Cơn gút, hay còn gọi là cơn thống phong, thường xảy ra đột ngột vào ban đêm, là hậu quả của sự kết tủa acid uric trong khớp. Bệnh nhân thường là quý ông, tuổi đời từ 30-60, vóc dáng khoẻ mạnh. Phụ nữ ít bị bệnh gút.
Triệu chứng
Cơn đau nhức đầu tiên thường thấy vào đầu đêm: đau dữ dội ở ngón chân cái ở một bên chân, trong lúc đó ngón chân cái bên bàn chân kia không đau gì cả.
Trong vài giờ, ngón chân cái sưng to dần, ửng đỏ và nóng lên. Cơn đau ngày càng tăng dần. Mền đắp lên chân có ngón cái bị bệnh cũng làm đau tăng lên, gió quạt thổi vào ngón chân cái cũng làm tăng cường độ cơn đau. Nhìn thoáng qua ngón chân cái nhiều người lầm tưởng là bị áp-xe ở ngón chân cái.
Tinh thể urat
Ngày nay, người ta biết cơn gút là phản ứng của khớp do sự tích tụ các tinh thể urat trong khớp. Các tinh thể này luôn luôn được tìm thấy trong dịch khớp bị sưng. Trong cơ thể bình thường, acid uric sẽ kết tủa và trầm hiện dưới dạng tinh thể urat.
Sự kết tủa của urat trong cơ thể tạo nên cơn đau như bệnh gút. Như vậy, bệnh gút không phải là bệnh viêm nhiễm do vi trùng hay ký sinh trùng mà do chuyển hoá kém vì dinh dưỡng không hợp lý.
Tiến triển của bệnh
Sau 10-20 năm bị bệnh gút, các tinh thể urat kết tụ trong các mô, dưới da tạo nên chỗ sưng dưới da có màu trắng như ở vành tai, cùi chỏ, bàn tay, bàn chân.
Nguy cơ bệnh gút thể hiện khi hàm lượng của acid uric trong máu lên đến 70mg/l và tăng dần theo sự tăng của hàm lượng này.
Gút thường kết hợp với nhiều bệnh khác nhau
Người bệnh gút thường mắc các bệnh khác, như: hội chứng chuyển hoá, bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp, bệnh tim mạch làm gia tăng nguy cơ tử vong.
Gút có thể là nguyên nhân các bệnh lý kèm theo này. Kiểm soát bệnh gút cần phải tính đến điều trị các bệnh này.
Người ta đã xác định gút là yếu tố nguy cơ tim mạch. Tăng acid uric máu là yếu tố nguy cơ tim mạch độc lập. Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng lên ở bệnh nhân gút. Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân gút dao động từ 50-85%. Có mối liên quan giữa nồng độ acid uric máu và tăng triglyceride máu.
Ngoài ra ở nhóm bệnh nhân tăng lipid máu thường thấy gia tăng số đợt gút cấp. Nhóm bệnh nhân gút có tăng lipid máu thì có nồng độ acid uric máu cao hơn và có số khớp viêm cao hơn so với nhóm không tăng lipid máu.
Các đối tượng dễ mắc gút
Theo thống kê, các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gút cao là nam, nữ tuổi từ 40-60, phụ nữ sau mãn kinh. Người béo phì có nguy cơ bị gút cao gấp 5 lần người bình thường, 75% bệnh nhân gút thường là do lạm dụng bia rượu, ăn nhiều thịt.
Bệnh cũng có yếu tố di truyền: 1/3 bệnh nhân có người thân bị gút. Ngoài ra còn gặp ở những người mắc bệnh thận (thận đa nang, suy thận mạn), bệnh máu (thiếu máu huyết tán, bệnh bạch cầu thể tuỷ mạn tính), nhiễm độc chì.
Nguyên nhân gây bệnh gút
Có 3 nhóm nguyên nhân. Gút nguyên phát: nguyên nhân chưa rõ ràng, có tính chất gia đình, thường khởi phát sau một bữa ăn uống thực phẩm có chứa nhiều purin như gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm. Gặp 95% ở nam giới.
- Xem thêm: 4 thói quen xấu gây ra bệnh xương khớp
Gút thứ phát: do tăng sản xuất acid uric, giảm đào thải acid uric hoặc cả hai, như: suy thận mạn, các bệnh về máu (bệnh bạch cầu cấp), do thuốc. Có hơn 20 loại thuốc gây gút thứ phát, bao gồm: thuốc lợi tiểu (thiazid, furosemid, acetazolamid) corticoid, aspirin, thuốc chống lao (pyrazinamid, ethambutol), thuốc chữa ung thư (cyclosporin). Gút do các bất thường về enzyme như di truyền.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh là: tăng huyết áp, béo phì, hội chứng chuyển hoá, tăng insulin máu và sự đề kháng insulin, uống nhiều rượu.
Điều trị
Gút cấp tính (cơn đau gút):
1/ Thuốc chống viêm:
– Thuốc đặc hiệu: Colchicin. Nếu không có thì có thể dùng diclofenac (Voltaren) hay Ketoprofen (Profenid) hay Naproxen.
2/ Thuốc an thần: Diazepam (Seduxen, Valium, Praxilen) hay Mimosa.
3/ Kiềm hoá nước tiểu: Dung dịch Bicarbonat Na 30/00, uống 1-1,5 l/ngày.
4/ Thời gian điều trị: Từ 5-10 ngày, sau đó chuyển sang điều trị dự phòng (ngoại trú) với công thức:
– Chế độ ăn uống: Hạn chế thịt đỏ (chó, dê, bò, trâu, heo), kiêng phủ tạng động vật (gan, lòng, tiết canh), hải sản (sò, ốc, cá béo, tôm, cua), các loại đậu hạt. Ăn thịt không quá 150g/ngày. Có thể ăn trứng, hoa quả.
Nên ăn rau nhiều, dùng đạm thực vật. Giảm calo nếu béo phì, duy trì trọng lượng cơ thể ở mức sinh lý. Không uống rượu bia và kiêng các chất kích thích như ớt, cà phê.
– Uống nhiều nước, khoảng 2-4 lít/ngày, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm 14 0/00, nước sắc lá sakê. Điều này sẽ làm tăng lượng nước tiểu trong 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng đọng urat trong đường tiết niệu.
– Tránh các thuốc làm tăng acid uric trong máu (Furosemid, Thiazid, Cyclosporin).
– Tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gút cấp như chấn thương, stress…
– Dùng thuốc tăng thải tiết acid uric: Probenecid (Benemid) hay Sulfopyrazon (Anturan), hay Benziodaron (Desuric).
– Tập vận động hàng ngày, tránh béo phì, gắng sức, căng thẳng và lạnh đột ngột.
– Kiểm soát các bệnh lý đi kèm như: cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đái đường.
Gút mạn tính:
1/ Chế độ ăn uống kiêng: như trên.
2/ Dùng dung dịch kiềm.
3/ Thuốc giảm tổng hợp acid uric: Allopurinol (Zyloric) hay Thiopurinol. Mới nhất là Febuxostat (biệt dược Fesogold 80mg), có tác dụng hạ acid uric máu tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn so với allupurinol, dùng được ở bệnh nhân suy gan suy thận nhẹ và trung bình mà không cần chỉnh liều.
4/ Thuốc chống viêm với liều nhỏ để dự phòng đợt sưng đau: Colchicine hay Diclofenac hay Ketoprofen hay Meloxicam.
5/ Thời gian điều trị: Nội trú từ 10-15 ngày, sau đó chuyển sang ngoại trú với thời gian tối thiểu 6 tháng.
Điều trị bằng Đông y: Y học cổ truyền gọi bệnh gút nằm trong chứng tý. Nguyên nhân bệnh là do 3 thứ tà khí gây ra gồm phong, hàn, thấp tích tụ lâu ngày trong cơ thể, trong khi cơ thể lại có sẵn can, thận bất túc.
Do vậy, khi can hư không chủ được cân mạch, thận hư không chủ được cốt tuỷ, hư nhiệt kết hợp với khí trệ huyết ứ do tà khí tích tụ gây bế tắc làm cho khớp xương sưng nóng đỏ đau. Bệnh gút có 3 thể lâm sàng: hàn tý, nhiệt tý và can thận âm hư.
Thể hàn tý: bệnh nhân được điều trị tán hàn, sơ phong, táo thấp gia thêm thuốc ôn thông với bài thuốc chủ trị là độc hoạt tang ký sinh. Thể nhiệt tý có cách trị là thanh nhiệt trừ thấp bằng bài thuốc bạch hổ quế chi thang.
Thể can thận âm hư, cách trị là bổ can thận âm bằng bài thuốc lục vị quy thược gia hà thủ ô, thảo quyết minh, lá sa kê.
Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh y học cổ truyền có phương pháp, bài thuốc trị gút hiệu quả.
Cụ thể một số loại dược liệu có tác dụng hạ acid uric máu như kim tiền thảo (lợi tiểu và tăng thải acid uric qua đường niệu), ngải cứu (ức chế mạnh xanthine oxydase giúp giảm tổng hợp acid uric), lá sa kê (kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, điều trị gút hiệu quả), hy thiêm (kháng viêm, giảm đau, hạ acid uric máu…). Sau đây là một số bài thuốc chữa gút:
1/ Lòng gà hầm ba kích:
– Chuẩn bị: lòng gà 1 bộ, ba kích nhục 30g, gừng, muối, tiêu bột, hành lá, mỗi thứ một ít.
– Tiến hành: Ba kích rửa sạch, cắt mỏng để ráo. Hành rửa sạch, cọng hành trắng giã nhuyễn, lá hành cắt khúc để sẵn. Gừng cạo vỏ sạch, cắt từng đoạn vừa ăn, rửa rồi để ráo.
Đem bộ lòng đã làm sạch ướp với cọng hành trắng đã giã nhuyễn. Thêm muối tiêu, rồi trộn với nhau cho thấm. Cho vào nồi cùng ba kích và ít nước lạnh để hầm.
Nấu nước thật sôi, rồi vặn nhỏ lửa hầm riu riu độ một giờ. Nêm tí muối cho vừa ăn rồi thả gừng cắt sợi và rắc tiêu cho thơm là dùng được. Ăn liên tục 7-10 ngày.
– Tác dụng: Ích khí, bổ thận, bổ dưỡng cơ thể, trị thận dương hư, khí huyết kém, gối đau, lưng mỏi.
2/ Giò heo hầm rễ tỳ bà:
– Chuẩn bị: Rễ tỳ bà 250g, giò heo 2 cái, đường muối, gừng, hành lá, tiêu bột, dầu ăn, rượu mỗi thứ một ít.
– Tiến hành: Rửa rễ tỳ bà sạch, cho vào nồi đất, đổ 700ml nước, sắc thuốc còn 150ml nước để riêng. Cho dầu vào nồi, thả cọng hành trắng phi thơm, bỏ gừng cắt sợi vào xào chung, sau cho tiếp giò lợn xào cho đều, đến khi giò lợn săn lại thì cho một ít muối đường, xào tiếp cho thấm.
Đổ nước thuốc đã sắc vào nấu chung, thêm ít rượu, đun sôi thì hạ nhỏ lửa, đậy nắp kín, hầm riu riu khoảng một giờ, thả hành lá cắt khúc, rắc tiêu bột.
– Tác dụng: Bồi bổ cơ thể, khu phong, trừ thấp, ích khí, bổ huyết, trị đau nhức xương các khớp.
3/ Canh ba ba đỗ trọng:
– Chuẩn bị: Đỗ trọng 15g, thịt ba ba 100g, một ít muối hột.
– Tiến hành: Rửa sạch đỗ trọng cho vào nồi với 800ml nước, đun sôi còn 300ml nước thuốc. Rửa sạch thịt ba ba cho vào nước đỗ trọng. Nấu đến chín thịt, cho gia vị vào.
– Tác dụng: Bổ can thận, chắc lưng gối. Trị bệnh đầu gối đau mỏi do can thận đều hư.
Ngoài ra, bệnh gút còn được điều trị thêm bằng các phương pháp không dùng thuốc khác như châm cứu, vật lý trị liệu, dưỡng sinh.
5 thực phẩm cần tránh
– Hải sản: Cá ngừ, cá trích, cá hồi, sò, nghêu, ốc, hến… là những hải sản có chứa nhiều purin và khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Vì vậy, người mắc bệnh gút nên tránh các thực phẩm này. Đối với những người chưa mắc bệnh gút thì nên ăn =< 120g hải sản/ngày.
– Thịt: Thịt ngỗng, thịt gà tây có chứa hàm lượng purin cao nên người bệnh gút càng ăn ít thì càng tốt. Thay vào đó nên chọn thịt trắng như thịt gà, thịt vịt.
– Rau: Các loại rau có hàm lượng purin cao như cải bó xôi, súp lơ, măng tây, nấm… đều không có lợi cho người mắc bệnh gút. Do đó, bệnh nhân nên hạn chế ăn những loại rau này.
– Bia: Đây là một đồ uống được xem là “cấm” đối với bệnh nhân gút, do nó làm tăng hàm lượng acid uric và cản trở quá trình đào thải chất này ra khỏi cơ thể.
– Thức uống chứa đường: Nước hoa quả, nước tăng lực… là những đồ uống có hàm lượng đường fructose cao và kích thích cơ thể sản xuất ra acid uric. Từ đó, nguy cơ mắc gút hay cơn gút cấp tái phát cũng tăng lên.