽ thúc đẩy nâng cao giá trị hạt gạo.
Vấn đề thứ ba là trong khi quan tâm cải thiện năng lực kinh doanh của các nhà xuất khẩu thì cũng đừng quên việc nâng cao đời sống nông dân có vai trò quyết định bởi chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa. Nghĩa là, phải chú trọng đến việc sản xuất lúa, mà để sản xuất lúa phát triển bền vững thì thu nhập của người nông dân chính là động lực.
Người nông dân sẽ không chấp nhận những giải pháp mà sau đó thu nhập của họ không được nâng lên và xuất khẩu chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững.
Ở đây có vai trò điều hành trực tiếp của chính phủ trong sản xuất và xuất khẩu lương thực như các nước đã làm. Hiện nay các nước nhập khẩu gạo, chẳng hạn nhưPhilippines, chính phủ điều hành trực tiếp việc nhập khẩu với mục đích hạ giá mua để có lợi cho người dân. Còn ở Thái Lan, chính phủ điều hành việc xuất khẩu gạo nhằm mục đích nâng cao giá bán để có lợi cho nông dân.
Trong khi đó ở nước ta, Chính phủ giao toàn quyền xuất khẩu gạo cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mà vì mục đích “lợi nhuận trên từng đầu tấn” nên thường xuyên ép giá nông dân. Đã có biết bao lời than phiền từ hàng chục năm qua về tình trạng tìm kiếm lợi nhuận nhờ độc quyền của các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu nông sản, trong khi những việc cần làm cho nền kinh tế và cho nông dân như các biện pháp nâng cao giá trị nông sản, xây dựng kho bãi, nhà máy chế biến, nhất là xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, thì chưa thấy chuyển biến.
Cơ hội để chúng ta vươn lên trong thế mạnh nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu gạo, đã quá rõ không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài. Điều này đòi hỏi sớm có ngay những chính sách điều hành và giải pháp để xuất khẩu ổn định, mang lại hiệu quả thực sự cho cả người nông dân lẫn doanh nghiệp.
Hoàng Hà