Lễ hội năm nay lại được mang thêm trọng trách giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về hình ảnh đất nước, con người Đắk Nông qua những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống phong phú nhiều màu sắc, tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch đặc biệt gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo không gian giao lưu văn hóa các dân tộc, các vùng, miền trong cả nước.
“Sau 06 ngày diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thắm tình đoàn kết, chúng tôi tự hào nhận thấy rằng, việc tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II, năm 2020, với chủ đề “Tinh hoa phương Đông” đã thành công tốt đẹp. Lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn và có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam lên một tầm cao mới. Các hoạt động của Lễ hội đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trong cả nước có dịp giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội và bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em.” Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đắk Nông phát biểu.
- Xem thêm: Đắk Nông đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu và khai mạc Lễ hội Thổ cẩm Việt Nam lần 2
Đặc biệt, Tỉnh Đắk Nông mong muốn thông qua Lễ hội văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020 sẽ nâng cao giá trị độc đáo của Thổ cẩm Việt cũng như những con người đã góp phần làm nên tất cả giá trị này. Vì vậy Lễ hội và Không gian văn hóa Thổ cẩm được thực hiện như một không gian trình diễn về mặt nghệ thuật chứ không phải không gian của những hội chợ xô bồ và nhộp nhịp mà mọi du khách thường thấy.
Trong không gian trình diễn đó, từng góc nhìn, từng chỗ dừng chân, kể cả khu vực Food Court cũng được lắp dựng tinh tế và nghê thuật qua sự sáng tạo của Công ty TA Landscape Architecture Vietnam – đơn vị nổi tiếng với những thiết kế Cầu Vàng (Đà Nẵng), đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM), đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM)…
Trong Không gian văn hóa thổ cẩm trên Đảo nổi, du khách sẽ không bị khó chịu bởi sự thống lĩnh của hàng chợ, hay còn gọi là hàng nhái thổ cẩm, sản xuất đại trà. Ở đây, mọi người sẽ thấy được sự trân trọng hơn dành riêng cho Thổ cẩm khi nghệ nhân phải dệt từng tấm vải, thêu và kết thành các sản phẩm đặc trưng của từng dân tộc.
Trong Không gian văn hóa Thổ cẩm trên Đảo nổi, Bên cạnh sân khấu nhỏ để các tỉnh, thành phố về tham gia Lễ hội được tham gia trình diễn giao lưu chương trình văn hóa dân gian hoặc giới thiệu 01 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa phương thì phần lớn được sử dụng để dành cho sân khấu chính, nơi đã diễn ra 4 chương trình nghệ thuật đặc sắc, hiếm có và độc đáo nhất. Đó là Lễ khai mạc Lễ hội văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần 2 (đêm 24/11), Bán kết Miss Tourism Vietnam 2020 (đêm 25/11), Chung kết Miss Tourism Vietnam 2022 (đêm 28/11) và Lễ bế mạc Lễ hội văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần 2 (đêm 29/11/2020). Tất cả 4 đêm diễn này đều được đầu tư với chất lượng cao và thể hiện đẳng cấp từ kịch bản, ý tưởng, đến toàn bộ ê-kip thực hiện và các nghệ sĩ tham gia.
11 đoàn nghệ thuật và đơn vị đến từ các tỉnh và thành phố như Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Kom Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Phước, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang và tỉnh Đắk Nông tham gia 02 đoàn (Đoàn Nghệ nhân và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Unesco Đắk Nông) đã phải đảm nhận rất nhiều trọng trách trong công tác phục vụ khách đến tham quan Lễ hội.
Các đơn vị đã tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, cách tân, thổ cẩm ứng dụng, sản vật đặc trưng, các hiện vật văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương; các hình ảnh, tài liệu giới thiệu về du lịch, văn hóa, lịch sử, con người của địa phương. Bên cạnh đó, các đoàn đã áp dụng kỹ thuật máy chiếu, cho công tác trưng bày, có thuyết minh hướng dẫn, tạo không khí bằng các hình thức diễn xướng, văn hóa, văn nghệ chào mừng thu hút khách tham quan.
Việc khẳng định giá trị và nâng tầm cho Thổ cẩm Việt Nam cũng như bước chân vào lĩnh vực du lịch địa chất và khám phá là một quãng đường còn xa, chắc chắn không phải một ngày hay qua vài sự kiện có thể đạt được. Thông qua Lễ hội văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ II, hành trình này đã được định hướng rõ nét và có những bước chân đầu tiên mang dấu ấn Đắk Nông.