Bệnh viêm khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế cho chúng ta, mà phổ biến nhất hiện nay là bệnh thoái hóa khớp. Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị thoái hóa khớp đối với người trong nhóm từ 35-65 tuổi là 30%, nhóm 65-75 tuổi là 60% và trên 75 tuổi là 85%.
Người thừa cân rất dễ bị thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương bề mặt sụn khớp do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường, giữa hai khớp xương có một đĩa đệm và thường xuyên có dịch để “bôi trơn” các khớp xương. Do tổn thương hoặc tình trạng viêm mà dịch tiết ra ngày càng ít, làm tăng ma sát giữa các khớp. Dần dần, mặt sụn khớp bị mòn, dẫn đến tình trạng hẹp khe khớp gối. Theo thời gian, thương tổn “ăn” dần từ bề mặt của sụn đến mặt dưới sụn, gây thương tổn tổ chức dưới sụn và phá hủy đến mô xương. Cuối cùng, thương tổn ăn mòn vào mô dưới sụn sẽ tạo nên tình trạng khuyết xương và mọc ra các chồi gai (thực chất là quá trình vôi hóa), gây đau khớp thường xuyên. Các khớp dễ bị thoái hóa nhất là khớp liên đốt sống, khớp gối và khớp háng.
Có thể ví hoạt động của các khớp xương như trục của máy móc vậy. Trục máy hoạt động một thời gian dài khó tránh trường hợp bào mòn, hỏng hóc, nhất là khi chúng ta quên bôi trơn bằng dầu mỡ. Khớp xương của con người cũng vậy. Càng lớn tuổi, chúng ta càng dễ bị thoái hóa khớp do khớp hoạt động lâu ngày, dẫn đến mất tính đàn hồi và khô cứng. Còn ở người trẻ thì thoái hóa khớp thường do các tổn thương sau tai nạn giao thông, khớp hoạt động quá tải hoặc do di chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm đa khớp dạng thấp… Ngoài ra, những người nghiện rượu hoặc sử dụng thuốc có chứa chất corticoide không đúng liều lượng cũng gây rối loạn quá trình tiết dịch khớp, dẫn đến thoái hóa khớp.
Cần lưu ý là những người thừa cân, béo phì dễ bị thoái hóa khớp gối hơn người bình thường vì trọng lượng cơ thể dồn lên hai khớp gối và khớp háng thường xuyên và quá mức, khiến sụn khớp quá tải, nhanh hao mòn và hư dần theo thời gian. Những người béo phì hay đi bộ, chạy bộ để giảm cân càng khiến khớp gối bị quá tải nhiều hơn, hư nhanh hơn.
Thoái hóa khớp nguy hiểm vì không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh nhân giai đoạn đầu thường chỉ có cảm giác đau thoáng qua khi mới ngủ dậy hoặc đi lại nhiều. Nghỉ ngơi một lúc thì cơn đau biến mất, đầu gối không sưng nên người bệnh hầu như không đi khám. Đến khi cơn đau khớp xuất hiện thường xuyên hơn, nhất là khi leo cầu thang hoặc khi đi bộ từ 30 phút trở lên, phải sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau thì bệnh đã đến giai đoạn nặng. Đây là giai đoạn thương tổn mô dưới sụn nghiêm trọng, hẹp khe khớp do xẹp đĩa đệm, các đầu gối khi vận động thì cọ xát với nhau mà không có chất nhờn nên bắt đầu gây đau, sưng tấy đầu gối. Lúc này, chúng ta thường cảm thấy đau đớn đến ăn không ngon ngủ không yên, đi lại vô cùng khó khăn, hay nghe tiếng kêu cọt kẹt trong khớp khi vận động và thường xuyên phải trông chờ vào thuốc giảm đau.
Đi bộ dưới nước rất tốt cho bệnh nhân thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp thường được điều trị kết hợp cả thuốc và việc luyện tập mỗi ngày hoặc phải phẫu thuật. Bác sĩ thường cho sử dụng cả thuốc kháng viêm giảm đau và bổ sung chất nhờn cho khớp. Thực tế, dùng thuốc kháng viêm giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau nhất thời chứ không thể làm hồi phục lớp sụn bị thoái hóa. Một trong những thuốc điều trị thoái hóa khớp ở giai đoạn viêm phổ biến hiện nay là sử dụng thuốc corticoid tiêm vào khớp gối. Đây là loại thuốc có tác dụng chống viêm rất tốt nhưng lưu ý là nếu sử dụng thuốc quá liều lượng, thời gian kéo dài sẽ có nhiều tác dụng phụ không tốt lên xương và nhiều cơ quan khác của cơ thể. Đặc biệt, nếu dùng không đúng kỹ thuật chuyên môn, không đảm bảo vô trùng, bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng khớp rất nguy hiểm. Vì vậy, muốn sử dụng thuốc luôn phải có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Trường hợp khớp gối bị viêm, thoái hóa nặng hơn, bệnh nhân có thể được nội soi khớp để cắt hoạt mạc bị viêm. Nếu thương tổn khớp gối bị hư nặng, lệch trục, tổn thương dưới sụn…, bệnh nhân sẽ được chỉ định phải phẫu thuật thay khớp gối. Tuy nhiên, các phương pháp trên chỉ mang tính chất điều trị triệu chứng nhiều hơn nên hiện nay, cả Việt Nam và thế giới vẫn đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu giúp mô sụn khớp được tái tạo và chống viêm hiệu quả bằng phương pháp chích tế bào gốc vào khớp gối trong điều kiện vô trùng.
Gần đây, với công nghệ sử dụng nhiệt độ thấp không enzyme, các nhà khoa học đã tinh chiết được UC-II (collagen loại 2 không biến tính), có cấu trúc phân tử không bị thay đổi khi sử dụng bằng đường uống và được FDA Hoa Kỳ chứng nhận là phát minh an toàn trong quá trình điều trị thoái hóa khớp. Một nghiên cứu của tác giả David C. Crowley và cộng sự tiến hành tại Mỹ cho thấy Collagen loại 2 không biến tính mang lại kết quả tốt hơn hẳn so với các phương pháp không phẫu thuật trước đó. Tuy nhiên, việc phổ biến phương pháp này tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến.
Bên cạnh đó, người bệnh cần phải có sự vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Các bác sĩ thường khuyên sử dụng thêm vật lý trị liệu để tăng dinh dưỡng tại nơi khớp bị thoái hóa. Quan trọng hơn cả là người bị thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt: hạn chế leo cầu thang hay khiêng vác nặng, tránh các tư thế gây tình trạng kém lưu thông máu như ngồi xổm hay ngồi xếp bằng, tránh vận động quá mức mà không cho khớp nghỉ ngơi. Chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng mỗi ngày như: ăn nhiều rau quả, đủ năng lượng đạm, tinh bột, hạn chế chất béo từ mỡ động vật, tăng cung cấp dầu thực vật chứa nhiều omega 3 để thêm nguồn dinh dưỡng cho sức khỏe khớp xương. Người bệnh cần tránh ăn mặn và kiêng chất kích thích như bia rượu, thuốc lá vì chất này gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị. Khi tuổi đã lớn, khớp đã đau, cần tránh các môn thể thao quá sức như đánh tennis, chạy bộ. Về vận động, nguyên tắc đáng nhớ nhất đối với người bị thoái hóa khớp là thường xuyên nhưng không quá sức. Hoạt động nhiều quá sẽ làm đau các khớp nhưng ít quá khiến khớp xơ, cứng. Bệnh nhân chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng từ 5-10 phút/lần và từ 3-5 lần/ngày. Ngoài ra, đi bộ dưới nước là biện pháp chữa bệnh khớp hiệu quả. Sức đẩy của nước sẽ giúp giảm tác động lên các khớp và giúp cơ thể vẫn có cơ hội tăng vận động.
- BS Huỳnh Công Dũng