Chi phí logistics Việt Nam hiện chiếm 20,8% GDP, cao gấp đôi so với bình quân thế giới, trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là chi phí vận tải và điều này đã khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bị thua thiệt.
Tại hội nghị “Phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức hôm nay (18-12) tại Đồng Tháp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đánh giá, tốc độ phát triển ngành logistics Việt Nam ở mức khá cao, 15 – 16%/năm và chỉ số năng lực logistics đứng thứ 64 thế giới. Thế nhưng, chi phí logistics Việt Nam cũng ở mức cao, chiếm 20,8% GDP so với mức trung bình của thế giới là trên dưới 10%.
Theo ông Hiệp, trong tổng chi phí cấu thành chi phí logistics thì khâu vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất, kế đó là khâu xếp dỡ và lưu kho.
Cụ thể, với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, thì chi phí vận tải chiếm 51%, lưu kho chiếm 20%, xếp dỡ 23%, đóng gói 5% và cảng phí là 1%; với mặt hàng may mặc xuất khẩu thì chi phí vận tải là 61%, lưu kho 9%, xếp dỡ 19%, đóng gói 9% và cảng phí 2%; đối với mặt hàng gạo xuất khẩu thì chi phí vận tải chiếm 58%, lưu kho chiếm 10%, xếp dỡ 24%, đóng gói 7% và cảng phí chiếm 1% và với mặt hàng cây ăn trái thì chi phí vận tải chiếm 61%, lưu kho 14%, xếp dỡ 20% , đóng gói 5% và cảng phí là 0%.
Chi phí vận tải hàng hóa đường bộ; phụ phí ở các cảng do các hãng tàu container nước ngoài thu ở Việt Nam cũng như việc hạn chế của kết cấu hạ tầng cảng biển, sau cảng và các khoản phụ phí không kiểm soát, theo ông, là những khoản khiến chi phí logistics ở mức cao.
Đối với chi phí vận tải, theo ông Hiệp, phí nhiên liệu chiếm xấp xỉ 30%, trong khi đó, chi phí phải trả cho các trạm BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) đối với tuyến Bắc – Nam chiếm khoảng 15% tổng chi phí vận tải. “Riêng tuyến Hải Phòng – Hà Nội chiếm 30% chi phí vận tải và chính việc này đẩy giá thành vận tải lên rất cao”, ông cho biết và nói rằng trong chi phí vận tải có 5% phí phi vận tải hay còn gọi là phí tiêu cực.
Đi sâu vào phân tích chi phí vận tải, ông Hiệp nói rằng phương thức vận tải bằng đường bộ có chi phí cao hơn rất nhiều so với đường biển. “Ví dụ, một container từ Hải Phòng đến TP.HCM bằng đường bộ, loại 20 feet là 30-35 triệu đồng và 40 feet khoảng 37 triệu đồng, trong khi đường biển chỉ 5,2 triệu đồng cho một container 20 feet và 6,7 triệu cho container 40 feet”, ông dẫn chứng.
Từ vấn đề nêu trên, ông Hiệp khuyến cáo nên tăng cường phương thức vận tải bằng đường thủy để giảm chi phí vận tải nói riêng và chi phí logistics nói chung.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, tình trạng ùn tắc ở các cảng, khu vực giao thông đô thị, đặc biệt là ở cảng Cát Lái (TP.HCM) cũng làm chi phí logistics tăng cao.
Bên cạnh đó, việc thu phí hàng hóa xuất khẩu cũng làm tăng thêm gánh nặng, mà điển hình như trường hợp ở Hải Phòng, mỗi container 20 feet khi xuất khẩu phải đóng cho địa phương 250.000 đồng gọi là phụ phí sử dụng hạ tầng cảng biển. “Đây là điều bất hợp lý vì hạ tầng cảng biển do doanh nghiệp đầu tư, chứ không phải địa phương đầu tư”, ông Hiệp cho biết.
Về thời gian thông quan hàng hóa cũng khiến giá thành và tổng chi phí logistics tăng cao “vì theo thống kê, mỗi năm chúng ta phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng cho kiểm tra chuyên ngành và đã có hơn 100 mặt hàng phải chịu kiểm tra chuyên ngành, trong đó tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra từ hai lần trở lên chiếm 58%”, ông cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng, chính yếu tố chi phí logistics quá cao như nêu trên đã khiến hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh kém. Điều này, dẫn đến thu nhập của nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm bị ảnh hưởng. “Người nông dân làm ra sản phẩm mà chi phí trung gian quá lớn, thì giá thành cao nên không thể có thu nhập cao được”, ông cho biết và nói rằng việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, giảm bớt chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và thu nhập của người nông dân là mục tiêu hướng đến của bộ này cũng như của Chính phủ.
Để giảm chi phí logistics, ông Hiệp của VLA cho rằng, các bộ ngành và hiệp hội cần triển khai có hiệu quả quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; tiến hành cơ cấu lại hệ thống vận tải, phát triển vận tải đa phương thức; các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa biện pháp tiết giảm chi phí. “Đặc biệt, kiến nghị Nhà nước làm sao sớm minh bạch và giảm chi phí BOT đường bộ”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Thể, cần hoàn thiện thể chế chính sách theo hướng bám sát thực tiễn; cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, kho bãi và các trung tâm phân phối hàng hóa; phát huy phương thức vận tải hàng hóa đa phương thức; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành logistics.
- Theo Trung Chánh / TBKTSG Online