Và nguy cơ ô nhiễm
Có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch là thế, nhưng nếu khai thác ồ ạt một cách tùy tiện, không theo quy hoạch thì hậu quả khôn lường cho môi trường sẽ là chuyện chỉ ngày một ngày hai. Kinh doanh du lịch kiểu “ngắt ngọn” đã được nhiều chuyên gia môi trường lên tiếng cảnh báo. Việc phát triển hoạt động du lịch thiếu kiểm soát làm xói mòn đất, gây biến động các khu vực đông dân cư ven sông, đe dọa các loài thực vật và động vật hoang dã. Đã vậy, nhiều khách sạn, nhà hàng không đủ tiêu chuẩn về kiến trúc, bố trí thiếu khoa học mọc lên khá nhanh, gây ảnh hưởng tới cảnh quan và chất lượng môi trường. Trao đổi với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, đa số đều có chung nhận xét, hầu hết các quán xá tự phát chưa có hệ thống xử lý nước thải, chưa được áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, chất thải, nếu có thì chất lượng hoạt động yếu kém, chủ yếu để đối phó lúc đăng ký kinh doanh hoặc khi có đợt kiểm tra. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của du khách, của những người bán hàng rong chưa cao, hay vứt rác tùy tiện, không thu nhặt thức ăn thừa… Ðây là nguyên nhân gây mất vệ sinh, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, mà còn là mầm mống của dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Hoạt động du lịch còn thải ra một lượng chất thải rắn đáng kể, nếu không được thu gom và xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tầng đất gây ô nhiễm và suy thoái tài nguyên đất. Chỉ riêng Phú Quốc, trong năm 2010, lượng khách du lịch đến và lưu trú tại đảo được ghi nhận qua con số 1.411.000 ngày khách, dự kiến năm 2015 sẽ là 3.940.000 ngày khách và đến năm 2020 là 9.000.000 ngày khách. Cùng với sự gia tăng về lượng khách du lịch, lượng chất thải rắn ra môi trường từ hoạt động du lịch trong năm 2010 là 9.453,7 tấn, năm 2015 sẽ lên 26.398 tấn và năm 2020 lên tới 60.300 tấn. Lượng chất thải rắn lớn như vậy sẽ gây áp lực lớn đối với môi trường biển – đảo vốn rất nhạy cảm như Phú Quốc vì năng lực thu gom và xử lý chất thải rắn tại đây rất hạn chế, không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển về kinh tế – xã hội và du lịch.
Các tình nguyện viên tham gia một chương trình chung tay làm sạch bãi biển. Những hoạt động như thế này để kêu gọi các bạn trẻ ý thức hơn việc giữ vệ sinh môi trường
Những giải pháp khắc phục
Kinh doanh du lịch là một ngành đã được xã hội hóa nên để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch cần phải có sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, từ các cấp các ngành quản lý, các tổ chức, đơn vị có liên quan và cả cộng đồng. Những ảnh hưởng không nhỏ của du lịch đến môi trường cần phải được nghiên cứu và giải quyết thấu đáo, vì vậy, Viện Khoa học và Môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã làm một số đề tài nghiên cứu khoa học liên quan, trong đó có vấn đề “Bảo vệ môi trường du lịch biển” chủ yếu tại “vương quốc resort” ở Phan Thiết và “Du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long”, khu vực Tứ giác Long Xuyên. Theo đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức để nâng cao ý thức cho những người làm du lịch và du khách. Riêng các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này phải xem chống ô nhiễm là tiêu chí cam kết quan trọng đầu tiên, như một hình thức cạnh tranh lành mạnh bằng cách đăng ký và được dán nhãn du lịch môi trường. Nhà nước hoặc địa phương nên có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển và các đơn vị áp dụng công nghệ môi trường.
Các địa phương, chính quyền và doanh nghiệp cần phối hợp tăng cường chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ nhân viên nhà hàng, khách sạn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường. Cũng nên khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng sạch và có hệ thống xử lý rác thải phù hợp.
Về phía các cơ quan quản lý chức năng, cần nâng cao hiệu lực quản lý về môi trường du lịch bằng cách kiên quyết yêu cầu các cơ sở du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định. Các địa phương cũng nên vận dụng các biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với các nhà hàng, khách sạn, resort, khu vui chơi, giải trí gây ô nhiễm môi trường (có chế tài cụ thể, nếu tái phạm có thể bị tước giấy phép hoạt động). Tóm lại, để chủ động bảo vệ môi trường trước tác động tiêu cực của hoạt động du lịch, cần phải quyết liệt hơn để tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ” như lâu nay.
Riêng với du lịch sinh thái, để loại hình này đóng góp hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường, nhất định phải có sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng địa phương. Cần gắn kết phát triển du lịch sinh thái với sự phát triển của cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Chính quyền địa phương có trách nhiệm giúp họ nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch tại điểm đến để du khách được hài lòng, còn người dân địa phương cũng có công ăn việc làm đảm bảo sinh kế lâu dài, ổn định.
Ngân An