Một căn bệnh gây tàn phế hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta vẫn chưa quan tâm đúng mức đó là bệnh thoái hóa khớp. Bệnh nhân thoái hóa khớp thường phải chịu đựng những cơn đau khó dứt của bệnh, nhất là vào đêm lạnh, dẫn đến mất ngủ và mệt mỏi. Phần lớn người bệnh tỏ ra bi quan trong điều trị vì cho rằng thuốc men chỉ có tác dụng nhất thời. Buổi trò chuyện với BS Nguyễn Thành Chơn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn – ITO, hy vọng sẽ cho chúng ta những lời khuyên hữu ích về căn bệnh này. BS Thành Chơn cho biết:
Thoái hóa khớp là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi, không ít người trong độ tuổi trên dưới 40 bắt đầu chịu đựng căn bệnh này. Bệnh có thể xảy ra trên bất kỳ khớp nào trên cơ thể như khớp háng, khớp gối, khớp vai, cột sống… nhưng thường gặp nhất là khớp gối. Khớp bị thoái hóa thường kèm theo viêm, dẫn đến tình trạng khớp sưng tấy, gây đau đớn và khó khăn vận động khớp.
Thưa bác sĩ, những thói quen nào thường gây hại khớp?
Chúng ta có một thói quen làm hại khớp nghiêm trọng là ngồi xổm làm việc, nhất là phụ nữ. So với trọng lượng cơ thể thì trọng lượng đè lên khớp là tương đương khi chúng ta đứng thẳng, ngồi thẳng, nhưng sẽ tăng lên gấp ba lần khi ngồi xổm. Vì vậy, ngồi xổm khi làm việc, vui chơi là một thói quen rất có hại. Ngoài ra, thói quen ngồi khom lưng, cúi gập người cũng rất có hại cho cột sống. Người thừa cân béo phì rất khó tránh khỏi tình trạng thoái hóa khớp sớm vì khớp luôn phải gánh trọng lượng quá sức. Các bác sĩ thường khuyên chúng ta giảm cân để tốt cho sức khỏe nói chung và khớp nói riêng, nhưng trên thực tế việc giảm cân là điều vô cùng khó khăn với nhiều người. Theo tôi, việc dễ dàng hơn với người thừa cân là luyện tập cơ bắp khỏe mạnh để cơ bắp “gánh” bớt trọng trách cho khớp, bảo vệ khớp.
Xin bác sĩ hướng dẫn thêm cách luyện tập cơ bắp cho mọi người…
Chạy xe đạp là cách luyện tập cơ hiệu quả mà ít ảnh hưởng đến khớp gối nhất. Chúng ta nên cố gắng mua một chiếc xe đạp thể thao đặt tại nhà để khi rảnh rỗi là có thể luyện tập ngay. Xe đạp thông thường để chạy ngoài đường cũng được nhưng e là đường phố Việt Nam không thích hợp để đi dạo hằng ngày. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tranh thủ tập bằng tạ nhỏ khi ngồi làm việc ở công sở hoặc tại nhà buổi tối thay vì đến phòng tập thể hình. Chúng ta thường thiếu sự kiên trì trong luyện tập. Tôi thấy nhiều người mua xe đạp về tập được vài ngày đầu rồi “xếp xó”. Theo tôi, mọi người cần nhận thức đúng đắn hơn về việc giữ gìn sức khỏe bằng tập luyện và tin tưởng vào hiệu quả của nó thì mới theo đuổi việc luyện tập lâu dài được.
Luyện tập đi bộ và bơi lội cũng rất hữu ích cho cơ bắp. Đây có phải là những môn mà bệnh nhân thoái hóa khớp nên luyện tập mỗi ngày?
Hầu hết chúng ta khi nghĩ đến tập thể dục đều nghĩ ngay đến đi bộ, chạy bộ. Không ít người bị bệnh khớp nói chung cũng chọn đi bộ là môn thể thao để luyện tập hằng ngày. Thật ra, đi bộ tốt cho tim mạch, hô hấp, tiểu đường… nhưng đi bộ quá sức sẽ không tốt cho bệnh khớp. Vì khi đi bộ nhiều, khớp sẽ chịu nhiều áp lực, gây đau sưng nhiều hơn mà thôi. Bơi lội là môn thể thao rất tốt cho khớp. Người không biết bơi có thể đi bộ trong nước cũng giúp ích rất nhiều cho khớp. Bơi lội hoặc đi bộ trong nước sẽ giúp hệ thống cơ bắp khỏe mạnh mà khớp ít chịu trọng lực nhờ lực đẩy của nước. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện để đến hồ bơi vài lần trong tuần cho nên cách tập luyện thuận tiện nhất vẫn là tập tạ và đạp xe.
Vì sao bệnh khớp thường đau dai dẳng và khó điều trị, thuốc chỉ điều trị nhất thời?
Thoái hóa khớp là bệnh lý của tuổi tác, năm tháng đi qua, tuổi người bệnh nhiều hơn thì bệnh sẽ nặng thêm một chút. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh nghĩa là ngăn chặn trước khi để cho khớp bị tàn phá trầm trọng. Nếu chỉ mong đợi vào thuốc thì nói rằng bệnh khớp khó điều trị là đúng. Thuốc sẽ giúp ích trong thời gian khớp đang bị viêm, đau, tràn dịch… Bác sĩ tận tình hướng dẫn và chúng ta dành nhiều thời gian để tập luyện cho hệ thống cơ bắp quanh khớp khỏe mạnh thì bệnh sẽ nhanh hết và chậm tái phát.
Có một số bác sĩ xương khớp cho rằng bệnh thoái hóa khớp có thể điều trị không cần dùng thuốc. Bác sĩ có đồng ý với ý kiến này?
Không thể không dùng thuốc vì khi bệnh đã biểu hiện thành triệu chứng, khớp bị sưng và đau đớn, người bệnh sẽ khó khăn trong vận động và sinh hoạt. Tuy nhiên, chúng ta nên hạn chế sử dụng thuốc vì thuốc nào cũng có ít nhiều những tác dụng phụ, không nên lạm dụng và không điều trị kéo dài. Thông thường bác sĩ chỉ kê toa hai, ba loại thuốc trong số các loại thuốc kháng viêm, giảm sưng, thuốc bổ sung sụn, những trường hợp nặng hơn có thể cần thuốc tiêm. Nhiều bệnh nhân không kiên nhẫn chạy chữa ở một bác sĩ uy tín mà thường “vái lạy tứ phương”, chữa bác sĩ này chưa xong lại chạy sang bác sĩ khác. Tôi khuyên bệnh nhân nên tìm đến những nơi chuyên khoa bệnh lý xương khớp uy tín để điều trị, không nên chạy theo lời đồn đoán vừa lãng phí thời gian vừa không đạt hiệu quả.
Những trường hợp nào thì cần phẫu thuật, thưa bác sĩ?
Khi bệnh thoái hóa khớp gối đã chuyển sang giai đoạn nặng, sau khi dùng thuốc một thời gian mà không thấy hiệu quả thì các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào mức độ của bệnh như nội soi, cắt xương chỉnh trục, thay khớp gối nhân tạo nếu khớp gối đã bị hư trầm trọng. Thay khớp thực sự là thay bề mặt sụn khớp đã bị bào mòn bằng một lớp nhựa cao phân tử nhân tạo. Cho nên mọi vận động và chịu lực của khớp gối sau khi thay khớp sẽ do lớp nhựa nhân tạo này đảm trách nên người bệnh đi đứng chịu lực không đau, vận động khớp gối được cải thiện rõ rệt. Nội soi khớp cũng đem lại nhiều kết quả tốt cho người bệnh. Qua kinh nghiệm nhiều năm phẫu thuật nội soi, chúng tôi đã tổng kết được những phương pháp nội soi nào sẽ có kết quả tốt cho người bệnh. Mỗi phương pháp điều trị nói trên đều có ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Không có phương pháp nào là tốt hơn phương pháp nào. Đối với một người bệnh cụ thể thì chỉ có một phương pháp tốt nhất. Nếu khám xét cẩn thận, đánh giá chính xác mức độ bệnh và chú ý đến nhiều yếu tố liên quan khác thì người bệnh sẽ nhận được phương pháp hiệu quả nhất.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.
- Thanh Nhã
Xem thêm: