Những năm gần đây, ngoài sự gia tăng của nhóm các bệnh xương khớp của người có tuổi (do sự gia tăng tuổi thọ), còn có sự gia tăng đáng kể các bệnh này ở người trẻ tuổi (do sự thay đổi về kinh tế xã hội, thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống và lối sống).
Khi có biểu hiện đau, sưng xương khớp gây hạn chế vận động thì nguy cơ rất cao là mắc bệnh lý xương khớp. Hầu như các bệnh về xương khớp đều hình thành trong một thời gian dài, những thói quen xấu dưới đây không chỉ gây đau lưng, đau mỏi các khớp mà có thể làm cho quá trình thoái hóa khớp diễn ra, lâu dần sẽ dẫn tới nguy cơ thương tổn nghiêm trọng hơn. Bốn thói quen xấu thường gặp là:
- Chế độ ăn uống không hợp lý. Cùng với thời gian, các khớp xương bị thoái hóa trong khi lượng chất cần thiết để tái tạo sụn và xương như canxi và collagen lại không được cơ thể sản sinh một cách đầy đủ khiến cho bệnh lý xương khớp xuất hiện là khó tránh khỏi. Nhiều người nghĩ rằng vấn đề ăn uống không ảnh hưởng gì tới xương khớp, tuy nhiên thực tế đây là một yếu tố quan trọng để bảo vệ xương khớp chắc khỏe, phục hồi, bảo vệ sụn khớp, bôi trơn và nuôi dưỡng khớp.
Nếu không bổ sung chất dinh dưỡng cho xương khớp cũng gây ảnh hưởng tới sự phát triển, tái tạo các tế bào xương khớp, dẫn tới tình trạng thoái hóa sớm có thể diễn ra. Ngoài ra, thói quen sử dụng thức uống có ga, rượu, cà phê, ăn nhiều đồ ngọt… cũng góp phần làm giảm bớt lượng canxi và ngăn khả năng hấp thụ canxi của xương, gây loãng xương.
Do đó, việc bổ sung từ bên ngoài một lượng hợp lý các chất cần thiết sẽ góp phần giúp cho hệ thống xương khớp được ổn định và làm chậm lại quá trình lão hóa. - Không vận động hoặc ít vận động. Điều này sẽ thúc đẩy nhanh chóng quá trình thoái hóa xương khớp, lười vận động không chỉ dẫn tới hàng loạt các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, béo phì…, đặc biệt là các bệnh về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp, đau vai gáy… Chính vì thế, một chế độ vận động thường xuyên với cường độ phù hợp cũng giúp xương khớp thêm dẻo dai. Một số môn thể thao như bơi lội, nhất là yoga đã được chứng minh là rất tốt cho người bị viêm khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp.
Việc ngồi nhiều hoặc ở một tư thế ít vận động cũng là một trong những điều nên tránh vì như vậy máu sẽ ít được tuần hoàn hơn, kém lưu thông máu sẽ làm cho quá trình tái tạo tế bào mới thay thế tế bào già bị gián đoạn, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh xương khớp rất cao.
Thực tế, vận động không nhất thiết là phải chơi các môn thể thao như bóng đá, cầu lông,… tập luyện hằng ngày đôi khi chỉ đơn giản là một vài động tác trong các bài tập, đặc biệt là các bài tập dành cho đối tượng là nhân viên văn phòng, lái xe,… để hoạt động khớp xương và thư giãn; hay cũng có thể là 15 phút đến 1 tiếng đi bộ nhẹ nhàng hằng ngày. Những bài tập đơn giản này nếu được duy trì thường xuyên sẽ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của không chỉ hệ thống xương khớp mà còn của cả cơ thể.
- Lạm dụng thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau chỉ đánh lừa cảm giác tức thời chứ không thể chữa dứt bệnh. Một số thuốc nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu dạ dày, ảnh hưởng đến gan, làm suy thận, ảnh hưởng tới chức năng ở sụn khớp gây tổn thương xương khớp sau này. Vì vậy thay vì dùng thuốc giảm đau, nên hồi phục sức khỏe khớp bằng cách thức an toàn hơn, đó là bổ sung những dưỡng chất cần thiết theo khuyến cáo của chuyên gia.
- Thói quen bẻ khớp tay. Không ít người có thói quen bẻ các khớp ngón tay, ngón chân, khớp cổ hoặc vặn lưng khi mỏi mà không biết rằng, điều này sẽ khiến khớp to lên, xấu về thẩm mỹ. Không những thế, nó còn gây nên các tổn thương cấp tính như bong gân, trật khớp, giãn dây chằng, làm sụn khớp bị bào mòn, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp. Ngoài ra, gối đầu quá cao khi ngủ, tư thế nằm không đúng (nửa nằm nửa ngồi),… cũng làm gia tăng áp lực tới các khớp xương, lâu ngày có thể là nguyên nhân góp phần gây ra bệnh về khớp.
Trên đây là một số thói quen xấu ảnh hưởng nhiều tới hệ thống xương khớp cũng như làm giảm tuổi thọ của xương trong một thời gian dài. Mỗi người nên ý thức thay đổi thói quen xấu để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cảnh báo cho người xung quanh. Khi có các biểu hiện bất thường ở xương, khớp và các bộ phận liên quan thì người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp để được xác định, chẩn đoán và hướng dẫn cách điều trị, phòng ngừa thích hợp.