Tây Nguyên đang vào mùa gió bụi, mùa của phong sương, của sức mạnh xứ sở cùng những rạo rực núi non. Tôi biết mùa khô luôn là mùa khó hiểu nhất của cao nguyên, như mười tám năm rong chơi giang hồ đi qua sông núi miền Thượng mỗi khi bụi về… Bữa tiệc khó gặm của trời đất là gió, nắng, bụi đang bày ra, và được dân nông tất tả dồn tâm trí sau kỳ đón tết của người Kinh, từ tháng Hai đổ đi, nghĩa là phải trở lại ngay với rẫy nương. Mùa buộc phải tần tảo của người, như con ong đi lấy mật kia. Khác với mùa thư thái và lễ hội của người Kinh, “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ngược 180 độ với mùa mưa, mùa có thể ngồi đó rung đùi, hết việc, ngắm cỏ cây phủ xanh núi đồi, tìm “trời” mà lên.
Nếu không bộ hành thì phải ngồi xe máy lang bạt mới hy vọng cảm nhận được ít nhiều về mùa đặc biệt nhất của cao nguyên.
Đây rồi, vẫn thứ nắng khô không khốc, đe nẹt, rồi lại ve vãn cái màu thậm xanh bạt ngàn của vườn rẫy cà phê, cao su, tiêu, điều. Nắng nóng mang sự từ bi khốn nạn: ráng chịu đựng đi, thế nào rồi mùa mưa cũng sẽ về! Mùa nắng, cao nguyên mênh mông thêm. Gió cũng nhiều và lang thang, lang thang như đến bất tận, làm mọi thứ xa vời, nhớ nhung, nôn nao nhiều, chạm hoài không tới, không hết. Bụi lại giăng khắp trời đất, đến độở đoạn qua cao nguyên Đắk Lắk, người ta vẫn gọi thủ phủ của Tây Nguyên Buôn Ma Thuột thành… “Bụi Mù Trời”, cho thỏa hờn trách ông trời, cũng vờ như chẳng yêu xứ sở. Từng thớ đất bazan rơi vào cơn khát nước định kỳ hẹn trước với trời đất, cây trồng tưới bao nhiêu nước cũng không thừa. Bà con cô bác như nghiêng sông, nghiêng suối, cố thọc thật sâu vào lòng đất mà vắt nước lên tưới rẫy vườn. Cỏ cây “sống chung với hạn”, chơi trò sấp ngửa, còn nông dân ở vào kỳ cảm xúc hồi hộp bởi không biết mùa khô năm này có dài hơn, “tàn bạo” hơn mùa năm trước, cây trồng gồng lên đến đâu.
Thế đấy, nhưng đó là mùa cao nguyên hiện ra cường tráng, vạm vỡ và bền bỉ nhất, đầy đủ và “Tây Nguyên” nhất.
*
Chỉ giữa mùa màng thế này mới cho tôi đủ hoang vu để cảm nhận được ít nhiều về xứ sở mà Jacques Douners – nhà dân tộc học người Pháp suốt gần ba mươi năm trời trai trẻ chôn chặt, chung sống với người Tây Nguyên – hôm nào còn gọi là “Miền đất huyền ảo”. Thời của Jacques Douners, G. Condominas, cũng như tác gia công trình kinh điển về Tây Nguyên Les Jungles Moi Henri Maitre đã mù xa. Tây Nguyên đó là thứ Tây Nguyên… sơn nguyên; Tây Nguyên của xã hội bán khai, của sức mạnh đại ngàn, của thực và ảo. Nếu có chút trách nhiệm nghiêm túc của một kẻ rong chơi, thì tôi phải quan sát hình hài cao nguyên đương thời bằng cái nhìn thực chân. Tôi không được phép “vẽ” ra Tây Nguyên hoang dã theo kiểu người ta viết kịch bản cho một bữa uống rượu cần của sắc dân bản địa, sân khấu hóa một Festival Cồng chiêng, hay đưa đàn T’rưng, trang phục thổ cẩm… lên khán đài khi mà suối bên ngoài làng không còn nước, không gian rừng đã biệt xứ, và nghề dệt thổ cẩm chân phương đã được thay bằng áo quần công nghiệp may sẵn dịch vụ đến chân cầu thang nhà dài.
Một dải núi ở cao nguyên M’Nông được dân di cư mới dọn sạch và cắm trụ tiêu xuống, và bắt đầu hình thành thêm làng xóm
Và rõ ràng đến mùa khô này thì Tây Nguyên đã không còn nhiều huyền ảo nữa, cạn dần bí ẩn, tất cả dường như đã lộ ra, phơi mình, mênh mông ra thay vì thu sâu vào trong tiếng chiêng, tiếng cồng, trong bếp lửa nhà sàn ở những làng, bon, buôn, plei, kon… Nhà xây xi măng, xe máy, tủ lạnh, tivi, xe hơi, bia bọt, mì gói… đã giúp “hiện đại hóa” dần cộng đồng. Tất cả đã không còn là xã hội bán khai. Đời sống cây công nghiệp, cà phê, cao su, hồ tiêu…, với nền nông nghiệp hàng hóa… đã thế chỗ cho nương cao lúa cạn. Sự có mặt của trên 40 sắc dân trên đất nước góp mặt đến vùng đất này tạo ra một sự đa dạng về văn hóa lẫn chồng xen tâm trạng, tạo nên một Tây Nguyên mới, hấp lực mới, sinh động, với nhiều nghĩ suy, cơ hội, tâm thế, hỗn tạp… Nhưng dù thế nào, trong cuộc rong ruổi mênh mang như thế, khi bắt gặp đây đó hiện ra những cụm nhà dài là chỉ dấu về một làng M’nông, Ê Đê, J’rai, K’ho, Banah, Sê Đăng… lại là như uống được những ngụm tình cao nguyên sâu nặng thấm đẫm cái giá trị mộc mạc – hiền hòa – da diết của người sơn nguyên, thân thiện, nặng nợ với thiên nhiên.
*
Tôi lướt qua cái vỏ vật chất bề ngoài của Tây Nguyên, thấy và cảm nhận nó vẫn bằng tâm thế một người khách, nên vui buồn của họ – những tộc người thuộc loại hình nhân chủng Indonesien, nói theo hệ ngữ Môn – Khơme, hoặc Malayo – Polynesien – như là một thứ xa xỉ cho khám phá của mình, chỉ dạng kiểu như ông nhạc sĩ Trần Tiến thấy: “Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhấp nhô bên đồi/ Một mái tranh nghèo, một nhà sàn đơn sơ”… Tôi cũng quý trọng câu nhạc của ông Nguyễn Cường – người từ thủ đô – khi ông lẩy ra được cái vẻ đẹp đặc trưng của người cao nguyên: “Gái trai quê tôi, da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa”. Thế đấy, nhưng những mùa phong sương, gió bụi tràn về trên cao nguyên, hành trang tôi mang vào người như một thứ kích hoạt cảm xúc cao nguyên, vẫn chỉ là những lời ca của người bạn bản xứ của tôi, nhạc sĩ chân trần vùng Ea H’leo phía Bắc tỉnh Đắk Lắk, địa bàn giáp ranh với tỉnh Gia Lai, Y Phôn Ksor: “Một mình qua sông, qua núi đồi/… Tôi như con chim lạc bay trên đồi cao/… Tôi như con thú hoang, lang thang trong rừng sâu/… Tôi như hạt mưa khao khát lời!”. Nhạc anh sáng tác ra hẳn hoi, nhưng anh bảo nó của Yàng, Yàng cho những thanh âm núi rừng máu thịt đó, nhờ nó được viết trên rẫy, lúc đi cày cuốc kiếm cơm trên rẫy, buổi còn kham khổ, chưa biết đến trường nhạc (nay đã học xong Đại học Âm nhạc) và hết viết được như thế nữa!). Y Phôn là người rặt cao nguyên, nhưng anh lại không mê lang thang cao nguyên vào mùa nắng gió như tôi. Có thể người ta không thèm cái họ dư thừa, nên tôi là trường hợp ngược lại. Anh nói rằng tôi “đồng bào” hơn đồng bào, “rừng rú” hơn anh, và bảo tôi thích thì cứ đi mãi đi, đi cho hết không còn chỗ nào của cao nguyên, cho đến khi nào hiểu được Tây Nguyên thì về kể cho anh nghe với. Cái ông nhạc sĩ sơn cước này rõ là “làm sang” cho tôi rồi, chứ độ trong sáng và thật thà tôi tu mấy kiếp, luyện mấy mùa gió bụi núi non để được như “đồng bào”! Người sơn nguyên không có “Xuân tóc đỏ”, “Chí Phèo”, khôn vặt, hay toan tính trên từng khắc sống, nhưng thế giới của tôi thì đầy.