Sau gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM. Thế nhưng, nhiều vướng mắc trong thủ tục hành chính, hải quan, những bất cập, chồng chéo trong quy định của nhà nước… đang khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng.
Những bất cập trong thủ tục hành chính
Chia sẻ trong buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp FDI và lãnh đạo TP.HCM ngày 16-3-2016, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, mặc dù các quy định hiện nay buộc địa phương phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, thế nhưng khi thực hiện một dự án, nhà đầu tư thường phải qua nhiều “cửa”, xin nhiều giấy phép con, khiến thời gian triển khai dự án kéo dài. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, ông đề xuất cần nhanh chóng xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà và thống nhất các thủ tục về một mối.
Một nhà đầu tư đến từẤn Độ chia sẻ, khi thực hiện thủ tục xin phép đầu tư vào một khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, họ bị cơ quan tiếp nhận “hành” hàng tháng trời. Theo giấy hẹn, đại diện công ty đến cơ quan cấp phép để giải quyết thủ tục pháp lý thì được thông báo người giải quyết hồ sơ vắng mặt đến hai lần. Doanh nghiệp không khỏi bức xúc vì mất thời gian mà vẫn không giải quyết được thủ tục cần thiết, trong khi cơ quan chuyên trách lại khá thờơ, không cử cán bộ thay thế để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý.
Bên cạnh đó, tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp cũng cho rằng, luật và quy định thường xuyên thay đổi là một vấn đề cần phải xem xét, bởi vì luật cũ chưa thông, luật mới đã ban hành khiến nhiều doanh nghiệp không kịp nắm bắt, việc vi phạm thủ tục là điều khó tránh khỏi.
Cách tính thuế và thủ tục hải quan gây khó cho doanh nghiệp
Vấn đềưu đãi về thuế không thống nhất giữa cơ quan cấp phép đầu tưở các địa phương và Cục thuế TP.HCM cũng là vấn đề mà đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nêu lên tại buổi gặp gỡ. Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, một doanh nghiệp hội viên đăng ký hoạt động ở TP.HCM, sau đó mở nhà máy ở Cần Thơ thì được Ban quản lý Khu công nghiệp thành phố này cấp giấy chứng nhận đầu tư với ưu đãi thuế. Tuy nhiên, Cục thuế TP.HCM cho rằng giấy chứng nhận đầu tư đó không có hiệu lực và công ty vẫn phải đóng thuế cho Cục thuế TP.HCM.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục thuế TP.HCM, giải thích rằng theo quy định, Giấy chứng nhận đầu tư không có ghi ưu đãi về thuế mà sẽ thực hiện dựa vào Luật Thuế. Tuy nhiên Ban quản lý Khu công nghiệp Cần Thơ làm sai là ghi ưu đãi thuế lên giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp này với thời gian ưu đãi dài hơn ưu đãi quy định hiện hành. Theo bà Nga, bằng văn bản, Thứ trưởng của Bộ Tài chính cũng trả lời doanh nghiệp rằng “Ưu đãi thuế của doanh nghiệp phải thực hiện dựa vào Luật Thuế”, do một số địa phương muốn thu hút đầu tư nên đã làm chưa đúng, nếu doanh nghiệp muốn được ưu đãi thì phải kiến nghị lên Thủ tướng.
Trước sự phản hồi của lãnh đạo ngành thuế, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng việc áp dụng tính thuế khi đã cam kết ưu đãi cho doanh nghiệp là không hợp lý. Theo ông Thăng, Cục thuế TP.HCM phải làm việc lại với Cục thuế Cần Thơ để giải quyết cho doanh nghiệp, không thể để sự bất cập trong quản lý khiến doanh nghiệp chịu thiệt. Vấn đề này trong tầm kiểm soát của bộ, ngành thì cũng không nên đưa lên Thủ tướng.
Liên quan đến thủ tục hải quan, ghi nhận điểm tích cực là việc thông quan điện tử đã rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Bé, dù đã tiến hành liên thông một cửa nhưng lại có quá nhiều cửa khác ở các khâu khác đang tạo ra cơ chế xin-cho, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Ví dụ như việc nhập khẩu thép, hải quan đòi hỏi phải có giấy kiểm định, xin quota, cắt thép từng miếng để đem thẩm định… hay nhập hóa chất phải có giấy kiểm định của Bộ Công thương chỉ với mục đích biết về số lượng cho công tác làm thống kê… Về vấn đề này, Cục Hải quan TP.HCM cho biết hệ thống một cửa quốc gia của hải quan thực tế có sáu bộ ngành tham gia. Doanh nghiệp chỉ đến làm việc với hải quan một lần nhưng để nhập khẩu một lô hàng, cần làm việc trước với các bộ, ngành khác. Trước thế khó của doanh nghiệp, Bí thư Đinh La Thăng đã đặt câu hỏi rằng để đỡ phiền nhiễu cho doanh nghiệp, Hải quan TP.HCM có thể dùng máy kiểm định cầm tay để kiểm định trực tiếp tại cửa khẩu, thay vì cắt sắt đi kiểm định hay không? Ông cũng đề xuất Cục đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp trong vòng một tuần và phải giải quyết từng trường hợp chứ không nên chờ đợi, tổng hợp để đỡ mất thời gian.
Rào cản từ Thông tư 23
Ngoài ra, các vướng mắc liên quan đến khâu kiểm tra, kiểm soát của hải quan, quy định về việc không cho nhập hàng hóa đã qua sử dụng 10 năm… cũng được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm. Đại diện Amcham cho rằng, Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định không được nhập máy móc cũ trên 10 năm tuổi vào Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp khác.
Theo đại diện này, có những máy móc thiết bị sản xuất và chất bán dẫn ôtô có thể sử dụng được 20 năm và nhiều hơn nữa được dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam đang gặp khó khăn. Hơn nữa, Thông tư cũng vi phạm các hàng rào kỹ thuật của WTO bằng việc đưa ra quy định tùy ý… Do vậy, ông kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cần có cách tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực giỏi ngoại ngữ… cũng là vấn đề các doanh nghiệp FDI mong muốn chính phủ Việt Nam cải thiện để giúp họ thuận lợi hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Để tiếp tục là điểm nóng thu hút nguồn vốn FDI trong tương lai, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là cải cách nhanh, mạnh mẽ. Đơn giản hóa thủ tục hành chính; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng; xây dựng chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là những điều cần làm hiện nay. Tại TP.HCM, với sự quyết tâm của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, nhiều người kỳ vọng quá trình cải cách sẽ được đẩy nhanh để sớm mang lại một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư.
Quốc Khánh (DNSGCT)