Dồn dập thông tin trước Tết Âm lịch về khả năng cung ứng gạo trên thị trường thế giới cho thấy có sự thay đổi vị trí trong danh sách các nước xuất khẩu mặt hàng này. Những thông tin như vậy từ quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khiến các nhà xuất khẩu gạo của chúng ta phải quan tâm.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa vụ đông xuân
Mới đây, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) dự báo, năm nay, nước này sẽ được mùa lúa gạo, với sản lượng ngang ngửa với mức 30-32 triệu tấn đạt được trong năm 2011. Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu có thể giảm còn 6,5-8 triệu tấn, từ mức 10,5 triệu tấn trong năm ngoái. Đây là mức xuất khẩu thấp nhất trong vòng hơn một thập niên qua. Nhận định về tình hình trên, báo Financial Times cho rằng Việt Nam có thể sẽ thay thế Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Theo số liệu mà báo này đưa ra, Việt Nam hiện chiếm 7% sản lượng gạo toàn cầu và hơn 30% thị trường xuất khẩu gạo của thế giới.
Chủ tịch TREA, bà Korbsook Iamsuri, cho biết nguyên nhân chính phía sau những dự báo về sự sụt giảm mạnh trong lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan năm nay là việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo sau ba năm tạm ngưng, và Việt Nam có kế hoạch tăng gấp đôi lượng xuất khẩu gạo thơm lên 800.000 tấn trong năm nay. Ngoài ra, đang có nhiều quốc gia bắt đầu xuất khẩu gạo hoặc tăng xuất khẩu gạo nhưBrazil,Uruguay,Pakistan, Campuchia vàMyanmar.
Hồi tháng 11 vừa qua, giá gạo ở Thái Lan đạt mức đỉnh của ba năm là 663 USD/tấn sau khi Chính phủ nước này khởi động một chương trình mua lúa gạo của nông dân trên mức giá thị trường.
Thế nhưng có vẻ như chương trình này không thành công so với dự kiến. Trong vòng ba tháng qua, chính phủ Thái Lan mới chỉ mua được 4,7 triệu tấn thóc từ nông dân, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 15 tấn và sản lượng ước tính 19 triệu tấn của vụ gặt.
Một số nông dân Thái Lan muốn bán lúa cho các công ty xay xát hoặc xuất khẩu hơn là bán cho chính phủ, vì họ không muốn phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo của Nhà nước cũng như khỏi phải chờ đợi để được lấy tiền.
Nóng lòng trước thực tế này, các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan thúc giục chính phủ xem xét lại chính sách hỗ trợ giá gạo và khẳng định không ai phản đối việc giúp đỡ nông dân nghèo, nhưng với cách làm hiện nay, chính phủ đang gây bất lợi cho xuất khẩu và cả ngành sản xuất gạo. Họ cũng cho rằng chính sách này là không bền vững trong dài hạn.
Về phía chúng ta, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hồi đầu năm đã chính thức công bố kết quả xuất khẩu gạo năm 2011, theo đó tính đến 31-12-2011 nước ta đã xuất khẩu 7,105 triệu tấn gạo, thu về 3,651 tỉ USD. Đây là một thông tin lạc quan vì xuất khẩu gạo trong năm qua đã vượt mức kỷ lục 6,75 triệu tấn của năm 2010, dù lượng xuất khẩu này thấp hơn dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 7,37 triệu tấn.
Theo nhiều dự báo, xuất khẩu gạo năm 2012 vẫn sẽ khả quan như năm trước với mức dự kiến là 7 triệu tấn, do gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá so với Thái Lan và về chất lượng so với gạo Ấn Độ, Pakistan. Các thị trường mới như Trung Quốc, Hongkong vẫn đang được các doanh nghiệp khai thác. Các thị trường truyền thống nhưPhilippines,Indonesia… vẫn được duy trì.
Tuy nhiên tình hình lạc quan về thị trường vẫn không làm nhẹ bớt những lo toan đường dài mà hạt gạo ViệtNamđang phải đối diện.
Trước tiên là dù thị trường gạo thương mại đang có nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh từ các nước có gạo giá rẻ, chính vì vậy việc tận dụng thời cơ cũng như những chỗ trống của thị trường gạo cao cấp do Thái Lan để lại là một mục tiêu hướng tới trong năm 2012 qua các hợp đồng xuất khẩu gạo với giá cao trong thời gian tới.
Chúng ta đã có kinh nghiệm thành công đối với hạt gạo thơm trong năm qua với lượng xuất khẩu khoảng 400.000 tấn.
Để chuẩn bị cho năm 2012, Cục Trồng trọt và VFA đều nhận định, việc sản xuất và xuất khẩu gạo sẽ tập trung nhiều hơn cho gạo chất lượng cao bằng việc triển khai những cánh đồng mẫu lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, mở rộng thị trường gạo chất lượng cao thay vì tập trung cho phân khúc thị trường gạo chất lượng trung bình như trước đây.